+Aa-
    Zalo

    Tại sao cơ sở hạt nhân mới của Iran 'bất khả xâm phạm'?

    ĐS&PL Theo ảnh vệ tinh, giới chuyên gia nhận định Iran có khả năng đang xây dựng một cơ sở hạt nhân mới ở độ sâu từ 80 đến 100m.

    Hãng AP đưa tin, các chuyên gia quân sự cho biết, theo hình ảnh vệ tinh được chụp lại, tại khu vực gần một đỉnh thuộc dãy núi Zagros ở miền Trung Iran, các công nhân đang xây dựng một cơ sở hạt nhân nằm sâu trong lòng đất, có khả năng nằm ngoài tầm bắn của bất kỳ loại vũ khí tân tiến nào của Mỹ.

    co so hat nhan moi nam sau trong long dat cua iran dspl 1
    Hình ảnh vệ tinh chụp công trình cơ sở hạt nhân đang xây dựng của Iran. Ảnh: AP

    Cụ thể, các bức ảnh và video từ Planet Labs PBC cho thấy Iran đã đào các đường hầm trên núi gần cơ sở hạt nhân Natanz, nơi liên tục hứng chịu các cuộc tấn công, trong bối cảnh Tehran đang đối đầu với phương Tây về chương trình nguyên tử của nước này.

    Cùng với việc Iran hiện đang sản xuất uranium gần với cấp độ vũ khí sau sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), động thái trên được cho là sẽ làm phức tạp thêm, đồng thời cản trở nỗ lực của phương Tây trong việc ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử.

    Ông Kelsey Davenport, Giám đốc về chính sách giải trừ vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Washington cảnh báo: “Việc hoàn thành một cơ sở như vậy sẽ là một kịch bản ác mộng, có nguy cơ châm ngòi cho một vòng xoáy leo thang mới. Gần như không còn nhiều giới hạn để Tehran thúc đẩy chương trình của mình mà không vượt qua các lằn ranh đỏ của Mỹ và Israel. Ở thời điểm này, bất kỳ sự leo thang nào đều có nguy cơ dẫn đến xung độ”.

    Kế hoạch xây dựng tại Natanz được triển khai 5 năm sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân. Vào thời điểm đó, ông Trump lập luận thỏa thuận này không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, cũng như cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này đứng sau các lực lượng dân quân khắp Trung Đông.

    co so hat nhan moi nam sau trong long dat cua iran dspl 2
     Iran cho biết họ đang làm giàu urani lên tới 60%. Ảnh: AP

    Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran cho biết họ đang làm giàu urani lên tới 60%, mặc dù các thanh sát viên gần đây đã phát hiện ra nước này đã sản xuất các hạt urani có độ tinh khiết 83,7% và chỉ cách ngưỡng 90% một bước ngắn.

    Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết, hồi tháng 2, các thanh sát viên quốc tế ước tính kho dự trữ của Iran đã tăng gấp hơn 10 lần so với thỏa thuận thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama , với số lượng urani được làm giàu đủ để Tehran sản xuất "vài quả bom hạt nhân".

    Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel cho biết họ sẽ không cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

    "Chúng tôi tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó nhưng Tổng thống cũng khẳng định rõ rằng chúng tôi sẽ không loại bỏ bất kỳ lựa chọn nào khỏi bàn đàm phán", Nhà Trắng tuyên bố.

    Cơ sở hạt nhân mới có gì đặc biệt?

    co so hat nhan moi nam sau trong long dat cua iran dspl 41
    Ảnh vệ tinh từ Planet Labs PBC cho thấy cơ sở hạt nhân Natanz. Ảnh : AP

    Iran cho biết công trình mới sẽ thay thế một trung tâm sản xuất máy ly tâm trên mặt đất tại Natanz. Trung tâm này từng bị ảnh hưởng bởi một vụ nổ và hỏa hoạn vào tháng 7/2020. Tehran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công.

    Iran không thừa nhận có bất kỳ kế hoạch nào khác cho cơ sở trên. Nước này sẽ phải báo cáo về địa điểm này cho IAEA nếu có kế hoạch sản xuất urani bên trong.

    Dự án mới đang được xây dựng bên cạnh cơ sở Natanz, cách khoảng 225 km về phía Nam của Tehran.  Dự án trải rộng trên 2,7km vuông ở cao nguyên Central Plateau khô hạn, được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không, hàng rào.

    Các bức ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC chụp vào tháng 4 và được AP phân tích cho thấy Iran đang đào sâu vào trong Kūh-e Kolang Gaz Lā, hay núi Pickaxe, nằm ngay bên ngoài hàng rào phía Nam của Natanz.

    Một tập hợp các hình ảnh khác được phân tích bởi Trung tâm nghiên cứu vũ khí hạt nhân James Martin cho thấy bốn lối vào đã được đào vào sườn núi, với hai lối vào ở phía Đông và hai lối vào khác ở phía Tây. Mỗi lối vào rộng 6 mét, cao 8 mét.

    Các chuyên gia tại trung tâm nói với AP rằng Iran có khả năng đang xây dựng một cơ sở ở độ sâu từ 80 mét đến 100 mét.

    Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, từ lâu đã tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran, nhận định rằng các đường hầm có thể còn đi sâu hơn nữa.

    co so hat nhan moi nam sau trong long dat cua iran dspl 3
    Cơ sở làm giàu uranium Natanz được chụp vào tháng 4/2008. Ảnh: AP

    Các chuyên gia cho rằng quy mô của dự án xây dựng cho thấy Iran có khả năng sử dụng cơ sở ngầm này để làm giàu uranium - chứ không chỉ để chế tạo máy ly tâm. Những máy ly tâm hình ống đó, được sắp xếp thành từng đợt lớn gồm hàng chục máy, quay nhanh khí uranium để làm giàu nó. Các thác quay bổ sung sẽ cho phép Iran nhanh chóng làm giàu uranium dưới sự bảo vệ của ngọn núi.

    "Độ sâu tại cơ sở này là một mối lo ngại bởi chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn nhiều để phá hủy bằng các vũ khí theo quy ước như bom phá boongke", ông Steven De La Fuente - học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế cho hay.

    Các chuyên nhận định, nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại và các hoạt động phá hoại gia tăng, Iran sẽ ngày càng tiến gần việc phát triển bom hạt nhân cũng như bố trí các chương trình phát triển ở sâu trong lòng núi hơn - vị trí mà các cuộc không kích và phá hoại có thể không vươn tới.

    "Các vụ phá hoại có lẽ làm gián đoạn chương trình hạt nhân của Iran về ngắn hạn nhưng đó không phải là chiến lược lâu dài để ngăn cản nước này phát triển hạt nhân. Việc Iran đưa các chương trình hạt nhân ngày càng tiến sâu vào lòng đất sẽ làm gia tăng rủi ro phổ biến vũ khí", ông Davenport, chuyên gia về giải trừ vũ khí đánh giá.

    Về phía Iran, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo phủ nhận việc họ đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân song các quan chức Tehran không ngại ngần thảo luận công khai về khả năng theo đuổi vũ khí hạt nhân. Phái đoàn của Iran tại Liên hợp quốc khẳng định các hoạt động hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran là minh bạch và dưới sự giám sát của IAEA.

    Mộc Miên (Theo AP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-co-so-hat-nhan-moi-cua-iran-bat-kha-xam-pham-a576319.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan