Tâm thư của một con lợn


Thứ 4, 09/09/2015 | 02:55


Những người chăn nuôi, chung quy cũng chỉ do hám lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm, sức khỏe bản thân và đồng loại. Hãy nhớ rằng cứu chúng tôi cũng là cứu con người!

Những người chăn nuôi, chung quy cũng chỉ do hám lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm, sức khỏe bản thân và đồng loại. 

Gửi loài người!

Khi thời khắc sinh tử đã gần kề, tôi chẳng mong gì và cũng chẳng thay đổi được gì nữa, chi bằng hồi tưởng lại một thời quá khứ huy hoàng của cuộc đời, và truyền thống tốt đẹp của loài để ra đi cho thêm phần thanh thản.

Tôi sinh ra trong một cái chuồng lợn nhỏ xinh ở nhà một người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuổi thơ tôi lớn lên với niềm tự hào ghê gớm về loài. Bởi chúng tôi là dòng họ nổi tiếng thế giới, cụ tổ là lão trư ở bển, cũng là thần tiên chứ bộ, mỗi tội hơi đào hoa chút thôi. Rồi hình ảnh của chúng tôi cũng đi vào truyện ngụ ngôn, cổ tích, tranh dân gian Đông Hồ, và phim hoạt hình cho thiếu nhi.

Mặc dù mọi người bảo chúng tôi hôi hám, bẩn thỉu nhưng từ khi sinh ra đã gắn liền với cái chuồng rồi tôi đâu biết mùi thơm là gì. Cuộc sống chúng tôi luôn bị đem ra so sánh với loài người: ăn như lợn, ngu như lợn, béo như lợn, rồi đến cả phim ảnh cũng có hẳn một dòng phim mang tên chúng tôi rất được cánh đàn ông và thi thoảng cả mấy chị em lùng sục xem trong niềm hân hoan, phấn khích tột cùng.

Diễn viên trong phim thì toàn trai xinh gái đẹp không à, tôi cũng thấy vinh dự khi họ lấy tên tôi làm thể loại phim. Chắc có sự tương đồng về nhan sắc cũng nên. Tôi không biết dùng google nên không hiểu vì sao nếu chỉ nói về phục trang diễn (trần trụi) thôi thì sao không gọi là phim con chó phim con chim con bướm mà lại là phim con heo.

Đàn lợn ngủ li bì sau khi bị tiêm thuốc Prozil. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Mặc dù phải sống trong một xã hội phức tạp, rối ren và đầy rẫy thủ đoạn nhưng chúng tôi vẫn luôn sống vui vẻ và hạnh phúc. Có hẳn một loại lợn có tên Pietrain biết cười mà (search google để biết thêm chi tiết).

Và quan trọng nhất, chúng tôi đã làm gì cho con người? Hy sinh thân mình để mang đến cho các vị bao món ăn ngon (xúc xích, xá xíu, ruốc, thịt quay, giả cầy,…). So với lượng thịt các loài khác, thịt chúng tôi chiếm phân khúc khá lớn trên thị trường thực phẩm hiện nay.

Thế nhưng, éo le thay. Mặc dù khi sống đã phải chịu môi trường sống ô nhiễm, lắm tiếng ồn, bon chen, giẫm đạp lên nhau, rồi không được kiểm dịch, tiêm phòng vaccine, ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vậy mà khi chết cũng không được ra đi thanh thản nữa (bị chích điện hoặc để ngạt thở chứ không chọc tiết như bình thường để “máu tụ” cho giống thịt bò, tiêm thuốc gây mê an thần Combistress hay Prozil, chất tạo nạc Salbutamol…).

Toàn phải ăn cám tăng trọng không sung sướng gì đâu. Thử hỏi điều kiện sống của chúng tôi như thế thì làm sao chất lượng thịt tốt được. Rồi khi bán thì xác cũng bị tẩm ướp phẩm màu, gia vị mùi để hô biến thịt lợn sề thành thịt bò Úc. Sống là lợn, chết lại thành bò. Các vị quả là những “ảo thuật gia” tài giỏi. Bọn gà vịt chỉ bị tiêm nước cho tăng cân thôi, còn chúng tôi thì bị tiêm hẳn thuốc.

Rồi các vị mà ăn những thứ đó vào người thì tự hiểu là sẽ tích tụ bệnh tật thế nào rồi khỏi phải kể nữa nhỉ?

Bất mãn với thời cuộc quá nên mấy hôm trước có một hội chúng nó lao xuống xe hàng để “kiểm tra” xem mặt đường có hằn, lún, nứt hay không. Dù có gây ách tắc giao thông một tí nhưng trước khi đến lò mổ mà được lông nhông chặn đầu các bác ô tô coi bộ cũng vui ra phết.

Ngẫm ra thì, dẫu biết rằng các cơ quan quản lý đã vào cuộc nhưng vẫn chưa ăn thua mấy, chúng tôi vẫn còn khổ lắm! Nhưng kêu đâu ai thấu, khóc đâu ai hay. Những người chăn nuôi, chung quy cũng chỉ do hám lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm, sức khỏe chính mình và đồng loại. Buồn và xót xa thay!

Hãy nhớ một điều rằng cứu chúng tôi cũng chính là cứu con người. Nhớ nhé!

Đã đến lúc tôi phải lên lò mổ rồi. Tạm biệt loài người!

Ký tên

Một con lợn còn tha thiết với đời

Theo Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]KHzpNTcMK3[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-thu-cua-mot-con-lon-a109801.html