+Aa-
    Zalo

    Tăng lương tối thiếu vùng từ năm 2020: Người lao động khấp khởi mừng thầm, vẫn băn khoăn “mức sống tối thiểu đủ sống”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau hơn 3 giờ làm việc, Hội đồng tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5% so với năm 2019.

    Chiều 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp tục họp để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Sau hơn 3 giờ làm việc, Hội đồng tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5% so với năm 2019. Xung quanh vấn đề này, PV báo ĐS&PL đã ghi nhận ý kiến của nhiều người lao động và các chuyên gia niềm vui và những băn khoăn khi lương tăng...

    Các công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp cho rằng hầu hết họ phải làm ngoài giờ thì mức thu nhập mới đủ sống.

    Tâm tư của người lao động

    Trước đó, tại Tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động diễn ra mới đây; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 dao động tăng từ 6-8% với 3 phương án đề xuất cụ thể.

    Lý giải về mức đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, đây là mức tăng đã được cơ quan này tính toán kỹ, dựa trên số liệu thực tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay như: GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. Đây là những tín hiệu có ảnh hưởng tích cực đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2020.

    Trong khi đó, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho giới chủ - chỉ đề xuất mức tăng 3%, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng 5,2%.

    Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, với triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ các hiệp định CPTPP và EVFTA, tăng lương tối thiểu đủ sống là yếu tố tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài. Cho nên, mức đề xuất 3% là chưa phù hợp.

    Liên quan đến vấn đề này, PV báo ĐS&PL cũng ghi nhận ý kiến chia sẻ của một số người lao động đang trực tiếp làm việc tại các khu công nghiệp.

    Chị Luận (quê Yên Bái, hiện đang làm tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh) cho biết: “Mức lương đi làm cơ bản hiện tại của tôi trung bình khoảng 4 triệu đồng, nếu tính chi phi ăn ở, đi lại và gửi về quê thì chẳng còn dư. Vì thế, buộc lòng chúng tôi phải làm tăng ca, làm thêm giờ thì thu nhập mỗi tháng cả tăng ca và lương đã chốt cứng được khoảng 7-8 triệu đồng. Thời gian làm việc của chúng tôi kéo dài hơn, nhiều lúc cũng cảm thấy rất mệt mỏi nhưng đành phải cố gắng thôi, không làm thì các con ở nhà không có gì ăn, rồi còn đủ chi phí khác trang trải cuộc sống nữa”.

    Chị Luận bày tỏ: “Người lao động chúng tôi chỉ biết chủ quy định thế nào, cho thế nào thì nhận ngần đấy. Chứ thật ra, tôi cũng không nắm được mức tăng cụ thể thế nào. Thế nhưng, tôi nghĩ là không chỉ có tôi mà cả những người lao động khác đều mong muốn được tăng lương ở mức tối thiểu để đủ sống”.

    Chia sẻ với PV, chị Lê Thị Thúy, công nhân may (tỉnh Thanh Hóa) cho biết mức lương cơ bản không tăng ca hiện nay của chị là 3 triệu đồng, với mức lương này rất khó để chị có thể duy trì cuộc sống.

    Chị Thuý bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở quê, cũng không qua đào tạo học hành, nhà neo người lại muốn gần mẹ để tiện đường chăm sóc nên tôi đã chọn làm may cho một công ty gần nhà. Nhưng, cả huyện có duy nhất một công ty, nên rất nhiều người có nhu cầu, cũng chính vì thế mà chủ công ty luôn dồn ép công nhân, nhiều lúc muốn nghỉ việc cho xong, nhưng nghĩ đến gia đình nên tôi vẫn phải cố. Nói thật, nếu bây giờ không làm công ty thì tôi cũng không biết làm gì ra tiền, mặc dù lương thấp nhưng nó vẫn là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Sau này lập gia đình tôi còn có việc để không bị thất nghiệp”.

    Chị Thuý cho biết, với mức lương 3 triệu một tháng chị buộc phải tăng ca: “Tôi phải làm tăng ca mỗi ngày 2-3 tiếng hoặc hơn thì mới đủ sống, vì nếu không tăng ca với mức lương ít ỏi chúng tôi khó mà đủ chi tiêu vì còn phải lo cho gia đình và nhiều thứ khác”.

    Chị Thuý cho biết thêm: “Nếu được tăng mức lương tối thiểu công nhân chúng tôi hết sức vui mừng, xã hội càng phát triển, đồng tiền ngày càng mất giá, với mức lương cơ bản hiện giờ khó lòng chúng tôi có thể đảm bảo cuộc sống”.

    Nữ công nhân La Thị Tam (công nhân sản xuất tại công ty TNHH Sam Sung Electronics Thái Nguyên) cho hay: “Hiện tại, lương cơ bản nếu không tăng ca của chúng tôi là 4 triệu 300 nghìn đồng. So với mặt bằng chung thì đây là lương cơ bản cao nhất, tuy nhiên hầu hết các công nhân ở đây đều xa nhà, vì thế nếu chỉ làm hành chính mà không tăng ca thì sẽ không đủ sống, chúng tôi phải chi trả tiền nhà, tiền ăn và cả phương tiện đi lại nữa, rất tốn kém”.

    “Chủ yếu ai làm công nhân đều cũng có hoàn cảnh, nhưng bằng cấp lại thấp nên hầu hết không được đánh giá cao cũng như rất khó để thăng chức, chúng tôi chỉ trông chờ vào việc tăng lương, nhưng chắc khó”, chị Tam ngậm ngùi.

    Cùng chung suy nghĩ với chị Thuý, nữ công nhân này mong mỏi: “Hàng ngày, chúng tôi sẽ được tăng ca 3 tiếng để đảm bảo thu nhập cũng như đảm bảo cuộc sống, bởi tăng ca lương bình quân của chúng tôi sẽ từ 7 triệu trở lên. Nếu được tăng mức lương cơ bản công nhân chúng tôi hết sức vui mừng, cảnh công nhân đi làm không bao giờ là sướng, nên được đồng nào sẽ hay đồng đấy. Hơn nữa, tăng lương cơ bản mới đảm bảo mức sống cho chúng tôi sinh hoạt và phụ giúp gia đình”.

    Lương tăng có đồng nghĩa năng suất lao động tăng?

    Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính) cho rằng: “Hiện nay, tiêu chuẩn mức sống tối thiểu thế nào thì vẫn chưa có chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể. Cho nên, việc này chưa có căn cứ, cơ sở. Nhìn vào thực tế, hiện nay lương vẫn tăng nhưng năng suất lao động không tăng”.

    PGS.TS Ngô Trí Long phân tích, lương phải tăng theo năng suất lao động, còn năng suất lao động không tăng mà đòi tăng lương thì rất khó cho nghiệp cạnh tranh. “Phía công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, nhưng lại không nhìn về phía doanh nghiệp. Tôi cho rằng cần có cái nhìn dung hoà, nhiều chiều chứ không nên đứng về một phía”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

    Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm: “Bài toán đặt ra hiện nay là gốc rễ của vấn đề là xem xét quyết định tăng lương là tăng năng suất lao động, chứ không phải ngoài mức tăng lương tối thiểu thì anh chưa xem xét một cách có cơ sở, căn cứ toàn diện, làm được điều này doanh nghiệp mới tồn tại một cách vĩnh cửu, chứ không phải chỉ căn cứ vào mức tăng lương tối thiểu, tốc độ tăng giá là chưa đủ”...

    Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, cần phân biệt rõ mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống khi các bên thảo luận về tiền lương tối thiểu. “Vì chưa có tiêu chí rõ ràng nên các bên biện luận khác nhau chưa có căn cứ, chưa có cơ sở. Cần phải làm rõ thế nào là mức sống tối thiểu, thế nào là mức lương tối thiểu”, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm.

    Hoàng Bích - Lê Liên

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp Luật số chủ nhật 28

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-luong-toi-thieu-vung-tu-nam-2020-nguoi-lao-dong-khap-khoi-mung-tham-van-ban-khoan-muc-song-toi-thieu-du-song-a284066.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan