+Aa-
    Zalo

    Thâm nhập làng “thủy thủ nhí” kỳ 1: Thuyền trưởng 20 tuổi đã gần 10 năm kinh nghiệm

    • DSPL
    ĐS&PL Con thuyền 500 tấn chở đầy đất cát chòng chành trên sông Hoàng Long, gần đến đoạn ngã ba Gián Khẩu chuẩn bị nhập vào sông Đáy dòng nước siết hơn.

    Con thuyền 500 tấn chở đầy đất cát chòng chành trên sông Hoàng Long, gần đến đoạn ngã ba Gián Khẩu chuẩn bị nhập vào sông Đáy dòng nước siết hơn. Người thủy thủ trẻ  một tay giữ chắc bánh lái, tay kia với cần giảm ga, chân kéo dây rà phanh, con tàu kêu “két két” dần dần đi chậm lại.

    Chúng tôi đến thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình theo sự chỉ dẫn của một người bạn tại địa phương. Đi dọc triền đê từ cầu Gián Khẩu vào vài cây số, ngôi làng nhỏ nằm như một ốc đảo trên sông Hoàng Long.

    Muốn đi vào trong thôn phải từ trên đê xuống bãi sông và qua một lần cầu phao. Khu dân cư nằm chính giữa, những khoanh ruộng lúa nhỏ nhắn bao phủ xung quanh. Các con tàu thuyền lớn nhỏ đỗ xung quanh “hòn đảo”, do đã hết “tháng ăn chơi” nên số lượng tàu tập chung không nhiều.

    Tuổi thơ gắn liền với bánh lái

    Đến ngôi nhà ở ngay đầu làng, N.V.H, một thuyền trưởng thuộc diện “cứng” nhất của thôn ra vui vẻ tiếp đón. Mới 20 tuổi nhưng dạn dày sương gió nên trông H già hơn tuổi nhiều, làn da ngăm đen, ánh mắt sâu hoắm chứa nhiều ưu tư.

    N.V.H trên đường chở một chuyến hàng.

    Biết H. chuẩn bị có chuyến tàu đi Nam Định, chúng tôi ngỏ ý muốn đi theo xem cho biết sông nước, H. nhận lời ngay.

    Lên con tàu tải trọng 500 tấn chở đầy đất khiến thân tàu chìm 2/3 xuống mặt nước, người thanh niên cao khoảng 1m65 nặng cỡ hơn 40 kg tỏ ra nhỏ bé. Hai cánh tay khẳng khiu xoay chiếc bánh lái to tướng, nặng trịch, khiến người xem không khỏi hồi hộp.

    Thấy chúng tôi có vẻ lo lắng, H. tươi cười trấn an: “Các anh yên tâm, em lái gần chục năm rồi không sao đâu, hồi mới lái cũng thấy hơi sợ vì người nhỏ mà điều khiển phương tiện to quá. Bây giờ, em biết “chiêu” rồi, lái vừa nhàn mà lại hiệu quả.”

    Theo H. chia sẻ, việc lái tàu chỉ vất vả nhất lúc ra vào bến, đến khúc sông thẳng chỉ cần giữ hoặc đánh lái chút ít là được. Con tàu được chia thành 3 phần, khoang chở hàng, khoang lái và khoang bếp. Khoang lái khá rộng rãi có vài ba chiếc giường, chỗ ngồi uống nước, ăn cơm như một căn nhà trên sông.

    Sau một hồi hết chỉnh lái trong khoang lại chạy ra hò hét các tàu xung quanh tiến lên, lùi xuống để thoát được khỏi bến. Con tàu đã nằm giữa sông chầm chầm di chuyển đến nơi giao hàng. Chuyển bánh lái lại cho người em trai trạc 13, 14 tuổi giữ, H. ra pha trà mời khách và trầm ngâm kể về hành trình đến với nghề.

    Từ khi học cấp 1, mỗi dịp được nghỉ hè, H. đã cùng gia đình đi thuyền, đến năm 12 tuổi được giao “trọng trách” cầm lái trên những đoạn thẳng. Năm 15 tuổi, sau khi học hết lớp 9, H nghỉ học và chính thức theo nghiệp lái tàu vận tải của gia đình.

    Sau 3 năm cầm lái, H. đã có thể tự mình ra vào bến và phải mất 5 năm kiên trì mới có thể chạy xa một mình. “Lúc bắt đầu em cảm thấy rất khó khăn, nhiều khi chỉ muốn bỏ nhưng nghĩ lên bờ không có bằng cấp chẳng biết làm gì nên đành cố gắng” H. nói.

    Gian nan bám nghề

    Lênh đênh trên tàu cả ngày, H. và người em thay nhau lái, những đoạn khó như sông hẹp hay phải tránh nhau mới cần đổi. “Nghề lái tàu thực chất không nặng nhọc cần sức khỏe chân tay, 3 – 4 tiếng hoặc bất cứ lúc nào cũng có thể đổi lái để nghỉ không giống như lái xe. Nhưng muốn lái được tàu phải có thể chất tốt để không ốm đau, bệnh tật khi trải nắng gió, chạy suốt ngày đêm” H. chia sẻ.

    H. vừa lái tàu vừa chỉ tay cho chúng tôi biết khúc nào nước nông, khúc nào nước sâu, chỗ nào có mô đất phải tránh. Có những chỗ nước chảy siết, phải giảm ga, rà phanh lái lựa theo dòng, H. bảo làm vậy đi vừa nhanh vừa đỡ tốn nhiên liệu.

    Những thủy thủ trên các con tàu đều còn rất trẻ. 

    Đến nơi bốc hàng xong quay về trời cũng đã nhá nhem, lái tàu vào buổi tối mới thật đáng sợ. Không đèn, không biển chỉ dẫn những con tàu chỉ đi bằng kinh nghiệm của người lái. “Tuyến sông này em đi thường xuyên không khó đâu anh ạ! Những tuyến như Việt Trì, Hải Phòng mới vất vả, đường dài, nước cạn, có những khúc sông nhỏ lái phải tập trung hết tinh thần. Có khi phải đi mất 2 ngày/ đêm mới đến nơi.” H. nói.

    Lái tàu đến mức điêu luyện như vậy nhưng khi hỏi đến giấy phép lái tàu H thật thà cho biết vẫn chưa có. H. co rằng tàu mình không chở hàng chất lỏng nên ít bị hỏi đến, nếu có kiểm tra cũng biết “luật” rồi.

    Tại thôn Kênh Gà, không chỉ mình N.V.H phải nghỉ học sớm theo nghề thuyền mà rất nhiều thanh thiếu niên chung cảnh ngộ. Thiếu niên học hết hoặc chưa hết cấp 2 là bỏ học theo gia đình đi thuyền, đa phần không có giấy phép hoặc không đúng hạng với loại tàu mình điều khiển.  Sở dĩ tình trạng này phổ biến vì thu nhập từ hoạt động vận tải đường thủy cho lợi nhuận cao “bước chân lên tàu là có tiền”.

    “Bọn em học hành không đến nơi đến chốn, lên bờ cũng chỉ làm công nhân, lương thấp mà phải tự lo chi phí sinh hoạt. Đi tàu 14, 15 tuổi chỉ phụ mấy việc vặt như giữ lái, buộc dây đã có 4, 5 triệu/ tháng, được lo ăn ở, thẻ điện thoại. Lái cứng thu nhập 1 tháng ít nhất phải 15, 16 triệu. Đi thuyền cũng có thể làm chài lưới nhưng vất vả mà thu nhập chỉ 200 nghìn/ ngày nên bây giờ cũng rất ít người làm” H. nói.

    Các thế hệ thanh thiếu niên tại thôn Kênh Gà dường như không có sự lựa chọn, cứ thế nối tiếp nhau ra nơi con sóng, ngọn gió, bất chấp nguy hiểm rình rập phía trước.

    (Còn tiếp)

    Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về Quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện .thủy nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa

    Điều 22. Đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng

    1. Thuyền viên có GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:

    a) Tàu khách có sức chở trên 100 người;

    b) Phà có trọng tải toàn phần trên 150 tấn;

    c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 500 tấn;

    d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1000 tấn;

    đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này có tổng công suất máy chính trên 400 cv.

    2. Thuyền viên có GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thuyền tr­ưởng của các loại phương tiện sau đây:

    a) Tàu khách có sức chở từ trên 50 người đến 100 người;

    b) Phà có trọng tải toàn phần từ trên 50 tấn đến 150 tấn;

    c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ trên 150 tấn đến 500 tấn;

    d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần từ trên 400 tấn đến 1000 tấn;

    đ) Phư­ơng tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có tổng công suất máy chính từ trên 150 cv đến 400 cv.

    3. Thuyền viên có GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:

    a) Tàu khách có sức chở từ trên 12 người đến 50 người;

    b) Phà có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;

    c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ trên 15 tấn đến 150 tấn;

    d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn;

    đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này có tổng công suất máy chính từ trên 15 cv đến 150 cv.

    4. Thuyền viên có GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau:

    a) Phương tiện chở khách ngang sông có sức chở đến 50 người;

    b) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;

    c) Phương tiện có công suất máy chính đến 50 cv.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-nhap-lang-thuy-thu-nhi-ky-1-thuyen-truong-20-tuoi-da-gan-10-nam-kinh-nghiem-a223470.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan