+Aa-
    Zalo

    Tháng cô hồn: Những kiêng kỵ cực đoan và hệ lụy khôn lường

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)- Tháng Bảy âm lịch, theo quan niệm dân gian là tháng Tết quỷ, nên rất đen đủi. Từ lâu, người Việt thường tránh không làm những việc quan trọng như mua đất, làm nhà, cưới xin, khai trương trong “tháng cô hồn”.
    (ĐSPL)- Tháng Bảy âm lịch, theo quan niệm dân gian là tháng Tết quỷ, nên rất đen đủi. Từ lâu, người Việt thường tránh không làm những việc quan trọng như mua đất, làm nhà, cưới xin, khai trương trong “tháng cô hồn”  và hiện tại, nhiều người vẫn rất “tín” quan niệm này.
    Chính sự kiêng kỵ thái quá đó đã tác động xấu đến hoạt động kinh tế xã hội, thậm chí các mảng thị trường như nhà đất, chứng khoán, ô tô, bỗng dưng đìu hiu, ế ẩm, sụt giảm giá trị nghiêm trọng vì tâm lý sợ “tháng cô hồn”.
    “Chết đứng” vì “tháng cô hồn”
    Theo tìm hiểu của PV, thời điểm hai tháng gần đây các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và các sàn giao dịch liên tục tung ra thị trường nhiều sản phẩm BĐS mới cùng với đó là đủ chiêu thức khuyến mãi rầm rộ.
    Để giải thích về hiện tượng trên, nhiều người cho rằng, sở dĩ nhiều doanh nghiệp BĐS sốt sắng khuyến mãi như hiện nay là họ tìm cách chạy đua bán hàng để tránh “tháng cô hồn” sắp tới. Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Thị Mai Trang một nhân viên môi giới  BĐS cho biết, phần lớn tâm lý người mua có phần dè dặt khi quyết định mua nhà trong tháng Bảy âm lịch (rơi vào tháng Tám và tháng Chín dương lịch). 
    Những kiêng kỵ cực đoan trong “tháng cô hồn” và hệ lụy khôn lường
    Tháng Bảy là tháng nhớ đến tổ tiên ông bà.
    Giám đốc CBRE Việt Nam, ông Lê Minh Dũng từng nhận định, quý III hàng năm trùng với thời điểm tháng Bảy âm lịch – “tháng cô hồn”. Do tâm lý người Việt tránh mua những mặt hàng có giá trị cao trong “tháng cô hồn” đặc biệt là nhà cửa, nên trong tháng này, đương nhiên giao dịch mua bán sẽ dừng lại và lượng giao dịch toàn thị trường sẽ giảm.
    Giới buôn BĐS sợ “tháng cô hồn”, đặc biệt trong thời điểm thị trường BĐS có chiều hướng “ấm lên” trong thời gian qua thì càng gần thời điểm “tháng cô hồn”, nhiều người lo ngại thị trường sẽ đóng băng trở lại. Theo dự đoán, quý III có tháng mưa ngâu nên tính trung bình trên diện rộng, giao dịch BĐS trong quý tới sẽ có thể bị giảm sút. Cùng chung tâm trạng lo lắng, ông Phạm Quốc Cường - Giám đốc trung tâm Giao dịch địa ốc Hưng Vượng, Nguyễn Du (Hà Nội) phàn nàn: "Tháng Bảy âm lịch thường là tháng làm ăn thấp điểm nhất trong năm của những người kinh doanh bất động sản. Giao dịch gần như bằng không. Tệ nhất là có những trường hợp đặt cọc mua nhà trong tháng Bảy nhưng mãi sang tháng sau mới nhận nhà và trả đủ tiền”.
    Không chỉ giới BĐS lo lắng mà chứng khoán cũng “đứng ngồi không yên” trong thời điểm bắt đầu vào mùa mưa ngâu. Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh chứng khoán, chỉ cần bước vào tháng Tám (tháng Bảy âm lịch) thị trường tại các sàn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ chững lại. Thậm chí nhiều năm, chỉ số Vn. Index tụt xuống mức thấp nhất. Theo số liệu của công ty Chứng khoán Thái Bình Dương (PSC) những năm gần đây mà chúng tôi biết được, thì tháng Tám dương lịch thường là giai đoạn "chân sóng".
    Giao dịch ảm đạm, tâm lý nhà đầu tư kém hưng phấn là cảnh chung của các sàn chứng khoán trên toàn quốc thời điểm này, điều này trùng hợp với tháng Bảy âm lịch - mà theo quan điểm của một số nhà đầu tư là kiêng việc làm ăn, đầu tư. Tất nhiên, chuyện thị trường "rớt thảm" còn có nhiều nguyên nhân khác, song theo nhiều người quan niệm, ám ảnh tháng Bảy - “tháng cô hồn” không phải là không có!
    Ngoài BĐS, chứng khoán, thị trường ô tô cùng chung số phận.
    Cứ hễ vào tháng mưa ngâu là nhân viên của các hãng ô tô “ngồi chơi, xơi nước”. Nhiều nhân viên của các gara ô tô từ các hãng như Toyota, Huyndai, đến các hãng khác đều kêu trời kêu đất vì giao dịch bán hàng bỗng dưng “tắt lịm”. “Các tháng trong năm, một gara trung bình bán được vài chục chiếc ô tô nhưng vào tháng Bảy âm lịch thì may mắn lắm mới bán được hai chiếc là cùng”, anh Hà Quang Minh nhân viên bán hàng của hãng Toyota cho biết.
    Những kiêng kỵ cực đoan trong “tháng cô hồn” và hệ lụy khôn lường
    Chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Cung Hà.
    Thái quá và phản khoa học
     Để giải thích về tâm lý “sợ tháng Bảy” của người Việt, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Cung Hà. ông Hà cho biết, kiêng kỵ vào tháng Bảy tùy vào từng lĩnh vực cụ thể chứ không phải cái gì cũng kiêng. Cụ thể, cha ông ta từ trước vẫn kiêng về làm nhà đổ mái, cưới xin trong tháng này.
    Lý do, trước hết, tháng Bảy là tháng mưa ngâu. Các cụ ta xưa thường cho rằng, không nên xây nhà, đổ mái, cưới xin vì để tránh mưa ngâu.  Thứ hai, theo quan niệm dân gian gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn”, Dương Vương mở cửa ngục, hoặc tết Vu Lan báo hiếu. Tất cả địa ngục được mở, vong linh, cô hồn, những người chết không được thờ tự, mất dấu, không tên, sống lang bạt, vong linh đi lại tự do. Chính vì quan niệm trên, mà dân gian rất kiêng kỵ, tránh tiến hành những việc đại sự của bản thân, gia đình trong tháng này để không bị vong quấy, vong nhập, vong xúi quẩy để tránh điều không may mắn.
    Ông Nguyễn Cung Hà phân tích: “Tôi thiên về thời tiết hơn, việc tháng Bảy mưa ngâu, tháng giữa năm, mùa màng, tiết khí, không đầu không cuối, giữa nối sau cùng tức là dở dang. Vào thời điểm này các trường năng lượng tốt nó cũng ít đi. Nhưng căn bản chính vẫn là tháng mưa ngâu. Do đó, cưới xin, xây nhà, đổ mái nên kiêng. Cái gì thuộc về kinh nghiệm dân gian, nhất là khía cạnh tâm linh người ta đã kiêng kỵ rồi thì mình nên theo. Riêng ngành tâm linh rất tôn trọng kinh nghiệm kiêng kỵ, nhất là những việc hữu nghị càng tránh, nên kiêng tránh. Trong tháng Bảy, tết Vu Lan báo hiếu nên làm những việc báo hiếu cho tổ tiên, ông bà. Những người hảo tâm còn cúng cho cô hồn, những người chết đường chết chợ, mất dấu, quên tên”.
    Tuy nhiên, trước những kiêng kỵ có phần thái quá của nhiều người, nhà phong thuỷ Nguyễn Cung Hà cho rằng, thực ra, kiêng kỵ đúc kết từ kinh nghiệm dân gian mọi người nên theo, còn trong những trường hợp bất đắc dĩ phải làm thì sẽ có cách để hóa giải, không nên cứng nhắc. Thực ra, những cái ông bà ta kiêng kỵ nó thường liên quan đến thời tiết, thiên địa nhân, như động thổ, xây nhà, cưới xin. Còn bàn về kiêng kỵ có rất nhiều điều kiêng, xét về mỗi cá nhân trong tháng nào cũng có điều, có ngày người ta phải kiêng. Do đó, cứ hễ tháng Bảy là dừng lại mọi hoạt động thì đó là điều hoàn toàn phi lý. Đặc biệt, các giao dịch như chứng khoán, ô tô, hay các hoạt động mua sắm khác không liên quan gì. 

    Mùa báo hiếu, uống nước nhớ nguồn

    Nhà phong thuỷ Nguyễn Cung Hà cho rằng: Theo quan niệm dân gian hay giáo lý nhà Phật thì tháng Bảy là tết Vu Lan, là thời điểm để con cháu nhớ tới công ơn của cha mẹ, ông bà, các đấng sinh thành, là thời điểm người dương “cầu” cho vong linh của người mất được xoá bớt tội lỗi, nhanh chóng được siêu thoát. Vì thế, trong tháng này, mọi người nên thành tâm tưởng nhớ tới tổ tiên, ông bà. Đây là truyền thống “uống nước nhớ nguồn của dân tộc” cũng là đạo hiếu của mỗi người.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thang-co-hon-nhung-kieng-ky-cuc-doan-va-he-luy-khon-luong-a44056.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan