Thái Bình: BVĐK Lâm Hoa phòng chống dịch kiểu… “mượn gió bẻ măng"


Thứ 3, 22/06/2021 | 21:10


Yêu cầu xét nghiệm Covid đối với tất cả người nhà bệnh nhân và cả người đến thăm bệnh nhân. Đó là quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lâm Hoa, địa chỉ tại 588 đường Lê Quý Đôn, TP Thái Bình. Nghe có vẻ như đó là cách làm tốt trong phòng chống dịch tại một bệnh viện tư nhân, thế nhưng cách làm này lại đang có sự bất nhất, có dấu hiệu trục lợi và vi phạm quy định về thuế giá trị gia tăng tại BVĐK Lâm Hoa.

Một số bạn đọc phản ánh tới phóng viên cho biết: Tại BVĐK Lâm Hoa cơ sở 2, (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), tất cả người đến bệnh viện (bao gồm cả người nhà chăm sóc và người đến thăm bệnh nhân) phải làm xét nghiệm Covid một lần với chi phí 200.000đ/người. Nếu phải chung tay để phòng chống dịch thì là điều mọi người phải ủng hộ và chấp hành. Thế nhưng với cách làm của BVĐK Lâm Hoa đang khiến nhiều người nghi vấn có dấu hiệu lợi dụng phòng chống dịch để trục lợi qua việc yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với người nhà bệnh nhân và người dân đến thăm bệnh nhân.

Kinh doanh - Thái Bình: BVĐK Lâm Hoa phòng chống dịch kiểu… “mượn gió bẻ măng'

Xét nghiệm đối với tất cả người đến bệnh viện là quy định bắt buộc của đa khoa Lâm Hoa?

Tại TP Thái Bình, BVĐK Lâm Hoa có hai cơ sở: Cơ sở 1 có địa chỉ đường Ngô Quyền, Tổ 47 phường Kỳ Bá; Cơ sở 2 có địa chỉ số 588 đường Lê Quý Đôn. Khi nhóm phóng viên đến BVĐK Lâm Hoa cơ sở 2, địa chỉ số 588 đường Lê Quý Đôn, thì đều được yêu cầu xét nghiệm bắt buộc trước khi vào bệnh viện. Chi phí cho mỗi lượt xét nghiệp là 200.000đ, thế nhưng người được xét nghiệm chỉ được trả một bản kết quả xét nghiệm, không có hóa đơn, tờ phiếu thu khi nộp tiền cũng bị nhân viên bệnh viện thu lại trước khi trả kết quả. Khi phóng viên yêu cầu được xuất hóa đơn thì nhân viên BVĐK Lâm Hoa trả lời nhanh, gọn: chỉ cần trả kết quả thôi! Cũng tại thời điểm đó, một nhóm phóng viên ghi nhận tại BVĐK Lâm Hoa cơ sở 1 (tại đường Ngô Quyền, Tổ 47 phường Kỳ Bá) thì không có người nào ra vào bệnh viện được yêu cầu làm xét nghiệm bắt buộc???

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Phạm Minh Nghĩa – Chủ tịch HĐQT BVĐK Lâm Hoa khẳng định: Yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid đối với tất cả người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện là theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tại Công điện số 628/CĐ-BCĐQG ngày 10/5/2021. Phóng viên thắc mắc với ông Phạm Minh Nghĩa: Yêu cầu bắt buộc thì tại sao BVĐK Lâm Hoa lại bất nhất khi chỉ làm xét nghiệm cho người đến tại BVĐK Lâm Hoa cơ sở 2, còn cơ sở 1 thì không? Ông Phạm Minh Nghĩa đổ lỗi cho nhân viên: Đó là do nhân viên của bệnh viện thực hiện chưa triệt để!???

Kinh doanh - Thái Bình: BVĐK Lâm Hoa phòng chống dịch kiểu… “mượn gió bẻ măng' (Hình 2).

Xét nghiệm đối với tất cả người đến bệnh viện là quy định bắt buộc của đa khoa Lâm Hoa?

Tìm hiểu nội dung Công điện số 628/CĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch gửi các bệnh viên trực thuộc Bộ Y tế, các trường Đại học, các Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Mục 2 của Công điện yêu cầu: “Tổ chức xét nghiệm Sars-CoV-2 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu ở lại chăm sóc)…”. Thế nhưng tại cơ sở 2 BVĐK Lâm Hoa lại yêu cầu xét nghiệm bắt buộc với tất cả người đến thăm bệnh nhân (người vãng lai), thu phí xét nghiệm nhưng không giao phiếu thu và hóa đơn.

Như vậy, lãnh đạo BVĐK Lâm Hoa giải thích việc yêu cầu xét nghiệm Covid bắt buộc là theo quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, là có dấu hiệu “mượn gió bẻ măng” để trục lợi. Mặt khác, với mức thu phí xét nghiệm 200.000đ/lượt xét nghiệm nhưng không xuất hóa đơn, BVĐK Lâm Hoa đang có dấu hiệu vi phạm quy định về thuế giá trị gia tăng, được quy định tại Thông tư 26/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài Chính, cục Thuế tỉnh Thái Bình và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thái Bình cần vào cuộc thanh tra, điều tra làm rõ.

Tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài Chính quy định: Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.

Nguyễn Khuê

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thai-binh-bvdk-lam-hoa-phong-chong-dich-kieu-muon-gio-be-mang-a504679.html