+Aa-
    Zalo

    Thanh Hóa: Bê hỗ trợ hộ nghèo bị bệnh, liên tục chết, thiếu cân nặng

    • DSPL
    ĐS&PL Gần 70% số bê dự án cấp hỗ trợ cho hộ nghèo ở Thanh Hóa bị bệnh lở mồm long móng, nhiều con bị chết, một số bị thiếu trọng lượng dù đã được bàn giao 3 tháng nay.

    Gần 70% số bê dự án cấp hỗ trợ cho hộ nghèo ở Thanh Hóa bị bệnh lở mồm long móng, nhiều con bị chết, một số bị thiếu trọng lượng dù đã được bàn giao 3 tháng nay.

    Hỗ trợ bê bệnh cho dân thoát nghèo?

    Tháng 8/2020, hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa (trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân) là chủ đầu tư thực hiện dự án cấp bê lai sinh sản cho 36 hộ nghèo tại xã Pù Nhi (Mường Lát). Việc cấp bê cho dân được thực hiện từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của Chính phủ.

    Công ty Cổ phần giống gia súc Thanh Ninh, có địa chỉ tại TX.Bỉm Sơn (Thanh Hóa) là đơn vị trúng thầu cung cấp 36 con bê giống cho 36 hộ nghèo tại xã Pù Nhi. Theo đó, mỗi con bê được hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cấp cho hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, số tiền còn lại do người dân tự đối ứng. Tùy vào trọng lượng của mỗi con bê, số tiền dân phải đối ứng từ 2 - 5,5 triệu đồng.

    PV tạp chí Đời sống & Pháp luật đã liên hệ với ông Trần Bình Quân - Chủ tịch hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa (Chủ đầu tư dự án) - để tìm hiểu, làm rõ sự việc. Với lý do bận họp, ông Quân đã giới thiệu PV liên hệ với bà Bùi Thị Ngọc - Giám đốc trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh.

    Qua trao đổi, bà Bùi Thị Ngọc cho PV biết, theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị với công ty Cổ phần giống gia súc Thanh Ninh thì bê giống phải đạt trọng lượng tối thiểu từ 120 – 130 kg, được tiêm phòng dịch đầy đủ, đúng quy định… Ngày 26/8, 36 hộ nghèo tại xã Pù Nhi vui mừng khi được hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị cung ứng tiến hành bàn giao 36 con bê giống sinh sản.

    Con bê giống của ông Chá Văn Da được PV đo các chỉ sổ và tính ra cận nặng khoảng 91kg.

    Niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi buồn lo lại đến khi ít ngày sau đó người dân phát hiện bê dự án bị lở mồm long móng. Tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng ra bê dự án và trâu bò của người dân địa phương.

    Ông Chá Văn Da (SN 1989), trú tại bản Hùa Pù cho biết, để nhận được một con bê sinh sản, ngoài 10 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, gia đình ông phải bỏ ra số tiền đối ứng là 3,6 triệu đồng. Thời điểm bàn giao, chủ đầu tư, đơn vị cung ứng cam kết bê đủ trọng lượng, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ và khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bàn giao được khoảng 1 tuần thì con bê của ông Da bị bệnh rồi lăn ra chết.

    Các bên liên quan đến kiểm tra, lập biên bản và cấp cho hộ gia đình ông Da một con bê khác. Cuối tháng 11/2020, thời điểm PV có mặt, ông Da đang chăm sóc con bê sinh sản được dự án cấp tại vườn nhà. Dù đã được nuôi gần 3 tháng, nhưng bằng mắt thường có thể nhận thấy con bê này bị “còi cọc”, không đeo thẻ tai, không đạt trọng lượng tối thiểu 120kg.

    Nghi ngờ con bê sinh sản được dự án cấp thiếu trọng lượng, được sự đồng ý của ông Da, nhóm PV đã tiến hành đo bê để xác định cân nặng và cho kết quả bất ngờ. Ông Lương Trung Thực - Giám đốc công ty Cổ phần giống gia súc Thanh Ninh (đơn vị cung ứng bê cho dự án) cho biết, nếu không có thước chuyên dụng thì có thể áp dụng công thức: (vòng ngực)2 x chiều dài thân chéo x 88,4) để tính ra trọng lượng của bò.

    Theo cách tính này, con bê giống của gia đình ông Da có chiều dài thân chéo là 95cm, vòng ngực trung bình là 104cm. Sử dụng công thức nêu trên, PV đã tính ra được trọng lượng của con bề này là 91kg.

    Chủ đầu tư không biết cách đo và công thức tính trọng lượng bê!

    Ông Thao Dính Pó - Cán bộ thú y xã Pù Nhi - thông tin, ngoài gia đình ông Da, sau khi nhận khoảng 3 - 4 ngày thì con bê ông Chá Văn Di cũng tự nhiên lăn ra chết. Chủ đầu từ phối hợp với đơn vị cung ứng lại cấp một con bê mới cho hộ dân này, nhưng khoảng 1 tháng sau thì còn bê này lại bị chết.

    Chị Triệu Thị Chiều (SN 1990), trú tại bản Pù Quăn cho biết, ngoài 10 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị này cũng phải bỏ ra 5,5 triệu đồng để được cấp một con bê sinh sản với trọng lượng là 151 kg. Dù đã nuôi gần 3 tháng nay, nhưng theo quan sát bằng mắt thường, con bê của gia đình chị Chiều không lớn hơn nhiều so với con bê của gia đình ông Da.

    Các hộ dân cho hay, họ không biết cách đo và cách tính toán để ra được trọng lượng của bê. Bê được cấp cân nặng bao nhiêu đều do đơn vị cung ứng và chủ đầu tư thông báo.

    Bà Bùi Thị Ngọc và ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - đều khẳng định, trong quá trình lựa chọn bê giống, đo trọng lượng, bàn giao cho dân họ đều giám sát rất chặt chẽ đối với đơn vị cung ứng.

    Tuy nhiên, cả bà Ngọc và ông Vinh đều thừa nhận mình không biết cách đo và công thức tính toán để ra trọng lượng bê. Năm 2020 họ là chủ đầu tư thực hiện 7 dự án, cấp 200 con bê cho dân nghèo (!?). Bà Ngọc cũng thừa nhận, con bê cấp lại cho gia đình ông Chá Văn Da không được đo trọng lượng, không đeo thẻ tai.

    Cũng theo bà Bùi Thị Ngọc, đơn vị cung ứng là công ty Cổ phần giống gia súc Thanh Ninh đã thực hiện không đúng hợp đồng về tuân thủ quy định về tiêm phòng dịch bệnh cho bê dự án và đã bị cơ quan chức năng tính Thanh Hóa xử phạt hành chính. 10 con bê bị lở mồm long móng được đơn vị cung ứng đưa về chăm sóc, dù chủ đầu từ đã yêu cầu không cấp lại cho dân, nhưng do dân có nguyện vọng nên tiếp tục cấp lại cho họ.

    Xuân Chinh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (197)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-be-ho-tro-ho-ngheo-bi-benh-lien-tuc-chet-thieu-can-nang-a349133.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan