+Aa-
    Zalo

    Tập đoàn Mai Linh đã vi phạm về quản trị công ty đại chúng

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Lãnh đạo tập đoàn cùng với cán bộ dưới quyền đã thực hiện nhiều chiêu thức khác nhau để “qua mặt” các cổ đông.
    (ĐSPL) - Như báo ĐS&PL đã đăng tải ở số 32 Chủ Nhật, trong quá trình PV tìm hiểu thì phát hiện ra lãnh đạo tập đoàn cùng với cán bộ dưới quyền đã thực hiện nhiều chiêu thức khác nhau để “qua mặt” các cổ đông. Các chiêu thức này đều được sử dụng với mỹ từ: “Tái cơ cấu”. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào?
    Chiêu trò tái cấu trúc
    Sự bất thường là trong báo cáo tài chính của tập đoàn Mai Linh thể hiện ở hai công ty thuộc quyền sở hữu của ông chủ Mai Linh đó là công ty TNHH một thành viên đầu tư Hồ Huy và công ty cổ phần Thương mại và đầu tư H.H&T. Đó là việc họ đã  “vay” một lượng lớn vốn sau đó đầu tư phương tiện rồi lại cho tập đoàn Mai Linh thuê lại với giá cao?
    Tiếp tục tìm hiểu thêm, PV phát hiện, việc Tập đoàn này chiếm dụng vốn của Mai Linh Miền Bắc (MLMB) và Mai Linh Miền Trung (MNC) để dùng một phần vào trang trải bộ máy hành chính khá “cồng kềnh”. Trong khi, tập đoàn Mai Linh (MLG) đang báo lỗ lớn và nợ đọng bảo hiểm rất nhiều….
    Cụ thể, theo Báo cáo tài chính năm 2015 của tập đoàn Mai Linh được kiểm toán bởi công ty TNHH Deloitte thì: Công ty TNHH một thành viên đầu tư Hồ Huy chiếm dụng nợ dài hạn của MLG là 74 tỉ đồng. Tương tự, công ty cổ phần Thương mại và đầu tư H.H&T nợ tới hơn 123 tỉ đồng là nợ dài hạn.

    Công ty đại chúng không được cấp các khoản vay và tiến hành các giao dịch có nguy cơ làm thất thoát vốn, tài sản của công ty

    Cổ đông và dư luận có quyền đặt câu hỏi, với cách làm như vậy, ông chủ của MLG cùng đội ngũ cố vấn của mình đã hút vốn/chiếm dụng tiền đầu tư vào đâu? Liệu việc làm của họ có  vi phạm nghiêm trọng Thông tư 121/2012/TT-BTC hay không? Chưa dừng lại ở đó, PV càng giật mình hơn khi biết thông số nợ xấu do công ty cổ phần Vận tải tốc hành Mai Linh (hay còn gọi là Mai Linh Express) mà bản thân ông Hồ Huy là cổ đông lớn, người đại diện của một loạt công ty con của Công ty. Cụ thể, tính đến năm 2015, tổng giá trị của các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi từ Mai Linh Express của riêng tập đoàn Mai Linh (MLG) là hơn 328,7 tỉ đồng.
    Câu hỏi khiến dư luận đặt ra, tại sao MLG chỉ sở hữu có 1,8 tỉ đồng tại Mai Linh Express nhưng trong nhiều năm lại có thể chi phối được Mai Linh cả 3 miền? Tại sao Mai Linh 3 miền phải cho Mai Linh Express vay và tồn dư với số nợ đáng giật mình như vậy? Phải chăng ông chủ của tập đoàn Mai Linh đang sử dụng “thủ đoạn” tài chính với cả 3 công ty MLG, MLMB, MNC cùng hàng loạt công ty con khác?
    Để làm rõ hơn những vấn đề trên, PV đã nhiều lần liên hệ làm việc với MLMB và cuối cùng chúng tôi cũng có buổi làm việc với ông Hồ Chương, Tổng Giám đốc MLMB. Ông Chương cho biết: “MLMB hiện là công ty đại chúng, toàn bộ thông tin về các khoản nợ đã được thể hiện rất rõ trong Báo cáo tài chính của công ty và được công khai trên website của công ty www.mailinh.vn đã đăng ký với UBCK Nhà nước”.
    Có dấu hiệu vi phạm về quản trị tài chính
    Trả lời câu hỏi: Công ty đại chúng có được cấp các khoản vay và tiến hành các giao dịch đối với cổ đông mà giao dịch ấy có nguy cơ bị cổ đông chiếm dụng mất vốn không? Luật sư Võ Xuân Đạt - đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: “Thực tế trên thị trường chứng khoán, từ năm 2007 đến nay, đã có một số công ty đại chúng, cổ đông hoặc một nhóm cổ đông lớn (nhóm lợi ích) khi đã đề cử và dàn xếp phiếu bầu để những người đại diện vốn của mình tham gia vào các vị trí quản trị trọng yếu của công ty đại chúng.
    Những người này khi đã được bố trí tại các vị trí quản trị trọng yếu của công ty đại chúng sẽ tiến hành thao túng công ty… Để ngăn chặn những hành vi như trên, hiện nay, theo quy định tại khoản 3, Điều 24, Thông tư 121/2012/TT-BTC của bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng thì: Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty. Công ty đại chúng không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho các cổ đông và những người có liên quan”.
    Và như vậy, có thể thấy công ty đại chúng không được cấp các khoản vay và tiến hành các giao dịch có nguy cơ làm thất thoát vốn, tài sản của công ty. Mọi giao dịch cho vay và có nguy cơ làm mất vốn của công ty đại chúng đều là bất hợp pháp và vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 24, Thông tư 121/2012/TT-BTC.
    Trường hợp cụ thể ở đây là việc tập đoàn Mai Linh có dấu hiệu chiếm dụng số vốn của Mai Linh miền Bắc trong một thời gian dài và dùng quyền của một cổ đông lớn để điều tiết, cho vay vốn làm thất thoát nhiều trăm tỉ đồng của 3 công ty đại chúng lớn với hàng chục ngàn cổ đông là hoạt động vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và Thông tư 121/2012/TT-BTC, có thể xác định đây hành vi cố tình rút vốn ra khỏi công ty của một cổ đông, vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 115 luật Doanh nghiệp 2014, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Mai Linh miền Bắc, Mai Linh miền Trung và các công ty thành viên.
    Như vậy, Mai Linh miền Bắc, Mai Linh miền Trung không được phép để cho tập đoàn Mai Linh (MLG) chiếm dụng vốn như thời gian vừa qua. Việc MLG cố tình chiếm dụng vốn của Mai Linh miền Bắc vừa vi phạm nguyên tắc quản trị tài chính của các công ty và vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định của Thông tư 121/2012/TT-BTC và luật Doanh nghiệp.
    Những hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt như vậy và các thông tin về vi phạm này cũng được công bố rõ ràng trên website: mailinh.vn nhưng tập đoàn Mai Linh và ông Hồ Huy vẫn chưa bị các cơ quan chức năng sờ gáy? Phải chăng đang có một thế lực chống đỡ cho họ…

    Xem xét câu chuyện của Mai Linh miền Bắc, nhóm chuyên gia về quản trị doanh nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp mắc khá nhiều căn bệnh khi có yếu tố quản trị gia đình đang gặp phải. Đó chính là không phân tách rõ ràng giữa nhiệm vụ của HĐQT và Ban điều hành. Một mình cá nhân ông Hồ Huy là người đại diện theo pháp luật và chỉ đạo, điều tiết hết tài chính của tất cả các công ty thành viên mặc dù các công ty đã được niêm yết trên sàn chứng khoán, công ty đại chúng thì chắc chắn sẽ không thoát khỏi những dấu hiệu xấu liên quan đến vốn.

    Nam Nhi
    Nguồn : Người đưa tin
    Clip đang được xem nhiều:
    [mecloud][mecloud]tP7ZL8rAzD[/mecloud[/mecloud]
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-mai-linh-da-vi-pham-ve-quan-tri-cong-ty-dai-chung-a146253.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Mướp xào lạc thơm ngậy cho bữa chiều

    Mướp xào lạc thơm ngậy cho bữa chiều

    (ĐSPL) - Mướp xào lạc là món ăn tuy dân dã nhưng ngon tuyệt. Đi làm về, bụng đói cồn cào mà ngồi vào mâm cơm có đĩa cá rán và bát canh mướp hương nấu lạc thì còn gì bằng.