+Aa-
    Zalo

    Thâm nhập làng “thủy thủ nhí” kỳ 2: Hiểm họa từ những lái tàu tuổi teen

    ĐS&PL “Thuyền trưởng” N.V.H. chia sẻ về những mối nguy hiểm khi cầm lái ở độ tuổi quá nhỏ và những bất cập trong cuộc sống làng nghề tàu thuyền vận tải.

    “Thuyền trưởng” N.V.H. chia sẻ về những mối nguy hiểm khi cầm lái ở độ tuổi quá nhỏ và những bất cập trong cuộc sống làng nghề tàu thuyền vận tải.

    Suýt chết vì đắm tàu

    Vừa nhâm nhi tách trà nóng trên tàu, H. kể lại lần “chết hụt” vẫn còn ám ảnh cậu đến tận bây giờ. Năm ấy H. mới 17 tuổi, trải qua 2 năm cầm lái, trình độ mới ở mức có thể ra vào bến. Sau khi nhận các chuyến hàng, cả gia đình gồm bố mẹ đi cùng để hỗ trợ kỹ thuật và thay nhau lái.

    Một lần gia đình có việc gấp, bố mẹ phải ở nhà trong khi đã trót nhận chuyến hàng. Nhận thấy hàng không quá nặng và điểm đến gần nên H. xung phong đi một mình.

    Những con tàu trên sông Hoàng Long.

     Khởi đầu khi H. di chuyển trên sông Hoàng Long quen thuộc, công việc khá thuận lợi. Khi qua cầu Gián Khẩu gần đến khu vực cầu Khuất lúc này đang xây dựng nên xung quanh còn ngổn ngang, các tàu di chuyển qua đây phải rất cẩn thận.

    Do tay lái mới, thiếu kinh nghiệm, tàu của H. sau khi qua cầu vướng phải một mô đất ngầm dưới lòng sông dẫn đến mất lái. Cậu bé lập tức rơi vào trạng thái hoảng loạn và chưa biết xử lý thế nào. Ngay lúc đó, một chiếc tàu đẩy cũng đang di chuyển qua đánh lái cua ngang sông khiến tàu của H. bị hết luồng để chạy.

    Khúc sông hẹp, vướng mô đất, mất lái, chân tay luống cuống, tàu của H. bị quẹt vào chiếc tàu đẩy khiến thân tàu bị thủng một mảng lớn nước tràn vào trong. May sao bên trong lớp vỏ vẫn còn một lớp ngăn nữa chưa bị thủng, tàu tạm thời chưa đắm nhưng bị mắc kẹt lại giữa sông.

    Sau một hồi loay hoay và được sự giúp đỡ của những người dân xung quanh, tàu của H. mới thoát được khỏi và tiếp tục di chuyển đến điểm giao hàng ở Nam Định. Đổ hàng xong, thân tàu nhẹ và nổi lên nên vết thủng không còn đáng ngại nhưng khi H. lái về vẫn “nơm nớp” trong lòng.

    “Giờ nghĩ lại nhiều lúc vẫn hãi anh ạ! Nếu tàu mà chìm chắc mình chết. Thấy sự cố như thế dù biết bơi cũng không dám bỏ tàu thoát thân, phải cố bám trụ nghĩ cách giải quyết. Cả gia đình 5 miệng ăn trông chờ vào con tàu mấy tỉ đi vay lãi ngân hàng, bỏ chạy không chỉ mình chết mà cả nhà chết” H. trầm tư chia sẻ.

    H. cũng cho biết thêm là do đặc thù vận tải đường thủy tai nạn ít, chỉ xảy ra va quẹt hay mắc cạn đối với lái mới là chủ yếu, hiếm khi xảy ra chết người nên dễ sinh tâm lý chủ quan.

    “Nhà làm tàu mà sinh con gái thì lỗ to”

    Đi một vòng quanh thôn Kênh Gà, thấy hầu hết các gia đình đều đông con, trung bình mỗi hộ đều có 3, 4 cháu. Hỏi thì H. cười nói: “Nhà người ta cố đẻ con trai đấy anh ạ. Nhà làm tàu không đẻ được con trai thì lấy ai nối nghiệp?”

    Theo H., nhà nào đẻ được con trai xác định chỉ vất vả trong khoảng 15 đến 20 năm. Sau khi con 15 tuổi, học xong lớp 9 thì nghỉ học theo nghiệp tàu thuyền đến năm 20 tuổi cứng nghề có thể tự lo cho bản thân và gia đình.

    Nếu sinh con gái phải lo lâu dài hơn và nếu học được lên cao lại càng vất vả và công việc chưa chắc đã ổn định. Tâm lý chung của người dân ở đây là con gái cứ đến tầm 18 tuổi là bắt đầu giục lấy chồng cho yên ổn. Năm vừa rồi H. cũng vừa lấy vợ và sinh được một con trai nên cậu cho biết, bây giờ cũng đã có thể “thở phào nhẹ nhõm”.

    “Cả thôn có hàng trăm hộ, trung bình mỗi nhà có vài ba chiếc thuyền, mỗi chiếc do một người con trai quản lý. Nhà nhiều nhất có 6 chiếc thuyền do 6 người con trai làm chủ. Con gái phải lấy chồng mới đi theo thuyền được chứ không thể tự mình đứng ra. Vợ em nhà ở bên kia đê cũng chưa bao giờ biết sông nước là gì nhưng bây giờ thì quen rồi”, H. tâm sự.

    Mặc dù vẫn có suy nghĩ cổ hủ như vậy nhưng H. cũng cho biết nếu con mình học được cả gia đình sẽ cố gắng phấn đấu cho cháu học hành đến nơi đến chốn.

    “Nhiều lúc lái tàu, em nhìn lên hai triền đê thấy chúng bạn cùng trang lứa chạy nhảy nô đùa, cắp sách đến trường trong khi mình phải cầm bánh lái cũng thấy tủi thân lắm nhưng cuộc sống của mình không có sự lựa chọn.

    Lặn lội sông nước vất vả lắm anh ạ! Nếu cháu nó có hy vọng đổi khác em cũng cố gắng hy sinh dù hoàn cảnh khó khăn thế nào”, H. ôm con nói. Có thể nhận thấy, trong ánh mắt đầy tình yêu thương của một người cha, dường như sương gió sông nước làm con người ta trở nên già dặn và ưu tư hơn. Không biết trước thì khó tin được “người đàn ông” này mới chỉ hơn 20 tuổi mấy ngày.

    Lao động trẻ lái tàu không được đào tạo chính quy, không bằng cấp ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm cho xã hội, dân số gia tăng “chóng mặt” kèm theo tình trạng mất cân bằng giới tính. Những bất cập tại thôn Kênh Gà, xã Gia Viễn, huyện Gia Thịnh, tỉnh Ninh Bình vẫn đang chờ lời giải đáp.

    (Còn tiếp)

    Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông trong năm 2 năm 2016 – 2017 xảy ra 183 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 63 người, bị thương 32 người. Trong đó, vụ tai nạn nghiêm trọng nhất nằm trên tuyến sông Hồng, khu vực xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư).

    Khoảng 15h30 ngày 4/7/2018, xảy ra tai nạn đường thủy giữa tàu NB 2434 do Trần Văn Tuấn (SN 1975), ở thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (Gia Viễn, Ninh Bình) điều khiển với tàu NB 6913 do Phạm Văn Hiến (SN 1990), ở xã Trung Phong (huyện Trường Yên, Ninh Bình) làm thuyền trưởng đi cùng chiều. Hậu quả, 4 người trong gia đình ông Trần Văn Tuấn thiệt mạng. 

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-nhap-lang-thuy-thu-nhi-ky-2-hiem-hoa-tu-nhung-lai-tau-tuoi-teen-a223721.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan