+Aa-
    Zalo

    Thảm hoạ kinh hoàng nào đang đón chờ thế giới sau khi COVID-19 quét qua?

    ĐS&PL Các nhà nghiên cứu nhận định, dịch bệnh COVID-19 sẽ khoét sâu hơn khoảng cách giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất thế giới.
    covid 19 virus bat binh dang va he qua su phan hoa giau ngheo dspl
    Khu chợ Owino ở trung tâm thành phố Kampala, Uganda. Ảnh:  Wall Street Journal

    "Virus bất bình đẳng"

    Tại Mỹ, các nhà kinh tế đang dự báo sự trở lại của mức tăng trưởng thời kỳ bùng nổ của “những năm 1990”. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quý đầu tiên và Vương quốc Anh đang phát triển nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Thế chiến II kết thúc.

    Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, phần lớn người dân không được tiêm chủng và chính phủ không đủ khả năng để duy trì các biện pháp thúc đẩy kinh tế, hiện đang phải vật lộn để phục hồi sau sự suy giảm kỷ lục của năm 2020.

    Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển- bộ phận then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giáo dục, và chính trị - đang bị thu hẹp nhanh chóng.  Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở Mỹ và Trung Quốc.

    Trong khi sự phục hồi nhanh chóng của Mỹ đã thúc đẩy nền kinh tế nước này tăng trưởng trở lại, các quốc gia có thu nhập thấp hơn sẽ mất nhiều năm để trở lại mức của năm 2019.

    Quỹ Tiền tệ Quốc tế gọi điều này là “sự phân kỳ lớn”, cảnh báo rằng nhiều nền kinh tế đang phát triển có thể suy yếu trong nhiều năm.

    Amina Mohammed, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: "COVID-19 đã trở thành virus bất bình đẳng. Thế giới đối lập ở phía trước chúng ta sẽ là một thảm họa".

    Bờ vực đói kém

    Trước khi xảy ra cú sốc kinh tế do COVID-19, thế kỷ 21 là câu chuyện về một thế giới đang phát triển, dần thu hẹp khoảng cách về sự giàu có, giáo dục, y tế và hoà bình.

    Tại Mỹ Latinh, sau 15 năm tăng trưởng nhờ xuất khẩu hàng hóa giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, nền kinh tế đã giảm sút tới 7,4% vào năm 2020, mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1821, khi khu vực này giành được độc lập, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ cho biết vào tháng 3 trong báo cáo kinh tế hàng năm của mình.

    Ở Trung và Tây Phi, các chính phủ đang phải vật lộn để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của các bệnh truyền nhiễm như sởi và sốt rét, những bệnh đã giết chết hàng nghìn trẻ em chủ yếu là trẻ nhỏ trong những tháng gần đây. Ở Mỹ Latinh, hơn 100 triệu trẻ em - hơn một nửa tổng số trẻ em - không được đến trường và nhiều em không có khả năng quay trở lại học, làm dấy lên lo ngại về một thế hệ không được hưởng nền giáo dục.

    Ngân hàng Thế giới ước tính rằng có tới 150 triệu người sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19. 

    covid 19 virus bat binh dang va he qua su phan hoa giau ngheo dspl 3
    Một người đàn ông bán túi và diêm ở Virgen de Candelaria.  Ảnh: Theo Wall Street Journal

    Theo Chương trình Lương thực Thế giới, sự tức giận vì giá thực phẩm tăng cao bắt đầu chuyển thành các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố từ Colombia đến Sudan.

    Tin tức từ Ấn Độ, nơi ghi nhận tới 400.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mỗi ngày, đã làm dấy lên nỗi lo sợ ở các khu vực không được tiêm chủng khác rằng họ cũng sẽ bị dịch bệnh tàn phá.

    Từ Nepal, Iran đến Peru và Argentina, hệ thống y tế đang gặp khó khăn khi bệnh nhân tràn vào các bệnh viện trong bối cảnh thiếu giường và ôxy. Các lò hỏa táng đang quá tải và các biến thể virus mới đang tiến triển nhanh hơn so với tốc độ làm việc tại các phòng thí nghiệm theo dõi chúng.

    Trong năm nay, hơn 1,5 triệu ca tử vong do COVDI-19  đã được báo cáo trên toàn cầu khi virus SARS-CoV-2 đã lan nhanh qua Châu Mỹ Latinh và các khu vực của Châu Á và sẽ vượt qua con số 1,8 triệu, theo số liệu chính thức được tổng hợp tại Đại học Oxford.

    Trong những tháng gần đây, số liệu thống kê đã đảo ngược: Châu Âu và Bắc Mỹ ghi nhận 73% số ca tử vong hàng ngày vào thời điểm đầu năm trong đợt tăng đột biến vào mùa đông, nhưng hiện nay châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi chiếm tới 72% số ca tử vong.

    John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, cho biết: “Đó là một lời cảnh tỉnh cho lục địa của chúng ta và phần còn lại của thế giới với khả năng tiếp cận vắc-xin kém”.

    Theo ngân hàng đầu tư UBS, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo hiện đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ khi các cuộc tiêm chủng chống lại COVID-19 bắt đầu vào cuối năm ngoái. Tỷ lệ tiêm chủng của Châu Âu và Bắc Mỹ nói chung dao động từ 30% đến 50%.

    Nhiều nền kinh tế đang phát triển cũng đặc biệt phụ thuộc vào doanh thu và việc làm từ các lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, thứ mà các chính phủ thiếu tiền không đủ khả năng bảo vệ.

    Phần lớn các nước đang phát triển bước vào đại dịch với các khoản nợ nước ngoài tăng mạnh. Trong khi lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0 hoặc âm tại các nước phát triển, mức lãi suất trung bình ở các nước đang phát triển là 4%. Lãi suất với các khoản vay dài hạn, vốn thiết yếu trong phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục, còn cao hơn nhiều.

    covid 19 virus bat binh dang va he qua su phan hoa giau ngheo dspl 2
    Bình oxy được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ở Abuja, Nigeria. Ảnh Wall Street Journal

    Các nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng gánh nặng nợ nần có thể buộc các chính phủ chuyển sang chế độ thắt lưng buộc bụng, khiến đà phục hồi càng thêm thắt chặt. Giá lương thực đang tăng vọt tại các quốc gia đang phát triển, điều này khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát.

    Kenneth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế trưởng IMF hiện đang làm việc tại Harvard cho biết: “Thiệt hại là có thật và đã được đánh giá thấp”.

    Trẻ em không được tới trường

    Trong hơn một thập kỷ qua, Andrew Nsamba đã dồn sức lực mở rộng ngôi trường do anh làm chủ ở ngoại ô thủ đô Kampala của Uganda. Trường Tư thục Najjera từng phát triển rất nhanh, có lúc nhận tới hơn 1.000 học sinh.

    Giờ đây, công việc kinh doanh của ông Nsamba đã đóng cửa, thiếu hụt doanh thu trong thời gian ngừng hoạt động do COVID-19 và không có nhu cầu khởi động lại sau khi rất nhiều bậc cha mẹ mất việc làm. 70 nhân viên của ông ấy đang tìm việc làm, và ông ấy đang phải vật lộn để trả các khoản nợ ngân hàng. Ông nói: “COVID-19 không chỉ giết trường học mà còn phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế của cả cộng đồng”.

    Ở Mỹ Latinh, tình trạng cấm học nghiêm ngặt đã khiến trẻ em phải nghỉ học nhiều hơn so các nước . Kể từ tháng 3/2020, các trường học ở Mỹ Latinh đã đóng cửa từ 40 đến 50 tuần, so với mức trung bình toàn cầu là 26 tuần.

    Chỉ có sáu quốc gia trong khu vực đã mở cửa trở lại hoàn toàn các trường học, khiến 124 triệu trẻ em phần lớn không được tới lớp. Unicef ​​gọi tình huống này là một "thảm họa thế hệ đang bùng phát”.

    covid 19 virus bat binh dang va he qua su phan hoa giau ngheo dspl 4
    Trường học Tiến bộ Najjera gần Kampala phải đóng cửa. Ảnh: Theo Wall Street Journal

    Đối với các bậc cha mẹ ở Lima, vùng lân cận Virgen de la Candelaria của Peru, một khu vực nghèo nàn với những căn lều lợp bằng thiếc trên một ngọn đồi cằn cỗi, việc thiếu trường học là bước ngoặt khiến trẻ em không thể thoát nghèo.

    Việc đi học trực tuyến không khả thi ở hầu hết các nước đang phát triển, nơi mạng Wi-Fi không được cung cấp thường xuyên và người nghèo không có khả năng mua hoặc truy cập internet.

    Miriam Salcero, một bà mẹ 27 tuổi, cho biết cô và con gái 8 tuổi của mình, Brianna, phải vật lộn để hiểu các hướng dẫn mà giáo viên gửi bằng tin nhắn thoại WhatsApp mà họ chỉ có thể nghe. Cô Salcero cho biết Brianna rất dễ bị phân tâm khi ở nhà và cô lo lắng năm học này, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12, sẽ có nhiều vấn đề như năm ngoái.

    “Tôi thực sự lo ngại,” bà Salcero nói. "Tình trạng này cần phải chấm dứt để chúng có thể đến trường”.

    Ở các nước nghèo hơn trên toàn cầu, hơn 800 triệu học sinh vẫn chưa được sử dụng máy tính. Tỷ lệ bỏ học cao hơn nhiều ở các nước có thu nhập thấp hơn, có nghĩa là hàng triệu trẻ em sẽ không bao giờ quay lại lớp học.

    Mộc Miên (Theo Wall Street Journal)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-hoa-kinh-hoang-nao-dang-don-cho-the-gioi-sau-khi-covid-19-quet-qua-a501192.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan