+Aa-
    Zalo

    Tăng cường năng lực lao động nông thôn phục vụ khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu (Phần II)

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐS&PL) Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

    (ĐS&PL) Ngày 9/8/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo Quốc tế “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn”.  Tham dự Hội thảo trên, ngoài đại diện các Bộ, ban ngành, địa phương, các nhà khoa học đến từ các Cục, Vụ, Viện, Trường đại học trong nước còn có đại diện các tổ chức Quốc tế như FAO, ILO, DRGV, SOCODEVI, GIZ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

    Nhân dịp này, Báo Đời sống & Pháp luật xin giới thiệu bài viết được trình bày tại Hội thảo trên với nhan đề “Tăng cường năng lực lao động nông thôn phục vụ khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, Phần II: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu của GS.TSKH. Trần Duy Quý - TS. Đào Thế Anh - ThS. Vương Xuân Nguyên.

    Những tiền đề thuận lợi

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương, cộng với sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu hộ dân nông thôn, nông nghiệp, nông dân, nông thôn việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW đến nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đây là những tiền đề quan trọng cho việc Tăng cường năng lực lao động nông thôn phục vụ khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. 

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân ngày 9/4/2018 tại Hải Dương

    Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10 năm (2008 - 2017) của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt khoảng 3,6 đến 3,7%. Trình độ canh tác không ngừng được đổi mới. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao; sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh. Năng suất lao động nông nghiệp đã được cải thiện, tăng từ 13,6 triệu đồng/lao động năm 2008 lên 35,5 triệu đồng/lao động năm 2017; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt tăng lên, từ 43,9 triệu đồng/ha năm 2008 lên 90,1 triệu đồng/ha năm 2017.

    Từ một nước phải nhập khẩu, đến nay nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai Đông - Nam Á và thứ 15 thế giới. Một số nông sản đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm đạt hơn 261 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008 và dự kiến năm nay đạt hơn 40 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có năm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Độ che phủ rừng tăng mạnh, từ mức 38,7% năm 2008 lên 41,45% năm 2017 và 41,65% năm 2018.

    Xuất khẩu Nông sản Việt Nam nhiều dấu hiệu khởi sắc

    Cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động nông thôn có sự thay đổi tích cực. Số hộ nông thôn tham gia các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2016 chiếm 40,03% (tăng 14,93% so với năm 2006). Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn.

    Vai trò, vị thế chủ thể của người nông dân ngày càng được nâng lên, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 11 năm 2018 cả nước đã có 3.687 xã (41,32%) đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; có 58 đơn vị cấp huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

    Chương trình nông thôn mới đã góp phần đưa 99,4% xã trên cả nước có đường ô-tô đến trung tâm xã; toàn bộ số xã, 97,8% số thôn, 99,2% hộ nông thôn có điện; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hóa. Có 88,5% dân số nông thôn bảo đảm được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Chăm sóc y tế ở các vùng nông thôn được cải thiện. Hệ thống giáo dục ở nông thôn tiếp tục phát triển. Nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được đẩy mạnh, bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy. Trật tự xã hội ở nông thôn được giữ vững.

    Số lượng thống kê cũng cho thấy, hệ thống chủ thể của chuỗi giá trị nông sản Việt Nam hiện có quy mô như sau: Hộ nông dân nhỏ 8,61 triệu, 20.065 trang trại; 778.959 chợ  và cửa hàng kinh doanh nhỏ, 9.000 chợ; 3.354 siêu thị và cửa hàng tiện lợi; 12.500 khách sạn; 560.000 quán ăn; 14.000 HTX NN, 20.000 tổ hợp tác; 7.600 Doanh nghiệp SX, 42.000 Doanh nghiệp chế biến (96% là nhỏ và siêu nhỏ)…Tất cả tạo ra giá trị xuất khẩu 43 tỷ USD (2018).

    Tình hình phát triển chuỗi giá trị Nông sản trong nước cũng có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2016, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố triển khai với 2.262 điểm xây dựng cánh đồng lớn, lúa chiếm 74%. Cả nước đến đầu năm 2018 có 818 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (50% là chuỗi hoạt động có hiệu quả). Hệ thống bán lẻ thực phẩm hiện đại gần đây. Năm 2014 có 921 cơ sở bao gồm: 221 siêu thị; 592 Mini mart; 50 Cửa hàng thực phẩm; 251 cửa hàng tiện lợi. Năm 2017, hệ thống bán lẻ đã tăng lên 3.354 cơ sở bao gồm: 374 siêu thị; 2.753 Mini mart; 300 Cửa hàng thực phẩm; 827 cửa hàng tiện lợi.

    Cùng với đó, các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… cùng với những cơ chế đã và đang tiếp tục được ký kết sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội cho ngành Nông nghiệp phát triển.

    Những thách thức đặt ra

    Tuy nhiên, trên bình diện Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân hiện nay còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục. Nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập.

    Nông thôn phát triển chưa đồng đều; khoảng cách chênh lệch về xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp và dịch vụ, văn hóa, xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng miền núi.

    Biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức với sự phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Việt Nam

    Nông dân phần lớn thu nhập còn khá thấp; có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao; thu nhập bình quân của nông dân năm 2017 chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân chiếm 5,1% số hộ thoát nghèo. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu; đến hết năm 2017, lao động nông nghiệp vẫn chiếm 40,1% trong tổng số lao động xã hội, đến nay còn khoảng 38%.

    Tỷ trọng vốn đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm khoảng 5,8% tổng vốn đầu tư xã hội cả nước và có xu hướng giảm. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới chỉ ở quy mô nhỏ, thí điểm. Nông nghiệp, nông thôn đang phải cạnh tranh nguồn lực gay gắt với các lĩnh vực khác, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

    Ngành Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: Gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa; Tăng mức độ ô nhiễm và suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên (rừng đước ven biển, tài nguyên nước ngầm ở Tây Nguyên, nguồn lợi hải sản ven bờ, đa dạng sinh học...); Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp; Khoa học công nghệ trong nông nghiệp vừa thiếu, vừa lạc hậu; Đội ngũ khoa học nông nghiệp tuy đông nhưng không mạnh…

    Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế chủ yếu là nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” theo Nghị quyết ở nhiều nơi chưa đầy đủ. Nhiều nơi chưa quán triệt và thực hiện tốt phương châm “nông dân là chủ thể”, chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, nên sự tham gia của quần chúng chưa tích cực, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của Nhà nước; có nơi lại có biểu hiện lạm dụng sự đóng góp của người dân để thực hiện các nhiệm vụ công cộng.

    Sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy còn thụ động. Bộ máy quản lý nhà nước ở nông thôn đông nhưng chưa mạnh. Quản lý nhà nước về nông nghiệp và nhiều lĩnh vực ở nông thôn còn nhiều bất cập. Sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết có lúc, có nơi chưa hiệu quả, còn chồng chéo. Việc thể chế hóa các chủ trương, hướng dẫn thực hiện chính sách kéo dài, chờ đợi lẫn nhau. Hoạt động của một số tổ chức cơ sở của các đoàn thể chính trị - xã hội còn hình thức, thụ động.

    Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chủ yếu ngắn hạn và chưa đồng bộ, có chính sách ban hành nhưng thiếu quy định nguồn lực thực hiện. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với yêu cầu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mang nặng tính bao cấp, xin cho nên hầu như không vào cuộc sống. Tổ chức triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ở một số địa phương chưa tốt. Nguồn vốn cho thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết dựa nhiều vào ngân sách nhà nước, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp, chưa bảo đảm 5 năm sau tăng gấp hai lần đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn so với 5 năm trước như Nghị quyết đề ra. Khả năng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp so với yêu cầu.

    Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Do đó, để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nhanh, mạnh, bền vững ngành nông nghiệp thì cần sự phát triển đồng bộ chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ chính sách, nghiên cứu, sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu dùng và tái sản xuất. Trong bối cảnh các nguồn lực khác đều có giới hạn, thì chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò then chốt và quyết định hiệu quả của mối liên kết giữa Nhà khoa học - Nhà quản lý - Nhà sản xuất - Nhà kinh doanh và Nhà truyền thông.

    Lao động nông thôn cần phải được đào tạo để nâng cao năng lực tạo ra những giá trị nông sản khác biệt đủ sức cạnh tranh với nông sản quốc tế 

    Trong đó, đòi hỏi người lao động phải có những năng lực tiếp cận những giá trị gia tăng của nông sản như: Tìm kiếm khách hàng, người tiêu dùng; Thiết kế sản phẩm, xây dựng quy trình sản xuất GAP; Tư vấn tăng hiệu quả; Giảm chi phí cố định; Tăng hiệu quả quản lý hành chính; Tư vấn thành lập HTX, tổ chức nông dân; Hoạt động trong khuôn khổ luật pháp; Thông tin có hiệu quả; Tiếp cận công nghệ, kỹ năng và thị trường mới…

    Đặc biệt, trong nền nông nghiệp 4.0 đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, thành thạo việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…mới tạo được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực và lao động trong nông nghiệp, nông thôn nước ta như phân tích ở trên cho thấy trình độ chuyên môn còn thấp, hệ thống đào tạo nghề lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

    Trước tình trạng này, việc đổi mới phương pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp hiện đại đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng. Chính vì vậy, để đáp ứng được mục tiêu xây dựng Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn hiện đại, văn minh, thì chất lượng nguồn nhân lực và lao động nông thôn nước ta rất cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện rõ rệt và tạo ra bước chuyển biến đột phá cả về lượng và chất, cụ thể như sau:

    Thứ nhất, Chủ động nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo chuyên gia có trình độ tiếp cận trình độ quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...để bổ sung nguồn cán bộ cho các các địa phương, các cơ sở nghiên cứu, các HTX kiểu mới và doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành Nông nghiệp. Với đối tượng đào tạo này, cần phải tăng cường hoạt động trao đổi, học hỏi, giao lưu và hợp tác quốc tế để họ tiếp thu những kiến thức tiên tiến của các nước, từ đó ứng dụng vào thực tiễn nước ta; Gắn đào tạo với thực hành, đào tạo theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hay đón đầu xu hướng nông nghiệp thế giới; Ðổi mới nội dung và phương thức đào tạo theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy; Nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý…

    Thứ hai, Cần chú trọng đối tượng phải đào tạo nghề nông là nông dân và các chủ trang trại nhằm giúp họ nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học - kỹ thuật hướng tới năng suất lao động cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; biết làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đồng thời, bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới để giúp họ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển làng, xã, tự giác đóng góp xây dựng và quản lý sau xây dựng các công trình hạ tầng của cộng đồng.

    Thứ ba, Đổi mới nội dung, hình thức đào tạo nguồn nhân lực và lao động nông thôn theo hướng hiệu quả, thiết thực. Đào tạo nghề cho nông dân chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho lao động nông nghiệp qua trung tâm học tập cộng đồng tại thôn do một tổ chức đoàn thể hoặc hợp tác xã nơi đó chủ trì. Sử dụng các mô hình mẫu của chương trình khuyến nông.

    Kết hợp hình thức đào tạo, bồi dưỡng ở trình độ cao hơn tại hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nông nghiệp tỉnh. Đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho lao động nông thôn, chủ yếu là thanh niên, học sinh mới tốt nghiệp hệ phổ thông hoặc bổ túc văn hóa giúp họ chuẩn bị sẵn điều kiện chuyển sang lao động nghề phi nông nghiệp trong nước. Với lực lượng lao động này, cần đặc biệt coi trọng dạy nghề, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu lao động đang tăng cao về số lượng và đòi hỏi chất lượng tốt. Hình thức đào tạo cho họ chủ yếu qua các cơ sở dạy nghề chuyên nghiệp tại địa phương. Đào tạo nâng cao kiến thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ xã và quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở.

    Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung đào tạo cho đội ngũ cán bộ xã chủ yếu là về kiến thức luật pháp, quản lý kinh tế - xã hội, kỹ năng tổ chức thực hiện các chủ trương, đề án của cấp trên ở địa bàn thôn, xã. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở trước hết là ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa theo các tiêu chí cơ bản: cán bộ tối thiểu phải có trình độ học vấn trung học phổ thông cơ sở và có chứng chỉ được đào tạo sơ cấp về quản lý nhà nước. Và, chỉ bố trí cán bộ vào bộ máy lãnh đạo, quản lý ở cơ sở khi họ có đủ tiêu chuẩn.

    Thứ tư, Huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thúc đẩy dạy nghề, bằng việc điều chỉnh, bố trí ngân sách hỗ trợ mua sắm thiết bị đào tạo nghề cần thiết cho các trung tâm giáo dục cộng đồng. Tăng kinh phí đầu tư xây dựng các mô hình khuyến nông, xây dựng mô hình nông thôn mới hơn trước. Hỗ trợ kinh phí để ít nhất mỗi huyện có một Trung tâm dạy nghề tổng hợp theo chuẩn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (do doanh nghiệp đầu tư và thực hiện). Giúp cho người học nghề được vay ngân hàng không lãi suất tiền học phí (ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng).

    Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo công nhân (bằng chính sách hỗ trợ một phần kinh phí dạy nghề cho công nhân, nhân viên mới tuyển chưa có chứng chỉ nghề). Hỗ trợ 100% kinh phí cho đào tạo cán bộ cơ sở và có chính sách đưa cán bộ khoa học - kỹ thuật về nông thôn thông qua việc yêu cầu thực hiện chế độ nghĩa vụ đối với sinh viên đại học (các ngành liên quan đến nông nghiệp, nông thôn) về công tác tại cơ sở xã thời hạn từ 3 đến 5 năm. Cùng với áp dụng nghĩa vụ đi thực tế và phục vụ nông thôn là khuyến khích chế độ đãi ngộ. Ngoài tiền lương, đối tượng này còn được hưởng ít nhất 50% lương và sau thời hạn nghĩa vụ, họ sẽ được ưu tiên xét tuyển bổ sung cho lượng công chức và các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp các cấp.

    Đổi mới, nội dung phương thức đào tạo và tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực lao động phục vụ khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

    Thứ năm, Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nông thôn. Về nội dung này, cần tập trung thực hiện đồng bộ nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Chú trọng sự đồng đều về chất lượng giáo dục theo yêu cầu đổi mới đồng bộ, toàn diện. Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở địa bàn nông thôn, nhất là ở các xã, huyện khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, có tính khả thi cao. Tiếp tục phát triển thêm các trường nội trú, trung học cơ sở, trung học phổ thông (theo cụm xã) cho các huyện vùng núi khó khăn, gắn với dạy nghề nông nghiệp và các nghề ở nông thôn cho học sinh cuối cấp để tạo ra nguồn bổ sung về cán bộ và lao động có tay nghề cao.

    Thứ sáu, Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho DN/HTX khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và DN xây dựng vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết với nông dân. Qua đó, nâng cao trình độ, nhận thức của lao động nông nghiệp và nông thôn. DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành. Về chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư được Nhà nước giao đất làm nhà ở cho người lao động (gồm cả đất trồng cây xanh phục vụ lợi ích công cộng) theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai 2013 thì được miễn tiền sử dụng đất cho diện tích đất đó. DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển sang loại đất thuộc trường hợp Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và các chính sách cụ thể khác.

    Thứ bảy, Hoàn thiện chính sách dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Việc di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị là xu hướng tất yếu trong qua trình phát triển. Thực tế đặt ra yêu cầu không thể đào tạo nhân lực một cách toàn diện trong một thời gian ngắn đối với lực lượng lao động có nguồn gốc nông thôn. Một mặt lực lượng lao động nông thôn vừa có trình độ tay nghề thấp đồng thời có hiểu biết xã hội và trình độ nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế.

    Việc đào tạo tay nghề phải có thời gian và phải có môi trường lao động cụ thể làm đầu ra cho công tác đào tạo, quá trình lao động thực tế kiếm sống nơi đô thị trong các ngành công nghiệp dịch vụ bắt buộc các lao động này phải học tập và tích luỹ về mặt nghề nghiệp. Nhưng để đảm bảo an toàn cho quá trình mưu sinh và chuyển đổi nghề nghiệp trước hết lực lượng này phải được trang bị các kiến thức về xã hội, pháp luật để có khả năng thích nghi với xã hội và môi trường sống mới nơi đô thị và ngành nghề mới. Chính sách nhà nước phải đồng thời quan tâm cả hai mặt: trình độ tay nghề và trình độ xã hội cho lao động ở nông thôn, phải có sự ưu tiên đầu tư công trong đào tạo kiến thức xã hội, luật pháp, tác phong và môi trường cho lao động nông thôn.

    Mặt khác lao động dịch chuyển từ nông thôn nông nghiệp sang đô thị, công nghiệp dịch vụ chưa bền vững, một tỷ lệ lớn lao động qua thời gian lại phải quay về với nông thôn, nông nghiệp. Quá trình này chỉ có thể không lặp lại khi nền kinh tế đã bền vững, nông thôn - đô thị, nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ phát triển hài hoà. Như vậy khu vực đô thị không phải là không có trách nhiệm với công tác đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn, nông nghiệp. Tại các đô thị, bản thân các ngành công nghiệp, dịch vụ cũng phải có các phương án đào tạo lao động cho nông thôn, nông nghiệp.

    Một mặt khu vực ngoài nông thôn nông nghiệp có phương án đào tạo cho khu vực nông thôn, nông nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc đào tạo và lựa chọn nhân lực cho khu vực của mình, mặt khác sẽ góp phần cho việc cung cấp trở lại cho nông thôn, nông nghiệp nguồn nhân lực có đủ năng lực hoà nhập lại nông thôn cũng như đến nông thôn, nông nghiệp để khai thác phục vụ phát triển (cả chung và riêng). Để nâng cao tính trách nhiệm này, nhà nước phải hướng chính sách đến việc bắt buộc khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ phải có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn, nông nghiệp.

    Tóm lại, các đối tượng chính của nguồn nhân lực nông thôn cần được đào tạo là: Nông dân sản xuất: hiện trạng thiếu, bị già hoá và nữ hoá và yếu do các bạn trẻ đi làm các khu công nghiệp, ra thành phố, xuất khẩu LĐ: chủ yếu còn lại người già, phụ nữ; Khối tư nhân: các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra quy mô nhỏ; Cán bộ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn: thú y, khuyến nông (cán bộ nông nghiệp); hội Nông dân, hội Phụ nữ, an ninh, văn hóa xã hội…; Nhà quản lý: Lãnh đạo phụ trách xã, thôn bản…

    Cần có chương trình và nội dung đào tạo cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đối tượng; theo nhu cầu thực tế ở mỗi địa phương, trong từng giai đoạn…Phải có khảo sát xác định nhiệm vụ, chủ đề đào tạo ưu tiên theo chương trình. Chính sách cho cho công tác đào tạo này phải kết hợp cân đối giữa đào tạo kiến thức tay nghề đi đôi với trang bị cho lao động kiến thức xã hội - pháp luật, trong đó đào tạo tay nghề không thể đi trước. Một điều không thể không đề cập, đó là đến lúc mọi khu vực, mọi ngành, mọi thành phần cùng phải bắt tay phối hợp và chia sẻ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn, nông nghiệp do tính đa dạng của nhu cầu.

    GS. TSKH. Trần Duy Quý - TS. Đào Thế Anh - ThS. Vương Xuân Nguyên

    Phần III: HộiKhoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO)tập trung vào đào tạo khởi nghiệp NN công nghệ cao và nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-cuong-nang-luc-lao-dong-nong-thon-phuc-vu-khoi-nghiep-nong-nghiep-cong-nghe-cao-tham-gia-chuoi-gia-tri-nong-san-toan-cau-phan-ii-a287977.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan