+Aa-
    Zalo

    Thẩm phán xử đại án Oceanbank: Phiên tòa công khai nên không có "vùng cấm"

    • DSPL
    ĐS&PL "Đây là phiên tòa công khai, chẳng có vùng cấm nào với HĐXX. HĐXX chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc kết luận sự thật, về sự đúng đắn" - Thẩm phán Trương Việt Toàn n
    "Đây là phiên tòa công khai, chẳng có vùng cấm nào với HĐXX. HĐXX chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc kết luận sự thật, về sự đúng đắn" - Thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

    Theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, sáng nay (11/9), tại phiên xét xử đại án Oceanbank, luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục đề nghị HĐXX cho được hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại tòa, ông Trần Anh Hùng.

    Với hàng loạt các câu hỏi luật sư đưa ra: Trước khi mua áp đặt Ngân hàng Đại Dương, NHNN có gửi báo cáo kiểm toán cho các cổ đông lớn hay không?; Ông cho biết trước khi họp hội đồng cổ đông, ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức kiểm toán để kiểm soát theo yêu cầu của NHNN hay không? ... ông Hùng đã từ chối trả lời vì cho rằng đã từng trả lời vấn đề trên.

    Vị luật sư bào chữa cho Thắm dẫn tài liệu mà ông thu thập được về 2 văn bản kiểm toán của NHNN có cùng số, cùng ngày nhưng đối lập về nội dung. Theo đó, một văn bản nội dung gửi cho các cổ đông có nội dung từ chối kết luận tài chính, văn bản thứ 2 nêu việc Oceanbank âm 14.000 tỷ đồng.

    Ông Thiệp cho rằng, theo quyết định 48 của Chính phủ, về nguyên tắc NHNN phải chuyển báo cáo tài chính này tới cho hội nghị cổ đông để cổ đông biết thực trạng về tài chính ngân hàng Oceanbank. "Câu hỏi tôi hỏi thì ông từ chối, tài liệu đây ông cũng từ chối trả lời. Ông cho biết có 2 báo cáo kiểm toán này không?", ông Thiệp nói. Ông Hùng khẳng định việc NHNN mua lại Ngân hàng Đại Dương tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

    Tham gia phiên tòa, ông Trần Anh Hùng - Đại diện NHNN từ chối trả lời nhiều câu hỏi - Ảnh: An ninh Thủ đô

    "Vậy các ông có tuân thủ theo quyết định 48 này không", luật tư Thiệp hỏi.

    "Tôi xin phép không trả lời”, ông Hùng sau đó đáp.

    Thẩm phán Toàn chen ngang, nhắc nhở vị đại diện NHNN: Tôi lưu ý ông Hùng rằng trình tự, thủ tục mà NHNN mua lại Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng là thuộc phạm vi vụ án khác. Còn trình tự, thủ tục thực hiện quyết định 48 của Chính phủ thì không thuộc phạm vi vụ án nào.

    Nghe phần nhắc nhở của HĐXX, luật sư Thiệp tiếp lời: Theo Điều 10, Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự: Ngoài chứng minh có hay hành vi pham tội thì phải làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội cũng như các nhưng tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trong vụ án. Luật sư cho rằng các câu hỏi mình đặt ra liên quan đến góc độ tài chính và hỏi HĐXX nếu ông muốn tìm hiểu về vấn đề tài chính thì có "vùng cấm" không?

    Trả lời cho vị luật sư, thẩm phán Toàn nói đây không phải phần tranh luận và tất cả các vấn đề luật sư đặt gia hãy tranh luận với VKS và đấy là nguyên tắc. "Chứng minh tội phạm, chứng minh mức độ phạm tội hay tăng nặng giảm nhẹ không nằm ngoài giới hạn mà VKS truy tố", ông Toàn giải thích.

    "Đây là phiên tòa công khai, chẳng có vùng cấm nào với HĐXX. HĐXX chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc kết luận sự thật, về sự đúng đắn. Lưu ý các vị luật sư là không có vùng cấm nào ở đây, không ai cấm được HĐXX".

    Các "sếp" Lọc hóa dầu Bình Sơn chối nhận 19 tỷ đồng của Oceanbank

    Theo báo Dân trí, tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Thu, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank giữ nguyên lời khai là đã vào Quảng Ngãi để gặp 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Những lần đi đó đều có bị cáo Phan Thị Tú Anh, nguyên Giám đốc Oceanbank chi nhánh Quảng Ngãi đi cùng.

    Tại toà, bị cáo Phan Thị Tú Anh cũng thừa nhận việc này, đồng thời khẳng định không có chuyện bị cáo Thu nhờ chuyển tiền đưa cho lãnh đạo công ty lọc hóa dầu Bình Sơn ngoài một lần từng chuyển một phong bì cho ông Phạm Xuân Quang, kế toán trưởng công ty.

    Trước những lời tố trên, ông Phạm Xuân Quang khẳng định “Đây hoàn toàn là lời khai 1 phía. Tôi không nhận khoản chăm sóc khách hàng nào từ phía cán bộ ngân hàng Oceanbank”.

    Khi HĐXX đặt câu hỏi: "Vậy bị cáo Thu khai 7, 8 lần qua cơ quan anh để làm gì?". Ông Quang cho biết đó là những lần công ty có sự kiện, các khách hàng trong ngành, trong đó có Oceanbank vào trong đó giao lưu.

    Phiên tòa sáng 11/9 - Ảnh: VOV

    Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng khẳng định: “Trong khoảng thời gian 2011-2014, tôi không nhận khoản tiền nào từ ngân hàng Oceanbank. Trong suốt thời gian này, có 1 vài lần vào những dịp thành lập, kỷ niệm công ty, tôi có gặp chị Thu và anh Sơn nhưng tôi không nhận khoản tiền chăm sóc khách hàng nào”.

    Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc cho biết, ông phụ trách mảng tài chính kế toán, kế hoạch. Thời điểm cao điểm nhất, công ty gửi vào Ngân hàng Oceanbank khoảng 1.000 tỷ đồng và thấp nhất là 2 tỷ đồng.

    Liên quan đến việc chi lãi ngoài, HĐXX nhắc lại lời khai của bị cáo Thu đưa mỗi lần 300-500 triệu nhưng ông Tùng phủ nhận và nói rằng đây chỉ là lời khai một chiều.“Cá nhân tôi không có nhận bất kỳ một khoản lãi ngoài nào từ chị Thu hay cán bộ Oceanbank”, ông Tùng nói.

    Tương tự, ông Đinh Văn Ngọc, Tổng Giám đốc công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng khẳng định lời khai đó là không chính xác, bịa đặt. "Tôi chịu trước trách nhiệm trước pháp luât về lời khai của mình. Tôi đề nghị tòa xem xét bị cáo này hành vi vu khống theo quy định của pháp luật”.

    Trước ý kiến cả 4 “sếp” của công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn đều phủ nhận việc nhận tiền của Thu thì bị cáo Thu vẫn giữ nguyên lời khai. Chủ tọa Trần Nam Hà hỏi bị cáo Thu có nhận được mặt của 4 vị lãnh đạo này không? Thu khẳng định vẫn còn nhớ mặt.

    Theo đó, Chủ toạ Trần Nam Hà đã đề nghị 4 lãnh đạo công ty Lọc hoá dầu đứng dậy để bị cáo Thu nhận mặt và bị cáo Thu xác nhận đúng những người này.

    Cùng đưa tin về diễn biến phiên tòa, TTXVN thông tin thêm, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa tham gia thẩm vấn đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

    Công tố viên đặt vấn đề: Năm 2009-2010, PVN có văn bản yêu cầu các tổng công ty, công ty con của Tập đoàn phải gửi tiền và sử dụng các dịch vụ của OceanBank dựa trên cơ sở nào?

    Đại diện PVN cho biết: Thực hiện thỏa thuận giữa OceanBank và PVN sau khi trở thành cổ đông chiến lược. PVN không có văn bản nào ép buộc sử dụng mà chỉ là khuyến nghị, căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên.

    Đại diện Viện Kiểm sát cho biết có văn bản ngày 22/6/2009, do Tổng Giám đốc PVN ký yêu cầu đối với các công ty, tổng công ty thành viên. Theo Viện Kiểm sát, văn bản hành chính này như yêu cầu bắt buộc. Như vậy, việc tập trung mọi nguồn lực, nguồn vốn vào một tổ chức tín dụng có cản trở sự độc lập của tổ chức thành viên và tiềm ẩn sự rủi ro không?

    Đại diện PVN trả lời: Yếu tố bắt buộc không có, văn bản mang tính đề nghị nên quyền tự chủ thuộc các đơn vị thành viên.

    Cơ quan công tố tiếp tục khẳng định, văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên lệ thuộc, yêu cầu thực hiện và báo cáo kết quả trước 15/10/2010. Việc gửi tiền vào OceanBank thực tế đã xảy ra rủi ro khi 100% thành viên đổ tiền về OceanBank.

    Về vấn đề này, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, theo pháp lệnh, công văn chỉ có tính hướng dẫn và trong công văn đó có chữ “đề nghị”. Đồng thời, nhấn mạnh: “Phạm vi phiên tòa này không xem xét vấn đề đó vì nội dung công văn thuộc nội bộ của PVN. Trứng không bao giờ bỏ cùng một giỏ”.

    Tòa nghỉ đến hết ngày 13/9. Ngày 14/9, phiên tòa sẽ chuyển sang phần tranh tụng.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-phan-xu-dai-an-oceanbank-phien-toa-cong-khai-nen-khong-co-vung-cam-a201578.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan