+Aa-
    Zalo

    "Thần y" miệt vườn bó xương bằng… gà con sống

    • DSPL
    ĐS&PL Sáng, thầy bóp cổ gà, giã ra thành bột bó xương cho bệnh nhân. Chiều, thầy làm lão nông miệt vườn chân lấm tay bùn thứ thiệt. Đêm, thầy gõ mõ tụng kinh niệm Phật.

    Sáng, thầy bóp cổ gà, giã ra thành bột bó xương cho bệnh nhân. Chiều, thầy làm lão nông miệt vườn chân lấm tay bùn thứ thiệt. Đêm, thầy gõ mõ tụng kinh niệm Phật. Thầy là “thần y” đang nổi tiếng với bài thuốc chữa bệnh bằng… gà con sống nức tiếng miền Tây.

    Giáp mặt "thần y"

    Hỏi thăm ông Nguyễn Thanh Chương thì không ai biết, nhưng hễ nói đến biệt tài chữa bệnh bằng cách bó xương với "nhân gà con sống" của thầy Mười Chương thì cả xóm đều tỏ tường. Nhà thầy nằm cuối con đường mương nhỏ thuộc ấp Vạn Phước (Mỹ Lệ - Cần Đước - Long An). Lâu nay, bá tánh mê muội từ các nơi xa gần đều tìm đến nhà thầy để chữa bệnh. Thầy chữa được các loại bệnh, nhưng thần diệu nhất vẫn là bí quyết bó xương bằng "nhân gà con sống".

    Một người dân chúng tôi hỏi thăm bên vệ đường mách rằng, thầy chỉ chữa buổi sáng thôi, buổi chiều thầy bận làm vườn. Họ khuyên chúng tôi đi về, sáng mai quay lại. Chúng tôi ở xa, chẳng lẽ đến rồi lại ra về tay không. Đành liều vào năn nỉ thầy xem thế nào. Chúng tôi vừa bước vào cổng đã đụng mặt thần y Mười Chương đang vật lộn với đám đất ngoài vườn.

    Thầy nhìn chúng tôi tỏ vẻ dò xét rồi hỏi: "Tìm ai thế?". Da,å chúng con tìm thầy Mười Chương ạ. Con đến chữa bệnh ạ" - tôi nói. Thầy nhanh nhảu phủi tay vào quần, ngoắc chúng tôi vào nhà. Thầy bảo, đáng ra chiều nay thầy không làm việc, nhưng thấy các con tội nghiệp, thầy chiếu cố. Từ sáng giờ thầy oải lắm rồi, chữa cho mấy con bệnh nặng từ xa đến, tốn bao nhiêu sinh khí và "nhân gà". Thầy giơ tay ra hiệu cho các con bệnh chờ giây lát, để thầy đi vào trong có việc.

    ''Thần y'' Mười Chương đang thăm khám xương tay cho con bệnh.

    Lát sau, thầy bước ra quần dài, áo rộng, đúng với dáng dấp một thần y nức tiếng. Vẫn chưa tin tưởng lắm, thầy đảo mắt lướt nhìn chúng tôi một lượt rồi nhẹ nhàng hỏi: "Ai mách các con đến đây tìm thầy?''. Nghe mấy cô bác ở thành phố Hồ Chí Minh mách, họ nói thầy mát tay lắm. Chữa đau xương chỉ có nhất thôi - tôi nói.

    Thầy ngồi im, tay vân vê các ngón, miệng lẩm bẩm điều gì. Cứ tưởng thầy phát giác, chúng tôi hơi lo nhưng rồi thầy chợt nhoẻn miệng cười vô cùng đắc ý: "Thầy chữa biết bao nhiêu con bệnh, làm sao thầy nhớ hết được".

    Thầy bắt đầu khoanh chân, vẻ mặt đanh lại nghiêm trang. Thầy cầm tay tôi lắc lư vặn vẹo một lúc rồi bẻ "hựa" một cái. Thầy hỏi: "Con thấy đau không?''. Con bệnh nhăn nhó, thầy bẻ thêm phát nữa thì phát ra tiếng kêu oai oái. Thầy phán chắc như đinh đóng cột: "Nó đây, bị trật chỗ này, thầy cầm là biết liền". Thầy hỏi có mang theo hồ xơ của bệnh viện không? Như X - quang, CT chẳng hạn. Nói không có, thì thầy xua tay ra chiều thông cảm: "Mấy cái đó cũng không cần thiết, hôm sau mang tới thầy xem cũng được".

    Cái quan trọng bây giờ là phải kiếm được hai con gà con sống, nhưng giờ này thì chợ tan họp hết rồi. Không kiếm ở đâu ra được. Ý thầy là muốn chúng tôi đi tìm mua gà con về cho thầy chữa. Cảm thấy khó khăn, thầy trấn an: "Thôi được, bây giờ thầy còn thuốc dự trữ, đắp cho con tạm vậy. Lần sau tới nhớ mua theo gà con sẵn, mà tới buổi sáng thôi nghen". Trước khi bó thuốc cho bệnh nhân, thầy vội kéo lấy cánh tay tôi rồi bảo: "Đi theo thầy lại bàn thờ tổ làm lễ, như thế thì bệnh mới nhanh khỏi được".

    Thầy đưa cho tôi một nén nhang, thầy miệng lầm bầm khấn vái bằng ngôn ngữ gì mà chúng tôi nghe cứ như vịt nghe sấm. Thầy ngoắc tay ra dấu cho tôi làm theo động tác của thầy, khấn vái cho đúng với nghi thức sau mỗi một hồi chuông. Xong lễ, thầy nháy mắt bảo với tôi: "Được rồi, bây giờ con cứ thoải mái đặt lễ vật đi, tùy tâm con". Nói rồi, thầy chỉ vào những đồng tiền có mệnh giá 100.000 đồng kèm một số phong bì đặt sẵn trên bàn thờ tổ. Để tỏ lòng thành tâm, chúng tôi đành theo cúng tổ 100.000 dưới trước hai con mắt thao láo của vị thần y.

    Gạc băng bên trong có chứa nhân gà con được xem là phương thuốc bí truyền.

    Xong công đoạn đặt lễ, thầy dẫn chúng tôi ra phía ngoài nhà để thực hiện công đoạn băng bó. Đầu tiên, thầy nhúng chiếc muỗng nhôm vào thau nước nóng rồi cạo cạo vài cái trên cánh tay đau của tôi. Tiếp đó, thầy tiếp tục bẻ tay qua trái, qua phải rồi hất lên cao, kéo xuống thấp... Cánh tay tôi thầy giày vò cho nát nhừ. Nghe tôi kêu đau, thầy trấn an: "Sẽ hết đau ngay thôi, giờ thầy sẽ bó thuốc cho con".

    Nói rồi, thầy quay sang cái hũ đựng một chất bột nhầy nhụa, sền sệt màu đen như cháo, thầy dùng tay quệt nó bôi lên cánh tay của tôi rồi lấy gạc trắng cuộn lại. Vừa bó thầy vừa giải thích: "Đây là gà con mà thầy đã làm nhuyễn sẵn, trộn với rượu trắng rất công hiệu". Thầy bắt đầu bó thuốc một cách cẩn trọng, chợt thấy một vài con giòi nhỏ bò lổm ngổm từ trong lớp thuốc ra, tôi thoáng rùng mình nhưng thầy đã vội phán: "Không sao đâu, nó chết mẹ bây giờ ấy mà".

    Bó bột bằng phương thuốc bí truyền với nhân gà con của thầy, cánh tay tôi nóng bỏng, như có kiến đốt bên trong. Thấy con bệnh đang nghiến răng chịu đựng, mặt mũi bơ phờ thì thầy xua tay giải thích: "Đó là thuốc bắt đầu ngấm vào rồi đấy. Như thế mới hiệu quả được. Mấy ngày sau, con có thấy đoạn ở dưới cổ tay sưng đỏ lên thì nó là hiện tượng bình thường thôi".

    Hướng dẫn con bệnh làm lễ trước khi chữa.

    Theo lời thầy dặn, sau khi đã ngấm bài thuốc bó của thầy rồi thì không cần dùng thêm bất kỳ loại thuốc tây, ta nào nữa. Sẽ khỏi tiệt thôi. Thầy dặn chúng tôi như một đứa trẻ con sau khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một ít để về nhà tự chữa: "Thuốc này chính tay thầy bó mới được. Con mà đem về là mang họa vào thân đó". Trước khi ra về, thầy dặn dò chúng tôi thật tỉ mỉ: "Chút nữa chạy về, con ghé qua mua một chai rượu gạo dùng dần, cứ khoảng hai tiếng là tháo lớp băng ngoài ra rồi lấy rượu tưới lên trên bề mặt cho ngấm thuốc. Ngày nào cũng vậy, chừng 5 ngày sau quay trở lại đây thầy mở ra bó lại thuốc mới. Cánh tay của con bó chừng ba lần là khỏi ngay thôi".

    Ngồi lân la hỏi thầy về phương thuốc bí truyền, thầy không ngần ngại chia sẻ và vô cùng tự hào khi nhắc về nó: "Đây là bài thuốc gia truyền từ thời cha thầy để lại. Mấy năm nay rồi, số người thầy chữa khỏi không biết bao nhiêu mà kể. Những người đau xương khớp kinh niên mà còn khỏi cơ mà".

    Thầy chỉ chữa buổi sáng thôi, còn chiều thầy bận đi làm ruộng vườn. Đáng lẽ thầy sẽ hẹn con sáng mai quay lại nhưng vì ở xa đến nên thầy mới châm chước cho. Thầy vỗ ngực khoe, con cái thầy đều thành đạt, làm việc ở trên thành phố cả. Chúng đều có nhà cửa, nói chung là khá giả. Thầy chữa bệnh không phải để kiếm miếng cơm manh áo, công việc chữa bệnh của thầy chỉ là làm phước thôi. Chứ chẳng ai sống nổi bằng những đồng tiền đặt lễ tùy hỷ của con bệnh cả.

    Vả lại, do cái căn vận vào thân nên thầy mới phải làm. Thầy nhọc lắm. Tiễn chúng tôi ra về, thầy đứng thật lâu ở ngoài cổng dõi theo. Chỉ khi nào chúng tôi khuất hẳn, thì thầy mới chịu đóng cửa vào nhà.

    "Miệng nam mô, bụng một bồ gà con"

    Lai lịch về thần y Mười Chương ở cái vùng này có lẽ ai cũng rõ, nhưng để hiểu chân tướng và ngọn nguồn vấn đề, chúng tôi đã gặp Trưởng ấp Vạn Phước Nguyễn Ngọc Đành.

    Ông Đành tiết lộ, bài thuốc mà thần y Mười Chương đang lộng hành chính là từ cha ông ta để lại. Có nghĩa, phương thuốc này đã nổi tiếng từ thời cha ông Mười còn sống. Mối lái con bệnh sau này tìm đến cũng là mối lâu đời của người cha. Ông Mười là hậu duệ nối nghiệp cha hành đạo cứu người, nhưng ông này đã lợi dụng bài thuốc gia truyền để đi quá giới hạn của một thầy thuốc. Ông tự bịa ra kiểu bó xương bằng gà con sống, như vậy là phản khoa học.

    Người nào tới chữa bệnh là ông đều bảo mua hai con gà con còn sống để làm thuốc và sẵn sàng bóp chết tức tưởi chú gà ngay trước mặt người bệnh. Ngoài ra, ông còn chế biến luôn cho để con bệnh "trăm nghe không bằng một thấy".

    Thần y dùng chày giã nhuyễn gà con sống ra, chẳng khác nào người ta giã bột. Chú gà đang ngoe nguẩy kêu chip chip, thầy chỉ cần bóp một cái là trắng mắt ra, chết giãy. Giã không sót bất cứ bộ phận gì, kể cả một sợi lông vũ. Công việc này được một người phụ nữ đảm nhận, còn thầy Mười phụ trách việc trộn thuốc sau khi gà con đã được giã nhuyễn. Thầy dùng tiêu bột và rượu trắng trộn với gà rồi khuấy đều lên thành bài thuốc bí truyền.

    Đĩa đựng tiền trước bàn thờ tổ.

    Ai đến lần đầu chưa biết thì thầy nhắc, nhưng gặp khách quen thì họ đến khi nào cũng mang theo hai chú gà miệng kêu chiêm chiếp đưa cho thầy Mười Chương làm thuốc bó xương. Ông Đành còn kể lại tường tận về vị thần y Mười Chương này với những điều vô cùng sửng sốt. Đó là buổi sáng, ông bận rộn với những pha chặt, xé, giã gà sống đầy máu me, thì tối đến, thầy lại đi chùa tụng kinh niệm Phật. Thành khẩn như con chiên ngoan đạo. Thần y hiện đang là cư sĩ chính hiệu.

    Ông thường biện hộ cho việc làm của mình: "Gà thì nhờ hàng xóm giết giùm, chứ tôi có trực tiếp giết đâu. Với lại, đây là cái nghiệp rồi, nó dùng làm thuốc chữa bệnh cứu người cũng là theo giáo lý của đạo Phật".

    Trong vòng một ngày, thầy Mười Chương quay như chong chóng, thầy bận rộn lắm. Trên vai thầy ngoài gánh nặng cứu khổ cứu nạn cho bá tánh thì còn vương ai oán trần tục với trách nhiệm lo cơm áo cho cả gia đình.

    Ông Nguyễn Ngọc Đành, cho biết: "Gần đây chỉ có một vài người già tìm đến ông Chương chữa đau xương khớp thôi, chứ hầu hết người dân ở đây đều đến trạm y tế hay bệnh viện lớn để cứu chữa. Đa số bệnh nhân của ông Chương là những người ở xa tới, họ nghe đồn hay bảo nhau mà đến thôi, một đồn mười, mười đồn trăm mà. Chính quyền cũng có thuyết phục, vận động ông ngưng cách chữa phản khoa học này nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/than-y-miet-vuon-bo-xuong-bang-ga-con-song-a46568.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan