Thâm nhập phòng khám “chui” “vẽ” ra bách bệnh moi tiền bệnh nhân


Thứ 4, 02/05/2018 | 02:22


Không giấy phép hoạt động, trang thiết bị khám chữa bệnh không có, không mặc áo ngành y..., ngang nhiên phán bệnh, bốc thuốc moi tiền bệnh nhân.

Không giấy phép hoạt động, trang thiết bị khám chữa bệnh không có, không mặc áo ngành y..., ngang nhiên phán bệnh, bốc thuốc moi tiền bệnh nhân, đó là những gì diễn ra thường xuyên tại nhà ông Thành ở Chương Mỹ, TP.Hà Nội.

Bệnh nào cũng chữa khỏi?

Sau nhiều ngày âm thầm tìm hiểu, nhập vai là một người bệnh, PV đã thâm nhập vào phòng khám tư nhân của một bác sĩ (tự xưng) Nguyễn Văn Thành, tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội để tìm hiểu về việc khám chữa bệnh. Tại đây, nhiều người dân đã qua tay vị “bác sĩ” này để rồi "tiền mất, tật mang", bệnh vẫn hoàn bệnh.

Quyền lợi tiêu dùng - Thâm nhập phòng khám “chui” “vẽ” ra bách bệnh moi tiền bệnh nhân

Phòng khám của "bác sĩ" Thành thăm khám cho nhiều bệnh nhân.

PV báo có mặt tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, khi được hỏi về phòng khám “chữa được bách bệnh” của “bác sĩ” Thành, người dân đều tỏ ra ngạc nhiên, bất ngờ và băn khoăn không hiểu sao lại có nhiều người đến khám bệnh tại nhà ông Thành như vậy.

Theo chỉ dẫn của người dân, đi sâu vào trong thôn Phú Vinh, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà khang trang, nơi được gọi là phòng khám bệnh của ông Thành. Thế nhưng, điều khiến chúng tôi kinh ngạc chính là, trước cổng phòng khám không có biển hiệu khám chữa bệnh nhưng phía bên trong nhà lúc nào cũng có gần chục người bệnh, ăn, ngủ nghỉ tại đây.

Những ngày thâm nhập tại phòng khám của vị “bác sĩ” tự phong là chữa “bách bệnh” để chữa bênh, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều bệnh nhân thuộc đủ mọi lứa tuổi, người già, trẻ nhỏ đều tìm đến đây để chữa bệnh.

Quyền lợi tiêu dùng - Thâm nhập phòng khám “chui” “vẽ” ra bách bệnh moi tiền bệnh nhân (Hình 2).

Căn phòng chứa nhiều hộp bìa carton nghi là thuốc chữa bệnh của "bác sĩ" Thành.

Những người đến khám bênh nếu nhà ở gần thì sẽ được “bác sĩ” Thành phát thuốc rồi về nhà điều trị, còn bệnh nhân ở xa, ông Thành bố trí cho ở tại một phòng riêng biệt. Các bệnh nhân tự nấu ăn và ngủ chung với nhau trong suốt thời gian chữa bệnh.

Điều đáng nói, mỗi khi có người bệnh đến nhà, “bác sĩ” Thành có chung một hành động và cử chỉ để trấn an và “tuyên bố” với bệnh nhân là bệnh nào cũng chữa khỏi, kể cả những trường hợp ca bệnh nặng bệnh viện lớn trả về. Những người đến đây khám chữa bệnh, nếu nhẹ thì sẽ phải điều trị từ 1 - 2 tuần, nặng thì 1 tháng.

Ghi nhận của PV, phòng khám của “bác sĩ” rộng khoảng hơn 20 mét vuông. Trang thiết bị khám chữa bệnh là 2 chiếc giường bệnh và 2 chiếc tủ nhôm kính bên trong đựng nhiều loại thuốc khác nhau. Bên trong phòng khám này còn được gắn camera theo dõi, phía dưới nền có trải chiếu xung quanh.

Quyền lợi tiêu dùng - Thâm nhập phòng khám “chui” “vẽ” ra bách bệnh moi tiền bệnh nhân (Hình 3).

Thuốc chữa bệnh vứt xuống nền phòng khám.

Hàng ngày, ngoài “bác sĩ” Thành trực tiếp tiến hành khám chữa bệnh, tư vấn và tiêm thuốc cho bệnh nhân còn có hai người đàn ông giúp việc và thực hiện việc mát xa, thay băng, truyền nước cho các bệnh nhân một cách nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp.

Mặc dù trực tiếp khám, chữa và tiêm thuốc cho bệnh nhân nhưng “bác sĩ” Thành không mặc trang phục của bác sĩ, không đeo gang tay. Cách chữa bệnh của “bác sĩ” Thành cũng không theo một quy chuẩn nào, bệnh nhân đau ở đâu sẽ được tiêm ở đấy.

Không giấy phép nhưng vẫn tiến hành khám chữa bệnh

Kinh ngạc nhất là việc khám chữa bệnh không theo tiêu chuẩn của ngành Y tế, nhưng vẫn có rất nhiều người bệnh “nhẹ dạ cả tin” tìm đến đây đều được “bác sĩ” Thành vẽ ra đủ thứ bệnh mà bản thân người nhà bệnh nhân đều cảm thấy lo lắng, bất an.

Quyền lợi tiêu dùng - Thâm nhập phòng khám “chui” “vẽ” ra bách bệnh moi tiền bệnh nhân (Hình 4).
Tất cả những người bệnh đều có chung một phương pháp chữa bênh. 

Như trường hợp bà Nguyễn T.V. (xã Tam Thuấn, Phúc Thọ, Hà Nội) hay bị chóng mặt, đau đầu, “bác sĩ“ Thành khám xong đã phán: Bị viêm xoang và vôi hóa đốt sống cổ. Bà Vinh phải ở lại 10 ngày để “bác sĩ” Thành tiến hành chọc xoang. Do tin lời “bác sĩ” Thành, bà Vinh chỉ biết phó mặc số phận ở lại để chữa bệnh.

Là người bệnh được “bác sĩ” Thành trực tiếp thăm khám chữa bệnh, bà Vũ T.H. (quê Phúc Thọ, TP.Hà Nội) cho biết, sau khi đi khám ở bệnh viện Nội tiết Trung ương, tôi được chẩn đoán bị bệnh bướu thể nhân thùy giáp 2 bên, do phải uống nhiều thuốc kháng sinh nên thể trạng mệt mỏi, mất ngủ.

“Khi được một người quen giới thiệu, tôi mang theo phiếu kết quả chụp chiếu tại bệnh viện Nội tiết Trung ương đến nhà “bác sĩ” Thành để khám thì lại được tư vấn phải qua một phòng khám có địa chỉ tại Hà Đông", bà H. kể.

Bà H. hoang mang chia sẻ: “Trái với kết quả của bệnh viện Nội tiết Trung ương, “bác sĩ” Thành phán rằng, tôi bị 11 loại bệnh gồm viêm xoang, viêm phế quản, viêm khớp áng chậu, viêm đại tràng co thắt, viêm trợt hang vị dạ dày, viêm cổ sứ áng có polyp, viêm đường tiết niệu, vôi hóa L4-L5-S1, đái tháo đường típ II, vôi hóa đốt sống cổ C4- C5- C6, u bướu tuyến giáp hai bên”.

Quyền lợi tiêu dùng - Thâm nhập phòng khám “chui” “vẽ” ra bách bệnh moi tiền bệnh nhân (Hình 5).
Đơn thuốc của "bác sĩ" Thành kê cho một bệnh nhân có giá 26 triệu đồng.

Sau khi “vẽ” ra thêm 11 loại bệnh, “bác sĩ” Thành tuyên bố luôn số tiền điều trị cho từng loại bệnh rồi yêu cầu người nhà đóng trước nửa số tiền và cam kết điều trị đúng 1 tháng sẽ khỏi. Mặc dù người thân đã ngăn cản, nhưng vì quá tin lời vị “bác sĩ”, bà H đã tự nguyện nộp tiền và rồi “ngậm trái đắng”.

Bức xúc về cách chữa bệnh của ông Thành, anh Đỗ Q.T., con trai bà Vũ T.H. cho biết, sau 1 tháng mẹ tôi ở lại nhà “bác sĩ” Thành, gia đình đã nộp số tiền 26 triệu đồng cho ông Thành, nhưng khi yêu cầu ông Thành cung cấp hóa đơn, ông lại tỏ vẻ khó chịu rồi bảo chữa bệnh phải có “tâm”. Nghiêm trọng hơn, sau 1 tháng điều trị tại nhà “bác sĩ” Thành, bà H. có dấu hiệu phù thũng, khi gia đình thắc mắc thì “bác sĩ” Thành bảo do bệnh nhân béo lên!?. Lo lắng, gia đình đưa bà H. đi khám lại thì... bệnh vẫn hoàn bệnh.

Để tìm hiểu về hoạt động khám chữa bệnh của ông Thành, trao đổi với PV, ông Hoàng Gia Vinh, Trạm trưởng trạm Y tế xã Phú Nghĩa khẳng định: "Phòng khám chữa bệnh ông Nguyễn Văn Thành không có giấy phép hoạt động, ông Thành không có chứng chỉ hành nghề. Trước đây, ông Thành có học trung cấp y sỹ và làm thuê cho một phòng khám ở Hà Đông.

Nhiều lần, y tế thôn Phú Vinh và tổ vệ sinh môi trường đi thu gom rác thải, phát hiện túi có băng gạc dính máu tại khu vực gần nhà ông Thành rất ảnh hưởng đến môi trường. Việc này, chúng tôi đã cáo với lãnh đạo UBND xã nhưng vẫn chưa có đợt kiểm tra nào".

                                                                              Hiếu Anh/Nguoiduatin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-nhap-phong-kham-chui-ve-ra-bach-benh-moi-tien-benh-nhan-a228188.html