+Aa-
    Zalo

    Tâm sự xúc động của chàng trai chiến thắng "làn khói trắng" quyết tâm làm lại cuộc đời

    • DSPL
    ĐS&PL Để từ bỏ được cái chết trắng, ngoài nghị lực và quyết tâm của người nghiện thì sự yêu thương, bao dung của của người thân và cộng đồng cũng góp phần quan trọng.

    Để người nghiện ma túy từ bỏ triệt để với cái chết trắng, ngoài nghị lực và quyết tâm của bản thân họ thì sự yêu thương, bao dung của người thân và cộng đồng đã góp phần quan trọng.

    Từ bỏ ma túy nhờ biết dùng cái "phanh"

    Nguyễn Hữu Hiếu, 22 tuổi, quê Trung Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa, là ví dụ tiêu biểu cho việc cai nghiện ma túy nhờ biết tự kìm chết, biết dùng cái "phanh" của bản thân.


    Biến cố gia đình vào năm cấp 3 khiến cậu học sinh giỏi trường chuyên năm nào trở thành một con nghiện ma túy mà ai cũng chán ghét, khinh bỉ. Bố mẹ cậu bất lực trong việc dạy dỗ con còn Hiếu thì đã nhiều lần muốn tìm đến cái chết vì tuyệt vọng.

    Một đêm tháng 4/2017, Hiếu cùng một cậu bạn nghiện dầm mưa do không dám về nhà vì mới bán mất xe của mẹ. "Trời thì mưa, tiền thì hết, hai đứa ướt như chuột lột. Sau cơn ngáo đá, thằng bạn nghĩ làm sao để ngủ được, còn tôi cứ hiện lên câu hỏi 'tại sao cuộc đời mình như thế này', 'mình chỉ là một người thất bại', 'làm sao để mình thoát được'... ", Hiếu nhớ lại.

    Đó là lần đầu tiên sau 5 năm lầm lạc Nguyễn Hữu Hiếu thực sự khát khao làm lại. Bỗng chốc, Hiếu nhớ đến lời của dì, rằng ra Hà Nội, dì sẽ giúp cai nghiện.

    Vay bạn 200 nghìn đồng, Hiếu không nói với ai về ý định làm lại cuộc đời. Tháng 5/2017, cậu được dì đưa đến Hội Liên hiệp Thanh niên quốc tế (IYF) - tổ chức do giáo sư Park Ock Soo sáng lập ở Hàn Quốc năm 2001, dạy cho thanh niên về Mind Education (định hướng tinh thần). Một nhánh hoạt động của tổ chức này là giúp định hướng lại cho những người bị nghiện ma túy, nghiện game...

    Sự thân thiện của mọi người giúp Hiếu dần cởi mở bản thân, ngộ ra cách cai nghiện ma túy triệt để.

    Tới đây, chẳng ai bảo cậu "phải cai nghiện đi", "phải làm lại cuộc đời", mà thân thiện hỏi Hiếu về sức khỏe, sinh hoạt khiến Hiếu dần mở lòng về bản thân và gia đình.

    Trong những bài giảng về Mind Education, Hiếu ngộ ra nhiều điều từ câu chuyện về động cơ và cái phanh. Theo đó, động cơ như nhu cầu, còn cái phanh là khả năng kiềm chế của con người. Cái phanh phải thắng động cơ mới là chiếc xe an toàn. Tức là khả năng kiềm chế phải mạnh hơn nhu cầu để khi cần thiết chế ngự lại.

    "Vì trước kia tôi không có cái phanh trong lòng nên bị chìm vào ma túy. Nhưng khi tôi phát hiện được cái phanh đó thì đã dừng lại được", Hiếu bộc bạch.

    Nếu như giai đoạn mới vào, Hiếu từng có ý định bỏ trốn mỗi khi lên cơn thèm thuốc, nhưng dần dần Hiếu đã luyện cho mình khả năng kiềm chế mạnh mẽ. Chính "cái phanh" này đã giúp cậu chiến thắng các cơn nghiện. Ba tháng vào đây, Hiếu không còn cơn thèm thuốc nữa.

    Từ người nghiện 40kg, Hiếu tăng lên 53kg.

    "Con béo lên, tinh thần phấn chấn. Con bảo muốn quay lại con đường học. Con muốn trở thành người tốt", chị Thu hạnh phúc nói về con trai mình.

    IYF cũng tạo cho Hiếu môi trường tích cực để phát triển. Cậu "bị ném" sang Philippine một năm. Buộc phải đứng trước nhiều người nghiện ma túy khác nói về câu chuyện thay đổi của bản thân đã thúc đẩy chàng trai trẻ học tiếng Anh.

    Giáo sư Nam Jin Hyang - Giám đốc IYF tại Việt Nam - một trong những người thầy đã đưa phương pháp Mind Education thay đổi cuộc đời Hiếu.

    "Chỉ trong một năm, giao tiếp tiếng Anh của Hiếu tốt hơn cả những sinh viên ngoại ngữ học bốn năm. Cậu ấy có ngữ điệu tiếng Anh rất hay", giáo sư Nam Jin Hyang, giám đốc IYF tại Việt Nam nói.

    Tết 2019, Hiếu trở về nhà với một con người khác, tinh thần khác. 22 tuổi, Hiếu đi học lại lớp 12. Cậu đã có mục tiêu rõ ràng. Cậu sẽ đi du học và thực hiện ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch để được khám phá thế giới.

    Làm lại cuộc đời sau thời gian tù tội

    Khác với Hiếu, anh N.L.T.B. (39 tuổi) ở TP.HCM có thời gian nghiện ngập đến mười mấy năm, nhiều lần ra vào trại cai nghiện và chỉ từ bỏ được cái chết trắng khi phải tự "cai sống" khi đi tù.

    Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, bố mẹ bận rộn ít quan tâm, cậu bé B. 14 tuổi đã bị bạn bè rủ rê dính vào ma túy. Lên cấp 3, cậu thậm chí còn chuyển từ hút sang tiêm chích.

    Ăn cắp tiền bố mẹ bị phát hiện, B. bị bố mẹ buộc đưa vào trại cai nghiện. Được 1 năm, B. cai xong trở về được bố mẹ cho đi học và giúp vốn làm ăn. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nghiện lại và lại bị "tống" đi cai nghiện tiếp.

    Những vết sẹo từ nhiều năm tháng tiêm chích ma túy cho thấy quá khứ bất hảo của B.

    Cái vòng xoay cai rồi lại nghiện, nghiện phải đi cai lặp lại thêm nhiều lần. Trong một lần cai nghiện xong, B. lấy vợ nhưng rồi anh lại nhanh chóng nghiện lại mặc lời khuyên răn của cha mẹ và vợ mình.

    Thế rồi chuyện gì đến cũng phải đến, B. lãnh án 21 tháng tù vì ma túy.

    “Lần này, không phải cai bằng thuốc trong trại nữa, tự mình phải “cai sống” trong tù. Những suy nghĩ xen kẽ trong những cơn vật vã vì chẳng có “hàng” để chơi. Mình bỗng nhớ về những lần bố mẹ nước mắt ngắn dài, nhớ về ánh mắt bất lực của vợ mỗi lần đến thăm nuôi. 35 tuổi, có quá muộn để bắt đầu lại tất cả?”, B. nói về những suy nghĩ hối hận từng xoay vần trong đầu anh bấy giờ.

    Công tác thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng giúp B. có thêm quyết tâm từ bỏ hoàn toàn với ma túy.

    Mãn hạn tù, B. chọn cách rời Sài Gòn, xin vào làm bếp và phụ giúp ở một bệnh viện hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS ở Bình Phước, cố tránh xa cám dỗ bủa vây. Anh thấy mình dần tìm được những niềm vui sống khác, không phải là heroine nữa.

    Hiện B. đang là một nhân viên nhập liệu đồng thời hỗ trợ tham vấn điều trị cho người có HIV, nhiều trong số đó vẫn còn nghiện ma túy nặng của một tổ chức thiện nguyện.

    "Mình đã từng lầm lỡ quá lâu, nên hơn ai hết mình hiểu thứ chất trắng đó nó quái ác đến thế nào, không thể để nhiều người chết vì nó nữa”, B. chia sẻ.

    Nhờ có kỹ năng tốt về internet, B. được tin tưởng giao cho công tác nhập liệu.

    Từng là người nghiện ma túy nên B. rất hiểu tâm lý của họ, làm tốt công tác của một người tham vấn hỗ trợ cai nghiện.

    “Cũng vì đã từng nghiện, nên khi tham vấn, mình hiểu người nghiện cần gì và phải làm gì. Một người từ bỏ được đã khó khăn rồi, nhưng hễ có một chút chuyện buồn hay áp lực, sẽ rất dễ tái lại. Vì vậy, mình luôn khuyên họ phải tìm một đam mê lành mạnh nào đó lớn hơn sức hút của ma túy. Bên cạnh đó, gia đình đừng từ bỏ, cần phải là một chỗ dựa cho họ quay đầu. Như mình, nếu ngày đó, ba mẹ và vợ buông tay, biết đâu đã chẳng còn cơ hội ngồi đây làm những việc này”, B. bộc bạch.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-su-xuc-dong-cua-chang-trai-chien-thang-lan-khoi-trang-quyet-tam-lam-lai-cuoc-doi-a299752.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan