Thanh Hóa: Xây dựng 53 công trình thất thoát hơn 4 tỉ từ nguồn vốn vay ODA


Thứ 2, 20/08/2018 | 09:34


Qua kiểm đếm 53 công trình lưới điện hạ áp nông thôn do UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, lực lượng chức năng phát hiện thất thoát hơn 4 tỷ đồng.

Qua kiểm đếm 53 công trình lưới điện hạ áp nông thôn do UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, lực lượng chức năng phát hiện thất thoát hơn 4 tỷ đồng.

Dự án năng lượng nông thôn 2 (viết tắt là REII) phần hạ áp do UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án REII thuộc UBND tỉnh.

Dự án REII tỉnh Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư theo giá trị quyết toán gần 308 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là hơn 278 tỷ đồng; vốn đối ứng của ngân sách tỉnh gần 30 tỷ đồng, dự án này được này được thực hiện ở 99 xã, trên địa bàn 19 huyện. Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện ở 53 xã, bắt đầu từ năm 2006.

Theo tài liệu phóng viên Báo Đời sống và Pháp luật có được, các công trình này sau khi xây dựng xong được Ban quản lý dự án REII bàn giao cho các đơn vị quản lý điện năng tại 53 xã quản lý, sử dụng.

Theo chủ trương của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2013 đến 2015, các đơn vị quản lý điện năng tại các địa phương đã tạm bàn giao 53 công trình của dự án cho Công ty Điện lực Thanh Hóa quản lý.

Tháng 9/2016, Công ty Điện lực Thanh Hóa lập kế hoạch tiến hành kiểm đếm thực tế tại hiện trường. Kết quả kiểm đếm được các đơn vị điện năng xác nhận, Sở Tài Chính, Sở Công thương và Ban quản lý dự án REII thống nhất.

Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/01/2017, Sở Tài chính có Văn bản số 183/STC-ĐT về việc phê duyệt giá trị bàn giao 53 công trình điện thuộc Dự án REII cho Công ty Điện lực Thanh Hóa.

Theo đó, Sở Tài chính Thanh Hóa xác định, tổng chi phí đầu tư đã được phê duyệt quyết toán là 155.734.730.306 đồng; giá trị giảm trừ qua kiểm đếm là 4.158.444.000 đồng. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt giá trị tài sản còn lại bàn giao cho ngành điện đối với 53 công trình là 151.576.286.306 đồng. Như vậy, số tiền thất thoát sau kiểm đếm  là 4.158.444.000 đồng.

Tiếp đó, ngày 28/02/2017, Sở Tài chính có văn bản số 691/STC-ĐT về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung giá trị bàn giao 53 công trình điện lực thuộc dự án REII cho Công ty điện lực Thanh Hóa.

Tại văn bản này, Sở Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh bổ sung chi phí đầu tư đối với 53 công trình, theo đó, tổng chi phí đầu tư đã được phê duyệt quyết toán là 155.734.730.306 đồng; tổng chi phí đầu tư đề nghị phê duyệt điều chỉnh (sau khi giảm trừ qua kiểm đếm bổ sung theo biên bản kiểm đếm bổ sung giữa Ban quản lý REII và Công ty Điện lực Thanh Hóa) là 151.715.947.306 đồng. Như vậy, nếu theo điều chỉnh này, số tiền thất thoát sau kiểm đếm  là 4.018.783.000 đồng.
Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa

Trước dấu hiệu thất thoát hơn 4 tỷ đồng, ngày 24/5/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 5601/UBND-CN chỉ đạo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa làm rõ giá trị, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc khối lượng giảm trừ các công trình điện thuộc dự án REII bàn giao cho Công ty Điện lực Thanh Hóa quản lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa xác nhận việc thất thoát hơn 4 tỷ đồng là có thật. Giám đốc sở Công thương cho rằng, Ban quản lý dự án REII là ban của tỉnh, chứ không phải của Sở Công thương.

Bây giờ tỉnh đang giao cho công an, hiện tại công an cũng chưa điều tra ra tập thể hay cá nhân nào làm thất thoát? Nói thẳng, nếu điều tra được thì thời ông nào, ông ấy phải chịu. Cá nhân ông nào có liên quan thì ông ấy phải bỏ tiền ra mà bù. Cái này là tắc trách của Sở Công Thương ngày xưa thôi”, ông Lam trao đổi.

Được biết, Ban Chỉ đạo dự án REII do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Công thương làm Phó Trưởng ban thường  trực; Giám đốc, Phó Giám đốc một số sở, ngành làm thành viên Ban Chỉ đạo.

Ban Quản lý dự án REII thộc UBND tỉnh Thanh Hóa do Giám đốc Sở Công thương làm Trưởng Ban quản lý; Phó Giám đốc Sở Công Thương làm Phó ban quản lý, một số cán bộ phòng, ban sở Công Thương làm thành viên.

Như vậy, việc thất thoát khi thực hiện các công trình lưới điện hạ áp nông thôn do UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư là có cơ sở.

Nguyên nhân để xảy ra thất thoát là gì? Trách nhiệm của các đơn vị để xảy ra sai phạm đến đâu? Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Bài 2: Nhiều sai phạm tại Ban quản lý dự án REII

Thiên Dương

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-xay-dung-53-cong-trinh-that-thoat-hon-4-ti-tu-nguon-von-vay-oda-a240795.html