+Aa-
    Zalo

    Tăng cường vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi chung

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Các trường đại học được giao chủ trì cụm thi sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính cùng với các sở GDĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

    (ĐSPL) – Các trường đại học được giao chủ trì cụm thi sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính cùng với các sở GDĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

    Tăng cường vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi chung
    Ảnh minh họa.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban chỉ đạo thi

    Tin tức từ Bộ GD&ĐT cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo thi, lãnh đạo trường ĐH, CĐ, lãnh đạo Sở GDĐT làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi.

    Ở cụm thi do trường ĐH chủ trì, hiệu trưởng trường ĐH được giao làm Chủ tịch Hội đồng thi, lãnh đạo sở GDĐT làm Phó chủ tịch Hội đồng thi. Ở cụm thi tại địa phương, giám đốc Sở GDĐT được giao làm Chủ tịch Hội đồng thi.

    Các trường ĐH có đủ năng lực, điều kiện, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi sẽ được Bộ giao chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học tại tỉnh/thành phố và sở GDĐT tổ chức coi thi, chấm thi và gửi kết quả chấm thi về Bộ GDĐT.

    Các sở GDĐT tham gia Ban chỉ đạo, phối hợp với trường ĐH tổ chức coi thi, chấm thi; chịu trách nhiệm tổ chức cho học sinh đăng kí dự thi, chuyển dữ liệu đăng kí dự thi về Bộ GDĐT; xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh của địa phương và chủ trì cụm thi ở địa phương (nếu được Bộ GDĐT thống nhất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cụm thi) dành cho thí sinh chỉ đăng kí xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để tham gia tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kì thi vào tuyển sinh.

    Như vậy, vai trò của các trường ĐH, CĐ, các sở GDĐT trong Kỳ thi THPT quốc gia là rất lớn. Các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính cùng với các sở GDĐT tổ chức Kì thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, kết quả thi đạt độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng trong công tác tuyển sinh.

    Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GDĐT và các ban, ngành của địa phương cùng với các trường ĐH, CĐ tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế các khâu của Kỳ thi; đảm bảo an ninh, an toàn các hội đồng coi thi, chấm thi trên địa bàn; tổ chức nghiêm túc các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì, để kết quả thi có độ tin cậy cao, khách quan, không xảy ra những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

    Tổ chức thêm nhiều cụm thi

    Bộ GD&ĐT cho biết, theo kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, một cụm thi trung bình khoảng 30 – 40 nghìn thí sinh là phù hợp. Từ kinh nghiệm này và dựa trên nguồn lực của các trường ĐH, CĐ (đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh) Bộ sẽ bố trí các cụm thi theo khoảng cách địa lí hợp lí, đồng thời số cụm thi sẽ tăng hơn năm trước, rải ra trong cả nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự Kì thi.

    Các cụm thi sẽ được thành lập theo mô hình các cụm thi ĐH, CĐ ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước đây. Bộ GDĐT sẽ khảo sát, xem xét kĩ lưỡng các yếu tố để cùng với các địa phương và các trường ĐH bàn bạc, thống nhất thành lập thêm các cụm thi. Các trường ĐH, CĐ sẽ cùng với các sở GDĐT phối hợp để tổ chức tốt Kì thi.

    Các trường ĐH được giao chủ trì các cụm thi có thể coi đây là một cơ hội tốt để khẳng định uy tín và thương hiệu của trường. Trách nhiệm của các trường khi đó sẽ nặng nề hơn so với trước đây (chỉ tổ chức thi cho thí sinh thi vào trường mình hoặc cho một số trường) vì phải tổ chức thật tốt để đáp ứng yêu cầu của Kì thi THPT quốc gia; đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ sử dụng vào tuyển sinh; đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo của cả hệ thống.

    Các địa phương được giao chủ trì cụm thi cũng phải nỗ lực tổ chức Kỳ thi với yêu cầu cao hơn kì thi tốt nghiệp THPT những năm trước; đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, kết quả thi có độ tin cậy cao, phản ánh đúng chất lượng dạy học; đặc biệt là không để xảy ra tình trạng kết quả cao bất thường so với các cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

    Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì. Tổ chức nghiêm túc các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì chính là hướng tới đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

    Cũng cần nói thêm là Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấm thẩm định tại các cụm thi, nhất là các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì để giám sát chặt chẽ, phát hiện và có giải pháp xử lí kịp thời các bất cập nảy sinh, đảm bảo tổ chức Kì thi THPT quốc gia đạt mục tiêu đề ra.

    Công tác thanh tra, kiểm tra trong Kì thi THPT quốc gia

    Công tác thanh tra, kiểm tra trong Kì thi THPT quốc gia được thực hiện tương tự như trong Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ và Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng theo hướng chặt chẽ, nghiêm túc hơn:

    – Các trường ĐH, các sở GDĐT được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi, tổ chức các đoàn thanh tra thi để đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy chế thi ở các hội đồng coi thi, chấm thi;

    – Bộ tổ chức các đoàn thanh tra lưu động, sử dụng lực lượng thanh tra của các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và bố trí các thanh tra cắm chốt tại các cụm thi;

    – Tất cả những vi phạm đối với những người tham gia Kì thi sẽ được xử lí nghiêm minh để hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực trong thi cử;

    – Ban Chỉ đạo thi Trung ương thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đột xuất không báo trước tại các cụm thi.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-cuong-vai-tro-cua-cac-truong-dh-cd-trong-ky-thi-chung-a54716.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan