+Aa-
    Zalo

    "Thần y" người Tày và bài thuốc bí truyền "khắc tinh" của rắn độc

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Nhiều người dân sống ở rừng núi Tây Nguyên từng bị các loại rắn độc cắn đến thập tử nhất sinh. Khi gặp được "thần y", nhiều nạn nhân đã được "cải tử hoàn sinh".

    (ĐSPL) - Nhiều người dân sống ở khu vực rừng núi Tây Nguyên từng bị các loại rắn độc cắn đến thập tử nhất sinh. Trong số đó có người tìm đến bệnh viện, nhưng vô phương cứu chữa, họ chỉ còn biết nằm lay lắt chờ chết. Thế nhưng, khi gặp được "thần y" Vi Văn Đào, nhiều nạn nhân của rắn độc đã được "cải tử hoàn sinh".

    Duyên và nghiệp

    Nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chừng 40km về phía Tây, chúng tôi vượt qua những đoạn đường đèo núi, dưới cái nắng như thiêu như đốt tìm về xã Tân Hòa để "mục sở thị" vị "thần y" lẫy lừng danh tiếng vùng đất Tây Nguyên có khả năng chữa trị các loại rắn độc cắn. Theo chân một vị cán bộ xã, chúng tôi đã tìm được đến nhà "thần y" Vi Văn Đào (SN 1948, trú tại thôn 8, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Trước mặt chúng tôi là một ông lão khỏe mạnh, mái tóc bạc trắng như cước.

    Ông Vi Văn Đào đang phơi thuốc hái từ rừng về (ảnh Ngọc Hồ).

    Sau khi được giới thiệu, ông vồn vã mời vào nhà tiếp chuyện. ông kể, trước đây gia đình ông sống ở Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Năm 1986, vì cuộc sống khó khăn, ông theo người làng di cư vào miền đất Tây Nguyên làm kinh tế mới. Nói về cơ duyên đến với nghiệp cứu người bị rắn độc cắn, ông chia sẻ: "Trước kia, tôi cùng đồng bào dân tộc Tày chủ yếu sống dựa vào rừng núi, cuộc sống luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm từ các loại rắn độc. Cũng vì mưu sinh mà nhiều người vào rừng bị rắn độc cắn đến nỗi phải bỏ mạng. Có thời điểm trong thôn xảy ra liên tiếp các vụ bị rắn cắn, và hầu hết họ đều trở thành nạn nhân xấu số của các loài rắn độc".

    Nạn nhân không may bị rắn độc cắn thường bị tím tái co giật, nếu không sơ cứu, chữa trị kịp thời khó tránh khỏi cái chết vì nọc độc của loài rắn phát tán rất nhanh. Từ nhỏ tới lớn, ông Đào phải chứng kiến và đi đưa ma không biết bao trường hợp bị rắn độc cắn. Hình ảnh những người nghèo khổ vì mưu sinh với rừng phải bỏ mạng khiến ông luôn canh cánh trong lòng và mong muốn tìm ra được phương thức chữa trị loại độc tố này. Năm 20 tuổi, ông Đào quyết tâm đi học cách chữa trị rắn độc cắn.

    "Nghe ở đâu có thầy dạy chữa trị rắn độc cắn là tôi tìm đến để xin học. Gần một năm "tầm sư học đạo", cuối cùng tôi đã tìm được thầy để theo học. Đó là một ông lão người dân tộc Tày, sống ở vùng núi tỉnh Bắc Giang. Thuở đó, bài thuốc chữa bệnh rắn cắn của ông thầy này không được phổ biến. ông chỉ chữa cho những người trong dòng họ. Thấy tôi ham học hỏi nên mỗi lần đi lên núi hái lá thuốc, ông đều cho tôi theo. Do vậy, tôi học được rất nhiều bài thuốc quý. Từ cách hái lá rừng đắp vào vết thương, nhai nhỏ lấy nước cho nạn nhân uống ông đều chỉ bảo rất tận tình", ông Đào nhớ lại.

    ông Đào tâm sự, sau thời gian trốn nhà đi học nghề, ông trở về và bắt đầu vững tin khi có nhiều người bị rắn cắn thoát chết nhờ đôi tay của mình. Kể từ lần đầu tiên cứu người bị rắn hổ mang cắn cho đến nay, hễ ai bị rắn cắn tìm đến, ông đều tận tình cứu giúp. Đã 24 năm trôi qua, ông không nhớ rõ là đã cứu chữa cho bao nhiêu người thoát khỏi nọc của rắn độc. ông chỉ biết rằng, rất nhiều người từng bị rắn độc cắn đến thập tử nhất sinh, bị bệnh viện trả về đã được ông cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần bằng bài thuốc bí truyền.

    Cứu nhiều người từ tay thần chết

    ở vùng rừng núi Tây Nguyên, ông Đào được đông đảo người dân biết đến với biệt danh "ông lão khắc tinh" của rắn độc. Không kể thời gian ngày hay đêm khuya, hễ có người bị rắn cắn ông đều nhiệt tình chữa trị kịp thời. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người trong xã, mà đến người trong huyện và cả tỉnh cũng tìm đến vị "thần y" mỗi khi bị rắn độc cắn. Có lần ông Đào được mời về tận TP.HCM để cứu một nạn nhân bị rắn hổ chúa cắn mà bệnh viện đã trả về. Dù xa xôi nhưng với tinh thần tất cả vì người bệnh, ông không ngại lên đường cứu chữa. Không những thế, nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn từ xa tìm đến, ông sẵn sàng cho họ ở lại với gia đình chữa trị mà không hề tính toán thiệt hơn.

    "Lúc bị rắn cắn cần nhanh chóng dùng dây quấn chặt phía trước vùng bị rắn cắn, nhằm không cho máu lưu thông để tránh độc tố chạy đến tim. Sau đó, tiếp tục làm các công tác sơ cứu, cho nạn nhân uống thuốc và đắp lá vào vùng bị rắn cắn. Tuy nhiên, để dùng các loại thuốc phù hợp thì phải biết đó là độc tố của loại rắn nào để chữa. Quan trọng phải điều trị bằng bài thuốc đủ vị mới triệt được độc tố hoàn toàn. Khi nhìn biểu hiện của nạn nhân, tôi có thể biết họ bị loại rắn nào cắn mà bốc bài thuốc cho phù hợp", ông Đào chia sẻ. Không những vậy, những người đến chữa bệnh, tùy tâm trả công bao nhiêu thì ông lấy bấy nhiêu. ông giải thích: "Các bài thuốc quý tôi biết được cũng là cái duyên, mình biết nghề thì chữa trị giúp người ta, coi đó là cách tôi trả công cho người thầy đã truyền dạy cho mình".

    Một trong những bệnh nhân đặc biệt nhất của ông là bà Nguyễn Thị Năm (85 tuổi, ở thôn 10, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Bà Năm từng hai lần bị rắn độc cắn đến thập tử nhất sinh, đều nhờ vào bài thuốc bí truyền của ông Đào mà thoát chết. Bà Năm nhớ lại: "Vào lúc chạng vạng tối, tôi ra vườn hái rau không may giẫm phải con rắn cạp nia và bị cắn vào mu bàn chân. Lúc đó, tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngất lịm đi, được người nhà đưa tới nhờ ông Đào cứu giúp. Nghe con cháu kể lại, thấy biểu hiện của tôi lúc đó, chúng nghĩ tôi chết nên gào khóc thảm thiết. Nhưng khoảng 30 phút, được ông Đào chữa trị và cho uống thuốc, tôi dần cử động được. Tiếp tục uống thuốc của ông Đào, tôi đã đi lại và sức khỏe trở lại bình thường".

    Bà Nguyễn Thị Năm, nạn nhân hai lần bị rắn độc cắn (ảnh Ngọc Hồ).

    May mắn thoát chết không được bao lâu, một thời gian sau bà Năm lại tiếp tục bị rắn độc cắn thêm lần nữa. "Lúc ấy tôi nghĩ mình lớn tuổi, sức đề kháng trong cơ thể không được tốt, nên dù có tài năng đến mấy thì ông ấy cũng không chữa nổi. Toàn thân tôi cứng đơ, mặt mày tím tái, mắt lờ đờ. Nhưng không ngờ lại một lần nữa ông Đào đưa tôi từ cõi chết trở về", bà Năm kể lại. Hiện đã gần 70 tuổi, nhưng thi thoảng ông Đào vẫn một mình vượt hàng trăm cây số vào rừng sâu tìm cây thuốc chữa rắn độc cắn. ông cho biết, các loại dược liệu chữa rắn độc không dễ tìm kiếm. Nhiều loại phải đi mất mấy ngày trời trong rừng mới tìm ra được.

    Anh Đoàn Văn Tuấn (SN 1983, thôn Hà Bắc, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), kể lại giây phút thập tử nhất sinh được ông Đào cứu chữa: "Cách đây hơn một năm, trong lúc đi đốn củi tôi bị con rắn lục cắn khiến người tím tái, run từng cơn rồi ngất lịm đi. Lúc đó, may mắn được mấy người đi rừng phát hiện đưa đi bệnh viện. Tại đây, tôi đã mê man không còn biết gì nữa, bác sỹ nói tôi nhiễm độc tố quá nặng, khó bề chữa khỏi. Nhưng rồi, được một người mách bảo có ông lão chữa được rắn cắn nên gia đình đã tức tốc chở tôi đi. Tại nhà ông Đào, nhìn biểu hiện của tôi, ông biết ngay tôi bị con rắn lục cắn. ông Đào dùng nhiều vị thuốc khác nhau nấu nước cho tôi uống, rồi lấy lá đắp lên vùng bị rắn tấn công. Tôi nằm mê man suốt hai ngày rồi tỉnh dậy trong sự ngỡ ngàng của mọi người".

    Một tấm lòng vì mọi người

    Ông Vi Văn Bộ, Trưởng thôn 8, xã Tân Hòa cho biết: "ông Đào được bà con mệnh danh là "khắc tinh của rắn độc". ông đã chữa trị và làm phước cho rất nhiều bà con không may bị rắn cắn trong vùng. Mỗi khi có bệnh nhân tìm đến, ông tận tình hái thuốc cứu chữa, đặc biệt, ông không hề lấy tiền của ai cả. Đó là điều rất đáng quý của một tấm lòng vì mọi người.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/than-y-nguoi-tay-va-bai-thuoc-bi-truyen-khac-tinh-cua-ran-doc-a51916.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan