+Aa-
    Zalo

    Tâm sự nhói lòng của những gia đình thấp thỏm lo sợ thảm họa sạt lở đất

    • DSPL
    ĐS&PL Mưa bão hoành hành, hàng trăm hộ dân tại huyện miền núi Đắk Glei, tỉnh Kon Tum thấp thỏm lo sợ xảy ra sạt lở đất đá.

    Mưa bão hoành hành, hàng trăm hộ dân tại huyện miền núi Đắk Glei, tỉnh Kon Tum thấp thỏm lo sợ xảy ra sạt lở đất đá. Những lời chia sẻ đẫm nước mắt của những người khốn khổ khiến ai cũng xót xa...

    Mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân sống trong tình trạng lo sợ.

    Sống trong sợ hãi

    Huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum là huyện miền núi, địa hình quanh co hiểm trở. Đây là huyện miền núi tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam, nơi vừa xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng.

    Khu vực này hiện có trăm hộ định cư, hầu hết các buôn làng đều nằm dưới chân núi. Trước tình hình mưa bão hoành hành nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng, người dân đang sinh sống tại đây luôn trong tâm thế lo lắng.

    Ngày 12/11, PV ĐS&PL có mặt tại huyện Đắk Glei. Theo ghi nhận, khu vực dọc đường Hồ Chí Minh nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá từ trên núi đổ xuống chia cắt giao thông.

    Trò chuyện với PV, anh Hoàng Văn Trung, 32 tuổi, trú thôn 14B, xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei lo lắng nói: “Nhà mình nằm dưới chân núi dựng đứng. Những ngày qua, trời mưa như trút nước khiến cả gia đình luôn sống trong tình trạng lo sợ.

    Giữa đêm, cả nhà phải bồng bế con sang nhà người thân ngủ nhờ vì phía trên núi bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Không chỉ riêng nhà mình mà cả khu này hò nhau chạy tán loạn.

    Ban ngày còn đỡ chứ ban đêm không biết đường nào mà tránh cả. Để đề phòng, người dân di tản đến nhà người thân nương nhờ chờ qua cơn mưa bão mà không làm gì khác”.

    Cũng trong tâm thế lo lắng, chị Phạm Thị Thương, 31 tuổi, đường A Khanh, thị trấn Đắk Glei cho biết: “Xem trên báo đài thấy nhiều nơi bị sạt lở vùi lấp mất mát về người và của nên chúng tôi rất lo lắng.

    Hầu hết người dân nơi đây đều định cư dưới chân những ngọn núi cao hàng trăm mét, nếu mưa như trút nước, đất đá ào ạt đổ xuống thì hậu quả không biết ra sao.

    Quả núi phía sau nhà đang nứt toác, có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Cả làng luôn sống trong tâm trạng lo sợ, hoang mang. Mong cho mưa bão sớm qua nhanh chứ thế này thì khổ lắm”.

    Theo quan sát của PV, trường mầm non xã Đắk Pék, nơi có gần 300 học sinh đang học cũng nằm trong khu vực nguy hiểm. Trong cơn bão số 9, núi đã bắt đầu lở, đổ đất đá tràn vào khu nhà ở nhân viên và bếp ăn của trường. Cũng may, có bức tường bê tông chặn lại được một phần.

    “Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, mưa lớn kèm bão cứ kéo dài vài ngày nữa thì tình hình rất là căng thẳng. Tôi mong sao cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, học sinh, các thầy cô đang công tác tại đây”, một giáo viên chia sẻ.

    Cũng theo ghi nhận của PV, để phòng sạt lở, nhiều gia đình đã xây tường cao che chắn nhà cửa nhưng khó mà cản nổi nếu cả ngàn khối đất đá đổ xuống.

    Càng đáng lo hơn khi một bên là dòng sông Pô Kô mực nước ngày một lên cao, chảy cuồn cuộn. Nếu chẳng may sự cố xảy ra, nguy cơ rất lớn cả người và tài sản sẽ bị cuốn trôi xuống dòng sông này.

    Nhà của người dân ở xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei bị sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão số 9.

    Đi đâu khi xung quanh đều sạt lở

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei cho biết: “Trong cơn bão số 9 vừa qua, 137 hộ bị ảnh hưởng nặng, 2 điểm trường bị sạt lở. Ở xã này có nhiều nhà dân nằm trong vùng sạt lở rất nguy hiểm.

    Những ngày mưa bão, chính quyền địa phương kêu gọi người dân di dời đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng”.

    Hiện nay, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng đang bị ngăn cách giao thông do đường Trường Sơn Đông nối từ xã này đến thị trấn Măng Đen và tỉnh Quảng Ngãi đều bị sạt lở. Chính quyền địa phương và công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Kon Tum đã bố trí lực lượng, cắm biển cảnh báo, không cho người dân và các phương tiện giao thông di chuyển qua tuyến đường để đảm bảo an toàn.

    Sáng 13/11, ông Nguyễn Quảng, Giám đốc công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Kon Tum cho biết, đơn vị đang khẩn trương đưa phương tiện, máy móc vào các khu vực sạt lở trên các tuyến đường để xử lý, dọn dẹp đất đá, sớm thông đường cho các phương tiện vận chuyển qua lại.

    Hiện, toàn tỉnh Kon Tum còn 3 tuyến đường đang bị ách tắc do sạt lở là: Đường Trường Sơn Đông (đoạn nối thị trấn Măng Đen đi xã Ngọc Tem và nối xã Ngọc Tem đi tỉnh Quảng Ngãi) cùng 2 tuyến Tỉnh lộ 673 (đi các xã Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh, huyện Đăk Glei), 676 (đi các xã Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Bút, Đăk Tăng, huyện Kon Plông).

    Đối với tuyến tỉnh lộ 673 và 676, các đơn vị quản lý, xây dựng giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum dự kiến khắc phục trong ngày 12/11.

    Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, khu vực hai tuyến đường này đi qua tiếp tục có mưa lớn, khiến nhiều vị trí mới bị sạt lở. Lực lượng chức năng đang khẩn trương đưa phương tiện vào các vị trí sạt lở để san ủi, dự kiến thông tuyến trong ngày 13/11. Đối với tuyến đường Trường Sơn Đông, do điều kiện địa hình phức tạp, đi qua nhiều khu vực đồi núi, dễ sạt lở nên trong ngày 12/11 đã có nhiều vị trí bị sạt lở.

    Hồ Nam

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (46)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-su-nhoi-long-cua-nhung-gia-dinh-thap-thom-lo-so-tham-hoa-sat-lo-dat-a346070.html
    Bức tranh trái chiều mùa lũ lụt

    Bức tranh trái chiều mùa lũ lụt

    Trong khi cả nước hướng về miền Trung với những hành động vô cùng thiết thực nhằm khắc phục hậu quả sau lũ thì vẫn còn đó những mảng màu xám tối

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bức tranh trái chiều mùa lũ lụt

    Bức tranh trái chiều mùa lũ lụt

    Trong khi cả nước hướng về miền Trung với những hành động vô cùng thiết thực nhằm khắc phục hậu quả sau lũ thì vẫn còn đó những mảng màu xám tối