+Aa-
    Zalo

    Tan “giấc mơ Mỹ” nông dân ôm hận bỏ đi biệt xứ

    • DSPL
    ĐS&PL Nghĩ người nông dân chân lấm tay bùn thiếu thấu đáo trong suy nghĩ, tay chân kẻ mang mác “đại gia” Việt kiều Mỹ vạch ra những cú lừa ngoạn mục.

    Nghĩ người nông dân chân lấm tay bùn thiếu thấu đáo trong suy nghĩ, tay chân kẻ mang mác “đại gia” Việt kiều Mỹ vạch ra những cú lừa ngoạn mục. Việt kiều ủy thác cho kẻ lừa đảo tên Lộc thu tiền, gieo mộng đổi đời bất chấp sự nghèo khó đến cùng cực của người nông dân. Khi người dân “sập bẫy”, chúng lặn biệt tăm với số tiền “khủng”.

    Kế hoạch lừa đảo nghìn đô

    Những ngày qua, cơ quan chức năng xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) liên tiếp nhận đơn thư tố cáo cùng một nội dung lừa đảo từ nhiều hộ dân nghèo trên địa bàn. Theo đó, gã tên Lộc đưa ra mức lương tháng hàng ngàn USD để người dân bỏ tiền “chạy” việc đi Mỹ rồi “hốt” trọn hàng trăm triệu đồng và mất tích. Điều đặc biệt, khi Công an xã Đại Ân 2 xác minh từ phía người dân lại phát hiện thêm nhiều nạn nhân.

    Ngoài 15 người tại địa phương tố cáo bị lừa, còn có 22 trường hợp khác ở huyện và các tỉnh khác. Trong đó, người bị lừa ít nhất khoảng 500 USD, nhiều nhất lên đến 5.000 USD. Sở dĩ, người dân xã Đại Ân 2 và các khu vực lân cận tin lời kẻ lừa đảo và mất tiền là bởi vô tình rơi vào kế hoạch “khai sáng” của chúng. Theo cơ quan công an, kế hoạch lừa đảo trên bắt nguồn từ việc nhóm Việt kiều Mỹ (quê xã Đại Ân 2) gồm: Sơn Minh Hòa, Trần Thị Ngọc, Triệu Vên về nước “mở rộng lòng từ bi”. Nhóm người này mang danh Việt kiều Mỹ, ăn mặc sang trọng đến thăm nhiều hộ dân nghèo tại địa phương và lôi kéo họ đi lao động nước ngoài với giấc mơ đổi đời.

    Nhiều nông dân tin lời kẻ lừa đảo đưa đi Mỹ. Ảnh minh họa.

    Nhóm Việt kiều giao cho Lộc làm hướng dẫn, nhận hồ sơ của các hộ nghèo để “chạy” việc bên Mỹ với lời hứa, gia đình Ngọc bên Mỹ sẽ đứng ra bảo lãnh. Để hoàn thành giấc mơ đổi đời, những hộ dân này phải đóng tiền để làm thủ tục với chi phí từ 1.500 – 5.000 USD mỗi trường hợp. Theo tìm hiểu của PV, nhóm Việt kiều đã tính toán đến việc bị người dân nghi ngại nên đã giao cho những “tay chân” thân tín tại địa phương lo việc mồi chài, thu tiền. Do đó, người dân rất tin tưởng vì nghĩ rằng kẻ thuyết giáo, thu tiền sẽ chẳng trốn đi đâu được bởi gia đình gã ở tại địa phương. Đến khi người dân biết mình bị lừa cũng là lúc kẻ lừa đảo đã “cao chạy xa bay”. Người dân bị lừa chỉ còn biết bám víu, mắng nhiếc người nhà kẻ lừa đảo mà không nhận lại được một đồng nào từ số tiền mình đã bỏ ra. Với thủ đoạn ma mãnh, từ trước Tết Nguyên đán đến tháng 3/2017, những “tay chân” của “đại gia” Việt kiều Mỹ đã vận động, hướng dẫn làm hồ sơ cho 106 trường hợp có nhu cầu đổi đời. Trong số này, có 30 trường hợp nộp tiền trực tiếp cho người có tên Lâm Lên với số tiền lên đến 57.000 USD. Tuy vậy, tất cả những người mà Lâm Lên thu tiền đều không thể xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài. Một số địa phương có hộ dân bị lừa như các huyện: Mỹ Tú, Long Phú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) và địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

    Vỡ mộng đổi đời

    Dù bán tín bán nghi nhưng trước miệng lưỡi của kẻ lừa đảo, nhiều người vẫn bị mê muội. Một trong những trường hợp bị lừa là anh S.S.Đ. (SN 1978, ngụ ấp Lâm Hồ, xã Đại Ân 2) với số tiền lên đến 3.000 USD. Nguyên cớ khiến anh Đ. tin và mất tiền cho kẻ lừa đảo là bởi gã ở cùng xã thuộc ấp Tú Điềm. “Lâm Lên ăn nói rất khéo và dễ lấy lòng tin của mọi người. Chúng tôi là dân lao động chân tay thì biết gì nhiều đâu. Cuối năm rồi, gia đình khó khăn quá nên vợ chồng tôi mong muốn có cuộc sống ổn định hơn, không phải làm nông cực nhọc. Ngay lúc túng quẫn thì gặp Lâm Lên.

    Khi mới tiếp cận gia đình, anh ta ăn mặc sang trọng, mặt mày sáng sủa, đáng tin nên gia đình cũng niềm nở tiếp đón”, anh Đ. cho biết. Cũng theo anh Đ., Lâm Lên rất hiểu tâm lý của những người nông dân vùng quê nên lân la hỏi han chuyện cuộc sống chứ chưa vội nói chuyện đi Mỹ đổi đời. Sau đó, Lâm Lên chê công việc chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối cả đời chẳng ngóc lên được. Ngay khi gia đình anh Đ. đang ngậm ngùi với thân phận thì Lâm Lên đề cập đến kế sinh nhai thu nhập “nghìn đô” nhằm mục đích “khai sáng” tư tưởng cho họ. “Lâm Lên nói có người quen đang định cư bên Mỹ. Người quen này vừa về Việt Nam, thấy dân mình nhiều người còn khổ quá nên muốn giúp đỡ đưa qua Mỹ làm việc để đổi đời. Anh ta nói nếu qua đó làm việc thì đảm bảo thu nhập không dưới 1.000 USD/tháng. Với người nông dân như chúng tôi, có khi phải cả năm mới dành dụm được chừng đó chứ đừng nói một tháng”, chị T.T.T. (vợ anh Đ.) phân bua.

    Vợ chồng anh Đ. là nạn nhân bị lừa đau đớn.

    Cũng theo anh Đ., mặc dù anh và vợ đều ngỡ ngàng khi nghe đến số tiền lương “trong mơ” nhưng vẫn nảy sinh ham muốn. Tuy vậy, con số mà Lộc đưa ra để làm thủ tục quá cao so với điều kiện gia đình anh Đ. có thể thu xếp nên 2 vợ chồng tỏ ra lưỡng lự. Biết gia đình có nhu cầu thực nhưng còn lưỡng lự nên Lâm Lên thường xuyên lui tới hỏi han, đưa ra nhiều “tấm gương” vượt khó ở nước ngoài và đã thành công. Lâm Lên bàn với gia đình anh Đ. cầm cố đất đai vì “đi rồi thì cũng không ai làm, sau này có tiền về chuộc lại cũng không sao”.

    Nghĩ có lý, vợ chồng anh Đ. bàn nhau cầm cố 1.000m2 đất lấy 1 lượng vàng đưa cho Lâm Lên lo thủ tục giấy tờ “đi Mỹ”. Không dừng lại ở đó, sau khi lấy tiền, Lâm Lên nhiều lần quay lại yêu cầu gia đình anh Đ. đưa thêm tiền lo chi phí. Nghĩ đã “đâm lao phải theo lao”, anh Đ. chạy vạy, vay mượn ngân hàng số tiền lớn để đưa cho Lâm Lên với cái giá mà đối tượng này đưa ra lên đến 3.000 USD. Nhưng sau khi nhận tiền, Lâm Lên đã biệt tăm. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, nhiều tháng qua có những gia đình bị lừa đến trắng tay. Đa số các gia đình này đều vay mượn tiền, cầm cố tài sản với giấc mơ đổi đời từ công việc có thu nhập ngàn đô mà các đối tượng lừa đảo rêu rao. Nhiều gia đình phải bỏ xứ, trốn nợ đi nơi khác mưu sinh.

    Trao đổi với PV, ông Triệu Nhỏ, Trưởng ban Nhân dân ấp Lâm Hồ, xã Đại Ân 2 cho biết: “Nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó, cùng cực, nợ nần chồng chất vì tin lời kẻ lừa đảo muốn xuất khẩu lao động sang Mỹ nhưng không thành. Có những người khi bị lừa, lâm vào đường cùng, phải bỏ xứ đi làm thuê ở Đồng Nai, Bình Dương. Họ không thể chi trả số nợ và không thể biết tung tích cũng như bằng cách nào lấy lại tiền từ kẻ lừa đảo”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-giac-mo-my-nong-dan-om-han-bo-di-biet-xu-a199045.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan