+Aa-
    Zalo

    Tan tác rừng phòng hộ vì đào bới huỳnh đàn

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Với hy vọng đổi đời, thời gian gần đây, hàng trăm người dân tại xã Hà Ra và xã Hà Tam (Gia Lai) lại đổ xô về QL19, đoạn qua đèo Mang Yang để tìm gỗ huỳnh đàn.

    (ĐSPL) - Cứ vào mùa mưa hằng năm ở khu vực Tây Nguyên, tin đồn về việc đơn vị thi công nâng cấp mở rộng QL19, đoạn qua đèo Mang Yang, thuộc huyện Mang Yang (Gia Lai) phát hiện một khúc huỳnh đàn lớn, bán được hàng trăm triệu đồng lại rộ lên, khiến người dân lại đổ xô đi tìm với hy vọng đổi đời.

    Sau một thời gian tạm lắng, những ngày trung tuần tháng 8 vừa qua, hàng trăm người dân tại xã Hà Ra, huyện Mang Yang và xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ (Gia Lai) lại đổ xô về QL19, mang theo cuốc, xà beng để đào bới, lật tung hai bên taluy đường để tìm gỗ huỳnh đàn.

    Tại hiện trường, những vạt rừng phòng hộ phía taluy dương của đèo Mang Yang và trên những vết xe máy ủi thi công đường vừa đi qua đều bị xới tung thành từng hố sâu, cây cối bị ngã đổ. Nhiều hố sâu cả mét được người dân đào nham nhở như những hố bom nhỏ.

    Rừng phòng hộ dọc đèo Mang Yang bị người dân xới tung để tìm huỳnh đàn. Ảnh: T.V

    Một người đàn ông xã Hà Ra đang miệt mài tìm kiếm giữa trưa nắng cho biết: “Nghe người ta nói trong lúc thi công, nhóm công nhân phát hiện một khúc huỳnh đàn lớn, bán được hàng trăm triệu nên mình cũng ham, nhưng đào từ sáng tới giờ chưa gặp được khúc gỗ nào”.

    Theo tìm hiểu của PV được biết, giá thu mua loại gỗ này từ các đầu nậu từ 9 - 20 triệu, tùy vào chất lượng gỗ.

    Trao đổi về vấn đề này, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cho biết, trước tình trạng trên, vào ngày 12/8, lực lượng Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Pơ đã có mặt tại đèo Mang Yang để vận động giải tán những người dân đang đào bới tại đây. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng ra về, những người dân lại tiếp tục tụ tập đào bới bên đường đèo, hòng tìm kiếm huỳnh đàn. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông khu vực.

    Trước đó, vào tháng 9/2013, khu vực này cũng rộ lên hiện tượng người dân đào huỳnh đàn đỏ. Sau khi được một số cơ quan báo chí phản ánh, lực lượng chức năng vào cuộc thì tình trạng này mới chấm dứt.

    Đèo Mang Yang có địa hình rất hiểm trở, thường xuyên xảy ra tình trạng đất đá từ trên núi đổ xuống nền đường QL19. Đoạn đèo này cũng đã được Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Gia Lai xác định là một “điểm đen” về an toàn giao thông. Việc người dân đào bới hai bên đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới QL19.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-tac-rung-phong-ho-vi-dao-boi-huynh-dan-a46743.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan