Tháng cô hồn: "Bóc mẽ" sự mê muội bởi những điều cấm kỵ


Thứ 2, 11/08/2014 | 07:36


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Trong kinh Phật chưa bao giờ viết rằng ngày rằm tháng Bảy là Quỷ môn quan mở cửa, bởi lẽ địa ngục là do tâm biến hiện mà đã là tâm mình thì làm sao có cửa để mở ra khép vào?

(ĐSPL) - Trong kinh Phật chưa bao giờ viết rằng ngày rằm tháng Bảy là Quỷ môn quan mở cửa, bởi lẽ địa ngục là do tâm biến hiện mà đã là tâm mình thì làm sao có cửa để mở ra khép vào? 

LTS: Mới đây, trên nhiều trang mạng có đăng và chia sẻ bài viết với nội dung: Những điều phải tuyệt đối tránh trong tháng cô hồn. Tác giả Thinley - Nguyên Thành có bài viết phản biện những nội dung mang màu sắc mê tín dị đoan, nhằm tránh cho bạn đọc những sự hoang mang không đáng có, làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý và sinh hoạt thường nhật. 

Đời sống và Pháp luật trích giới thiệu bài viết tới độc giả.

Đời sống - Tháng cô hồn: 'Bóc mẽ' sự mê muội bởi những điều cấm kỵ

Về bài viết có nội dung Những điều phải tuyệt đối tránh trong tháng cô hồn, nhận thấy đây là những điều tà kiến, và nguy hại nhất là gây tác hại cho bạn đọc về tâm lý sinh hoạt thường nhật, tôi nêu lên những phản biện và minh định lại chánh kiến, ngõ hầu tránh “nỗi lo sợ” không đáng có cho bạn đọc bị “ám ảnh” bởi những gì bài báo đã viết. Sau đây là dẫn chứng của tôi:

Điều 4. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến. (Không tùy tiện tức là đốt khi thuận tiện?)

Điều 6. Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong các quần áo ấy. (Vậy thì ngày mai mặc cái gì, mà loại ma quỷ đâu có thân vật lý sao lại mượn áo quần loài người? Phi lý!)

Điều 7. Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.

Điều 8. Không nên bơi lội, vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trẹo chân.

Điều 9. Không hù doạ người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc”, dễ bị ma quỷ xâm nhập.

Điều 10. Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.

Những điều còn lại nêu trên cũng thật quá nhảm nhí nên có lẽ tôi không cần chỉ ra lỗi sai của chúng. Ngoài ra sau đây là những điều khác mà bài viết nêu ra hết sức phi lý, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân:

- Không chở đồ cồng kềnh và chở nhiều người trên một chiếc xe.

- Không nên động thổ, nhập trạch trong tháng cô hồn.

- Không nên và hạn chế mua xe trong tháng này. Nếu bất đắc dĩ vì một lý do nào đó mà cần phải mua xe thì nên tham khảo quý thầy chùa, sư, thầy phong thủy.

- Không nên mua xe những ngày sát chủ, ngày kỵ thiên can - địa chi tương khắc.

- Hạn chế ký kết hợp đồng, nếu cần cho việc đại sự thì nên xem ngày cho kỹ.

Bài viết được hiểu là theo quan niệm trong dân gian, nghĩa là từ thời xưa rồi, thế mà sao lại có “lạng lách đua xe”, “hạn chế ký hợp đồng”, “không nên mua xe” mà nếu mua thì “tham khảo quý thầy chùa, sư thầy phong thủy”… vậy thì đây chẳng phải là gián tiếp cổ động việc đến chùa coi bói, xem phong thủy, trong khi ở đó là nơi thờ Phật, tu Phật? Quả là tào lao và nhảm nhí trong những điều cho là “nên tránh”. Qua đây, bạn đọc không khỏi nghĩ rằng người viết là thầy phong thủy, thầy bói, tận dụng báo đài để quảng cáo nghề nghiệp của mình.

Cô hồn là gì?

Thế nào gọi là “cô hồn” người viết liệu đã hiểu tường tận? Từ chỗ phân biệt thấu đáo “đối tượng” này, mới có thể hiểu được những gì nên tránh và không cần phải sợ. Vũ trụ quan Phật giáo chia chúng sanh làm 6 loại (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần, trời), không có danh từ nào gọi là “cô hồn”, và không tồn tại một “đối tượng” như vậy!

Đời sống - Tháng cô hồn: 'Bóc mẽ' sự mê muội bởi những điều cấm kỵ (Hình 2).
Ảnh minh họa

Trong tác phẩm “Chết và tái sinh” hoặc “Tạng thư sống chết” cho biết, ai đó chết rồi trong thời gian không quá 49 ngày gọi là “hương linh” hay còn gọi là “hương hồn”, vì họ dùng thức ăn bằng cách ngửi mùi - gọi là “hương thực”. Sau 49 ngày tất cả hương hồn ấy đều phải tái sinh (đầu thai) qua cõi khác, không thể ở lại cõi Dương gian.

Còn loại mà bài viết nêu là “cô hồn” là cách gọi trong dân gian mà thực chất đây là loài ngạ quỷ (quỷ đói). Kinh Phật chỉ ra một loại gọi là “ngạ quỷ”, loại này hình dạng xấu xí, cổ nhỏ như cọng rơm, bụng to như trái đấu, đầu tóc bù xù. Trong thế giới loài quỷ này, họ không đơn chiếc cô quạnh như ta thêu dệt, tưởng tượng mà có đời sống vợ chồng chẳng khác gì loài người, chỉ khác một đặc điểm duy nhất là quỷ đói như đúng tên gọi của mình, thường bị đói, khát hành hạ có khi hàng chục năm không có một chút gì lót dạ.

Ngay bản thân họ đi đứng liêu xiêu, vật vã khôn cùng, lo cho bản thân mình cũng chưa được, đừng nói gì đến sự phương hại loài người. Mặt khác, loài người được kinh điển Phật giáo cho biết là loài có oai đức hơn loài quỷ đói vì kiếp trước họ giữ được 5 giới (không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối hại người, lạm dụng các chất các thứ gây nghiện) cho nên loài ngạ quỷ không dám làm càn.

Do vậy, đã được làm người - gọi là “một trong hai mươi điều khó được” (kinh Tứ thập nhị chương) - thì không cần phải sợ và tránh loài quỷ đó. Kinh “Địa tạng Bổn nguyện” khẳng định rằng do nghiệp báo xấu mà quỷ thường gây ác ở những nơi đầy tà khí mà biểu hiện của chúng là mê tín dị đoan, nhiều lạc thú đồi trụy thế gian, dù họ là người tu hay không tu (trực tiếp hoặc gián tiếp phạm vào 5 giới cấm).

Loại quỷ nào đáng sợ nhất?

Tuy nhiên, loài quỷ hiếm khi gây hại được đối với loài người, trừ phi ai đó muốn thân cận, cầu cạnh chúng và sợ hãi chúng mà cúng kiến. Khi con người tà kiến như vậy tức là mình vô tình tạo điều kiện cho quỷ đói đến với mình. Đó gọi là do con quỷ bên trong con người mời gọi.

Chỉ điểm những con quỷ bên trong, Đức Phật khẳng định chúng là THAM (tham lam lạm dụng), SÂN (giận hờn vô cứ), SI (sai lầm trong thấy biết), MẠN (kiêu ngạo), ĐỐ (ganh ghét). Trong đó con quỷ MẠN là vi tế nhất mà lại nguy hiểm, lợi hại nhất.

Con quỷ bên trong thật đáng gờm vì nó xuất hiện bất kỳ lúc nào khi mà hành giả bị ngũ độc bên trong dấy khởi mạnh mẽ. Với bọn chúng, không thể nhận dạng, không thể nắm bắt được quy luật hoạt động của chúng như bọn quỷ bên ngoài, cho nên thật đáng phải đề phòng cẩn mật. Trúng phải tà thuật của quỷ bên ngoài, người ta chỉ bị phá hủy thân căn. Trúng phải tà thuật của con quỷ bên trong, cả thân căn và huệ mạng cũng mất hết.

Thế mà những người ngu muội, đổ thừa vào hoàn cảnh bên ngoài, đổi lỗi cho ngạ quỷ mà họ gọi là cô hồn gây hại, không tự biết trách cứ sai lầm của bản thân mình. Cho nên 18 điều kỵ đó là phi lý, trái với cơ chế vận hành của luật tắc Nhân- Quả.

Cho nên đừng nói đến ma quỷ hại mình mà hãy tự xét rằng tâm mình có phải là tâm ma dạ quỷ hay không vì khi đó sẽ diễn ra luật tắc “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Một khi không phòng hộ tâm mình trước những điều bất thiện, ác lương mà lại mang nặng tâm lý sợ sệt viễn vông, đó là sự mê tín trầm trọng gọi là tà kiến.

Nên nhớ, trong kinh Phật chưa bao giờ viết rằng ngày rằm tháng Bảy là Quỷ môn quan mở cửa, bởi lẽ địa ngục là do tâm biến hiện mà đã là tâm mình thì làm sao có cửa để mở ra khép vào? Nên hiểu rằng loài quỷ sống chung với loài người trong cõi Dương gian (chỉ khác là không ai xâm phạm ai trừ những trường hợp như tôi vừa nêu trên) thì làm gì có ngày ấy?

Còn tội đồ địa ngục khi hết nghiệp đọa đày họ mới được tái sanh vào cõi khác, không có chuyện đúng ngày Xá tội vong nhân là được về dương gian. 

Thiết nghĩ, những điều cổ súy cho tà kiến, gieo rắc sự lo âu viễn vông thì không nên được phổ biến.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thang-co-hon-boc-me-su-me-muoi-boi-nhung-dieu-cam-ky-a43703.html