+Aa-
    Zalo

    Tam Nông (Phú Thọ): Muốn lấy "sổ đỏ" đất rừng phải nộp tiền triệu cho xã?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐS&PL) Chính sách của nhà nước là giao đất rừng không thu tiền sử dụng đất, thế nhưng UBND xã Thọ Văn (huyện Tam Nông) lại yêu cầu người dân phải nộp tiền mới lấy được "

    Nằm cách UBND xã Thọ Văn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) chừng 5 km, nhưng đường vào Khu 6, Khu 7 xã Thọ Văn lại rất khó khăn. Đường đi lởm chởm đá, xuất hiện nhiều “ổ gà”.  Vào những ngày mưa thì lầy lội, vì ở đây chủ yếu là đường đất.

    Những người dân Khu 6, Khu 7 (xã Thọ Văn) phần đa là dân "ngụ cư". Họ từ miền xuôi di dân lên Phú Thọ làm kinh tế mới từ những năm 80 . Hiện tại những con người hiền lành chất phát này đang được hưởng chính sách giao khoán đất rừng để trồng cây sản xuất nhưng không thu tiền sử dụng đất. Đây là một trong những chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gắn liền với việc giữ đất rừng.

    Những tưởng chính sách này của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thế nhưng, theo phản ánh của người dân, khi thực hiện giao đất rừng tại xã Thọ Văn (huyện Tam Nông , tỉnh Phú Thọ) lại có dấu hiệu của sự "lệch lạc", làm trái quy định của Nhà nước về giao khoán đất rừng để trồng cây sản xuất?

    Cụ thể, người dân tại đây muốn lấy “Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, cụ thể là đất rừng thì phải nộp cho chính quyền xã một khoản tiền. Đáng nói, việc nộp tiền này không được thống nhất với người dân, không được thông báo cụ thể mà chỉ cần dựa vào diện tích đất người dân được giao để thu tiền. Có những hộ phải nộp cả tiền triệu mới lấy được "sổ đỏ".

    Trong "GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" của một gia đình ở Khu 6, xã Thọ Văn đã ghi rõ, mục đích sử dụng đất: Đất trồng rừng sản xuất; nguồn gốc sử dụng: nhà nước công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất. Nói cách khác mảnh đất được nhà nước giao là đất rừng và không thu tiền sủ dụng đất.

    Ông Nguyễn Văn V. (72 tuổi, trú tại khu 6, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) cho biết: “Chủ tịch xã viết giấy mời, báo cho chúng tôi đem tiền đi nộp. Nhưng mỗi một hộ lại báo nộp tiền một kiểu. Có nhà phải nộp những 18, 19 triệu,có nhà thì nộp 4, 5 triệu, mỗi nhà thu một giá. Riêng gia đình tôi ban đầu (năm 2014)  xã thông báo nộp hơn 19 triệu để lấy “sổ đỏ”, nhưng nhà tôi thấy cao quá không có tiền nộp. Sau nhiều lần gửi thông báo, đến năm 2016 thì xã rút xuống, còn phải nộp hơn 3 triệu mới lấy được sổ”.

    Nguời dân tại đây còn cho biết, khi có chủ trương thu tiền, UBND xã Thọ Văn không hề có một văn bản hay một cuộc họp dân để thông báo công khai việc thu tiền này mà chỉ có một tờ giấy mời gửi tới từng nhà với nội dung: “nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất” và khi đi mang theo số tiền phải nộp đã được thể hiện trong giấy mời.

    Ông Hán Văn H. (trú tại Khu 6, xã Thọ Văn) phân trần: “Theo tôi được biết, nếu đóng tiền sử dụng đất thì phải cơ quan thuế ra quyết định hoặc thông báo cho dân nộp, nhưng đằng này không hề có một thông báo nào từ cơ quan thuế mà chỉ có thông báo của xã yêu cầu chúng tôi nộp tiền thì mới lấy được sổ đỏ”

    “Ban đầu xã giải thích tiền phải nộp là tiền đóng góp để giao đất 181?. Được một thời gian thì lại giải thích rằng đây là tiền đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu đây là tiền để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thì nó thuộc quỹ vận động đóng góp. Mà quỹ này phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không thể ép người dân nộp tiền được. Chính quyền xã Thọ Văn không thể gắn việc nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng với việc giao đất rừng được. Trong khi đó, dựa vào chuyện thu tiền mà chính quyền xã đã giữ “sổ đỏ” của dân từ năm 2013 đến tận bây giờ. Chúng tôi chưa thấy xã nào lại làm việc như chính quyền xã này.” Ông H. bức xúc.

    Năm 2014, nhà ông Nguyễn Văn V. được UBND xã Thọ Văn gửi giấy mời nhận Giấy CNQSD đất rừng và khi đi mang theo số tiền là hơn 19 triệu đồng để nộp. Đến năm 2016, nhà ông V. phải nộp hơn 3 triệu đồng thì mới lấy được "sổ đỏ" kèm một tờ phiếu thu có đóng dấu của UBND xã Thọ Văn

    Điều đáng nói ở chỗ, theo người dân phản ánh, trước kia hộ gia đình nào muốn lấy “sổ đỏ”  thì phải nộp tiền trước rồi mới được chính quyền xã Thọ Văn  cấp “sổ”. Nhưng khi người dân bức xúc kiến nghị trong cuộc họp tiếp xúc cử tri với HĐND tỉnh Phú Thọ, HĐND huyện Tam Nông thì UBND xã Thọ Văn lại gọi những nhà chưa lấy “sổ đỏ” đến để trả mà không hề thu tiền như trước kia. Người dân cho rằng, số tiền mà họ phải nộp trước đó để lấy “sổ đỏ” phải được chính quyền xã Thọ Văn hoàn trả.

    “Chúng tôi nhận thấy việc thu tiền sử dụng đất là trái luật vì theo tôi được biết, đất mà Nhà nước giao cho chúng tôi là nhóm đất nông nghiệp, theo quy định của Luật Đất đai thì không thu tiền gì cả, khi công nhận quyền sử dụng đất cũng không thu lệ phí trước bạ. Ngay cả trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng ghi là không thu tiền giao đất, vậy mà xã vẫn cứ thu”.

    “Hiện nay trong khu của chúng tôi là có 252 hộ. Số hộ đóng tiền chiếm 1/3. Những người là Đảng viên phải đóng trước. Có những hộ đóng chưa đủ thì họ giữ lại sổ. Chúng tôi vì quá bức xúc đã làm đơn gửi huyện. Sau đó, tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây mới trả lại “sổ đỏ”. Tôi năm nay cũng đã gần đất xa trời rồi nhưng cũng chưa bao giờ thấy chính quyền ở địa phương nào như thế. Chính vì vậy chúng tôi rất bức xúc. Nếu chúng tôi nói sai sự thật chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm” ông Trần Văn K. (72 tuổi, trú tại khu 7, xã Thọ Văn) khẳng định với PV.

    Việc thu tiền do chính quyền xã tự đề ra?

    Trước những thắc mắc có phần bức xúc của người dân, ngày 16/4, PV báo Đời sống Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Thọ Văn để làm rõ hơn việc có hay không UBND xã Thọ Văn tự ý thu tiền của dân rồi mới cấp “sổ đỏ”

    Tại đây, ông Tấn cho biết, xã Thọ Văn nhận được dự án đo đạc đất và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Xí nghiệp bản đồ 1 trực tiếp làm và miễn phí. Trong quá trình triển khai, hiện nay bên thực hiện dự án còn làm sai nhiều nên chưa bàn giao cho xã. Trong quá trình làm việc này, xã Thọ Văn cũng đang triển khai nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã về dồn điền đổi thửa. Trong quá trình dồn điền đổi thửa có chủ trương thu tiền của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng.

    “Việc dồn nhiều vùng lại một vùng (dồn điền đổi thửa – PV) là có thu tiền, từ khi dự án người ta chưa về. Lúc ấy là chưa làm bìa đỏ, nhưng chúng tôi dồn đất cho dân từ nhiều nơi về một nơi, hoặc xác lập đo đạc vẽ cho người dân đã có chủ trương thu tiền rồi.” ông Tấn nói.

    Và đặc biệt hơn, việc thu tiền của dân, theo chủ tịch xã là được chấp thuận của UBND huyện Tam Nông, tuy nhiên việc ra văn bản quyết định của UBND huyện thì không có. Mà UBND xã Thọ Văn chỉ dựa vào báo cáo duyệt ngân sách hàng năm để thực hiện.

    Ông Hà Văn Tấn, Chủ Tịch UBND xã Thọ Văn (huyện Tam Nông, Phú Thọ) trong buổi làm việc với báo chí

    Cũng theo vị Chủ Tịch UBND xã Thọ Văn, việc thu tiền xây dựng cơ sở hạ tầng căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã trong đó có việc thu tiền được ban hành từ năm 2000 (19 năm về trước). Theo ông Tấn, nghị quyết này được ban hành dựa vào tình hình thực tế trên địa bàn.

    Khi PV hỏi từ khi ban hành nghị quyết Hội đồng nhân dân xã đến giờ, UBND xã dùng tiền của người dân đóng góp để xây dựng những hạng mục gì thì ông Tấn cho biết: “xây dựng được nhiều rồi”.Tuy nhiên PV vẫn chưa thể tiếp cận được những văn bản, số liệu thống kê liên quan để chứng minh việc “xây dựng được nhiều rồi” như lời của vị Chủ tịch UBND xã, với lý do cán bộ tài chính xã đã nghỉ hưu còn người mới thay thì  “làm lâu lắm”.

    Trong khi đó người dân của xã Thọ Văn phản ánh ngược lại rằng từ khi thu tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, họ chưa thấy chính quyền xã Thọ Văn tiến hành xây dựng công trình nào liên quan đến cơ sở hạ tầng trong xã?

    Được biết, việc dồn điền đổi thửa được thực hiện từ năm 2000 và người dân phải nộp tiền. Tuy nhiên dự án đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại được triển khai từ năm 2011, tức là 11 năm sau mới có dự án trong khi đó chủ trương dồn điền đổi thửa được UBND xã Thọ Văn thực hiện từ năm 2000. Ông Tấn cho biết, việc dồn điền đổi thửa của xã từ năm 2000 vẫn chưa thực hiện xong vì đất rừng có nhiều loại cây, thời gian thu hoạch khác nhau hoặc người dân sau khi dồn xong chưa chịu về thửa đất mới để canh tác nên khó khăn trong việc dồn điển đổi thửa.

    Số tiền cả triệu bạc mỗi nhà phải đóng để lấy "sổ đỏ" là khác nhau nhưng cùng với lý do: tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tâng và giao đất 181?

    Ông Tấn thông tin thêm, mặc dù dự án đo đạc đất và làm bìa là miễn phí nhưng UBND xã vẫn thu tiền vì cho rằng không thu thì sẽ không công bằng với người đã nộp trước đó (năm 2000).

    “Khi được nhận đất rừng bà con phải đóng tiền, dựa vào diện tích đất được dao mà đóng. Việc thu tiền này đã được đưa vào ngân sách thu hàng năm. Chỗ thì 2 triệu/ha, chỗ thì 5 triệu/ha. Nó có nhiều giá. Tiền đấy là tiền mà bà con khi được nhận đất rừng, khi mà các cán bộ xã họ đi họ dồn cho (dồn điền đôi thửa) thì cũng phải đóng góp tiền vào mà làm và đưa vào mục tự nguyện đóng góp” ông Tấn cho hay.  Hơn nữa việc thu tiền này cũng là để trả công cho cán bộ dồn điên đổi thửa. Và việc này là do UBND xã Thọ Văn tự đề ra thông qua Nghị quyết HĐND xã?

    Trong một diễn biến khác, theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thọ Văn, việc vận động nhân dân nhận đất, đóng góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng là căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương. Nhưng theo vị này việc thu tiền cơ sở hạ tầng cũng có thể căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Nhưng nghị quyết nào thì vị Chủ tịch hội đồng nhân dân cũng không nhớ nổi?!

    Cũng xin giải thích thêm với bạn đọc rằng, lý do PV báo Đời sống & Pháp luật chưa tiếp cận được các văn bản, nghị quyết cũng như thống kê số tiền người dân nộp để xây dựng cơ sở hạ tầng là do cơ quan An ninh kinh tế thuộc Công an tỉnh Phú Thọ - sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân về những dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý và sử đất đai tại xã Thọ Văn đã vào cuộc xác minh, điều tra.

    Theo ông Hà Văn Tấn, chủ tịch UBND xã Thọ Văn, cơ quan điều tra đã tạm thời thu giữ những tài liệu, chứng từ gốc có liên quan để phục vụ công tác điều tra nên hiện tại UBND xã không có tài liệu để cung cấp cho PV.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những diễn biến tiếp theo.

    Nhóm PV/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-nong-phu-tho-muon-lay-so-do-dat-rung-phai-nop-tien-trieu-cho-xa-a273430.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.