+Aa-
    Zalo

    Thảm kịch chìm tàu Titanic: Quy tắc an toàn hải quân là nguyên nhân gây ra tai nạn?

    • DSPL
    ĐS&PL Tàu Titanic có thể đã bị chìm vì một quy tắc an toàn ít được biết đến trước nay chứ không phải hoàn toàn do nguyên nhân trực tiếp đâm vào tảng băng trôi.

    Tàu Titanic có thể đã bị chìm vì một quy tắc an toàn ít được biết đến trước nay chứ không phải hoàn toàn do nguyên nhân trực tiếp đâm vào tảng băng trôi.

    Vụ chìm tàu Titanic khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Ảnh: Getty

    Kể từ khi tàu Titanic chìm trên Bắc Đại Tây Dương ngày 15/4/1912 trong chuyến đi đầu tiên từ Southamton (Vương quốc Anh) tới New York (Mỹ), các nhà sử học đều chỉ ra một nguyên nhân duy nhất là tàu đâm phải tảng băng trôi. Tuy nhiên, một cuốn sách mới xuất bản nhận định rằng con tàu Titanic bị chìm vì quy tắc an toàn hải quân mà trong đó cho rằng tất cả các tàu đều nên rẽ phải để tránh va chạm.

    Cụ thể, nhà báo Senan Molony - người đã nghiên cứu về thảm họa chìm tàu Titanic trong vòng 30 năm tin rằng có nhiều nguyên nhân hơn thế, chẳng hạn như một vụ cháy trong hầm than, tàu bị thiếu nhiên liệu hoặc quyết định rẽ phải của thuỷ thủ đoàn để tránh một tảng băng trôi. Trong cuốn sách mới có tên là “Titanic: Why She Collided, Why She Sank và Why She Should Never Sails” (tạm dịch: Titanic: Tại sao tàu bị va chạm, tại sao tàu chìm và tại sao tàu lẽ ra không nên ra khơi), ông Molony nhận định quyết định rẽ con tàu về phía bên phải là một trong những lý do quan trọng khiến Titanic huyền thoại bị chìm.

    Cụ thể, ông Molony cho rằng sau khi xảy ra hoả hoạn trong hầm chứa than gây thiệt hại nghiêm trọng cho thân tàu, Titanic tiếp tục được điều khiển rẽ phải rồi bị tảng băng trôi đâm vào sau đó. Ông tiết lộ một quy tắc hàng hải ít được biết đến, đó là các tàu phải luôn rẽ phải để tránh xung đột với một tàu khác, có nghĩa là có thể tránh được một vụ tai nạn - giống như quy tắc mà người đi bộ áp dụng - hai người đi về phía nhau trên vỉa hè cũng sẽ không va chạm.

    Tuy nhiên, quy tắc lái tàu có từ những năm 1850 không có tác dụng với tảng băng trôi. Còn thủy thủ đoàn Titanic quyết định vẫn thực hiện quy tắc này. Viết trong cuốn sách của mình, ông Molony giải thích: “Trong trường hợp tài xế đối mặt với xe đầu kéo hoặc xe tải có khớp nối đang lao tới, họ ước tính được chiều dài của chiếc xe phía trước. Tuy nhiên, tảng băng trôi khác với quy tắc lái xe trên bộ vì chúng có thể xuất hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu gặp băng trôi trong bóng đêm và chỉ nhìn thấy phần trước của tảng băng, ta không thể giả định toàn bộ hình thù hay độ lớn của tảng băng phía sau”.

    "Tảng băng có thể nổi phần sườn và làm sao những người trên tàu biết tảng băng sẽ kéo dài về bên nào? Trái hay phải? Để biết quay sáng trái hay phải?”, nhà báo Molony bổ sung.

    Giả thuyết về hình dạng của tảng băng trôi mà Titanic va phải. Ảnh: Getty

    Trên thực tế đã có nhiều tranh luận về kích thước của tảng băng từ những người phát hiện ra con tàu. Thủy thủ Joseph Scarrott cho rằng vật thể gây tai nạn mở rộng sang phía bên phải của Titanic. Lái phụ William McMaster, người chịu trách nhiệm điều khiểu khi con tàu va chạm, nhìn thấy tảng băng, trong khi thuyền phó 4 Joseph Boxhall lại không nhìn thấy.

    Ông Molony tiếp tục: “Quy trình vận hành tiêu chuẩn quy định khi đối mặt với một vật thể ở phía trước có thể khiến tất cả mọi người có thể gặp nguy hiểm buộc phải tránh về bên phải, cho dù không thể xác định được đối tượng đó. Quy tắc này từng được áp dụng trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, yêu cầu các thuỷ thủ phải tiến hành một cách quyết đoán”.

    “Nếu vật cản do con người điều khiển, người đó cũng sẽ tránh tương tự. Nếu không, cú đánh lái cũng sẽ có khả năng tránh va chạm với vật thể tĩnh. Tuy nhiên, khi vật cản có phía bên phải rất dài thì đánh lái về bên phải lại rõ ràng gây ra hậu quả tồi tệ hơn – như trường hợp của Titanic”, nhà báo Molony viết trong cuốn sách.

    Rất có thể phi hành đoàn tàu Titanic đã tuân theo quy tắc rẽ phải ngay khi đối mặt với vật thể đứng im phía trước. Thế nhưng khi họ nhận ra con tàu sắp đâm vào một bức tường băng cực lớn, thủy thủ đoàn phải ra lệnh cho tàu nhanh chóng rẽ sang hướng khác nhưng đã quá muộn.

    Con tàu huyền thoại mãi mãi nằm sâu dưới đáy đại dương. Ảnh: AP

    Ông Molony viết: “Trong kịch bản này, Titanic đã thực hiện đúng quy tắc nhưng lại là một sai lầm khủng khiếp. Thủy thủ đoàn tàu Titanic đã tuân thủ đúng nguyên tắc điều khiển tàu và áp dụng quy trình chuẩn để tránh đâm đầu trực diện. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là quy tắc này lại vô dụng khi đối diện với tảng băng. Nếu thủy thủ đoàn chọn rẽ trái, họ sẽ chắc chắn thoát nhưng họ lại phá vỡ quy tắc xưa - lặp đi lặp lại rằng quy trình vận hành tiêu chuẩn buộc phải rẽ sang mạn phải, không rẽ trái”.

    Ông Molony cũng đồng thời cáo buộc trong cuộc điều tra về vụ va chạm, nhân sự cấp cao trên tàu đã nói dối về chuỗi sự kiện xảy ra, thông đồng với nhau qua mắt công chúng. Họ nói tàu Titanic chỉ rẽ một lần nhưng thực ra tàu đã rẽ hai lần. Những gì thủy thủ đoàn nói mâu thuẫn với nhau.

    Tuy nhiên, quy tắc hàng hàng hải đó chỉ là một trong những lý do khiến con tàu không bao giờ tới được New York. Một vụ cháy trong kho chứa than từ khi tàu còn ở xưởng tại Belfast đã khiến thân tàu Titanic hư hỏng nghiêm trọng. Khu vực bị hỏng lại chính là nơi đâm vào tảng băng trôi.

    Titanic đã bị cháy từ trước khi ra khơi? Ảnh: Getty

    Ông nói rằng nhiệt độ 1.000 độ C làm suy yếu thân tàu đến mức khi Titanic va chạm với một tảng băng trôi – vốn có thể chỉ là một động chạm không đáng kể lại trở thành thảm họa không thể tưởng tượng được. “Ngọn lửa đã làm suy yếu nghiêm trọng bức thân tàu phía trước - bức tường bảo vệ quan trọng trong trường hợp xảy ra ngập nước. Sau đó, khi tàu va vào tảng băng trôi, tất cả những điều tồi tệ đã đến. Vách ngăn bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn đã mất 3/4 sức mạnh do nhiệt độ cao trước đó làm thay đổi thành phần hóa học của thép.

    Hình ảnh chụp tàu Titanic trước khi rời nhà máy đóng tàu Belfast cho thấy nó có vệt đen dài 9 mét dọc thân bên phải. Lính cứu hỏa Titanic Charles Hendrickson sau này đã chứng thực rằng vụ cháy hầm than bắt đầu ở Belfast. Đám cháy trong kho than này khiến tàu Titanic bị tăng áp, di chuyển nhanh hơn. Người ta vẫn nghĩ rằng tàu Titanic đi nhanh vì nhanh chóng muốn tới New York để quảng bá hình ảnh. Trong thực tế, chính đám cháy đã khiến tàu lao nhanh hơn.

    Do đó, tàu Titanic tăng tốc vào một khu vực có nhiều tảng băng trôi, với thân tàu đã yếu đi rất nhiều. Con tàu không thể chuyển hướng xung quanh khu vực vì không có đủ than để chạy trốn đến vùng biển an toàn hơn và để đến đích ở New York sau đó. Ông Malonoy kết luận: “Thay vì chịu cảnh hết than vì đã mang theo quá ít lúc đầu do ảnh hưởng của vụ đình công ngành than quốc gia đầu tiên ở Anh, Titanic chọn cách lao thẳng qua vùng nhiều băng và trở thành thảm kịch”.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Daily Mail)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-kich-chim-tau-titanic-quy-tac-an-toan-hai-quan-la-nguyen-nhan-gay-ra-tai-nan-a270452.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan