+Aa-
    Zalo

    Thăng trầm thị trường bất động sản quý II/2020

    • DSPL
    ĐS&PL Trong hơn hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội của quý II, các hoạt động kinh tế đang dần được khôi phục.

    Trong hơn hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội của quý II, các hoạt động kinh tế đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh vào hoạt động trở lại. Thị trường bất động sản (BĐS) cũng đã tiến triển tốt hơn, sôi động và có những tín hiệu lạc quan, tích cực.

    Thị trường bất động sản (BĐS) trong quý II/2020 đã tiến triển tốt hơn, sôi động và có những tín hiệu lạc quan, tích cực.

    Thị trường BĐS với những khởi sắc

    rong quý II/2020, đối với dự án phát triển nhà ở: Có 325 dự án với 70.317 căn hộ được cấp phép; 1.425 dự án với 246.781 căn hộ đang triển khai xây dựng; 73 dự án với 8.901 căn hộ hoàn thành. Số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh so với quý I/2020, cụ thể tại một số địa phương trọng điểm như: Tại Hà Nội cấp phép 8 dự án (quý I/2020 là 0 dự án), tại TP.Hồ Chí Minh cấp phép 4 dự án (quý I/2020 là 0 dự án).

    Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.

    Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng tăng hơn so với Quý I/2020, cụ thể tại một số địa phương trọng điểm như: Tại Khánh Hòa cấp phép 3 dự án (quý I/2020 là 0 dự án), tại Phú Yên cấp phép 2 dự án (quý I/2020 là 0 dự án). Qua tổng hợp cho thấy, một số doanh nghiệp bất động sản đang tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dở dang và triển khai các dự án được cấp phép mới. Tiến độ và khối lượng công việc thực hiện đã tốt hơn so với quý trước.

    Gần 30.000 giao dịch bất động sản thành công

    Về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng, quý II/2020 có 29.674 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý I/2020) và TP.Hồ Chí Minh có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý I/2020).

    Gần 30.000 giao dịch bất động sản thành công.

    Theo tổng hợp của bộ Xây dựng, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130 -140% so với quý I/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%).

    Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý I/2020. Tại TP.Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với Quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với Quý I/2020. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới mở bán rất ít, giá bất động sản du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019.

    Thị trường mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 30-50% so với giá thuê trước đây, số mặt bằng trống tăng dần. Qua thống kê cho thấy, số lượng nhà ở hoàn thành, đủ điều kiện bán trong quý II/2020 hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019. Về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, trong quý I/2020, các sàn giao dịch bất động sản chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động.

    Tuy nhiên trong quý II, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các sàn giao dịch bất động sản đã phục hồi nhanh chóng và hầu hết đã hoạt động trở lại. Tính đến thời điểm này ước tính khoảng 15% sàn vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%.

    Đối với phân khúc mặt bằng cho thuê, không chỉ ở Hà Nội mà cả TP.Hồ Chí Minh, loại hình nhà phố, nhà riêng cho thuê đều đang gặp khó khăn. Giá thuê nhà mặt phố, nhà riêng tiếp tục giảm tại nhiều quận huyện ở cả hai thành phố. Ở Hà Nội giá chào thuê nhà phố, nhà riêng giảm từ 2-7% trong khi tại TP. Hồ Chí Minh giảm tới 5-16% so với quý trước. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy thị trường bất động sản trong quý II/2020 đang dần hồi phục.

    Theo đánh giá của bộ Xây dựng, mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng... vẫn còn lớn. Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.

    Nhằm khắc phục hậu quả liên quan đến dịch Covid19, hiện, Chính phủ và các địa phương vẫn đang tiếp tục chỉ đạo, triển khai các giải pháp để bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh và có những chính sách thúc đẩy để vực dậy nền kinh tế đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

    Đỗ Tuấn

    Bài đăng trên Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số 128

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thang-tram-thi-truong-bat-dong-san-quy-ii2020-a335068.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan