+Aa-
    Zalo

    "Thánh phượt" người Việt đầu tiên can đảm vượt Thái Bình Dương bằng bè tre

    • DSPL
    ĐS&PL Ông Lương Viết Lợi (SN 1959), trú tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là người Việt Nam duy nhất trực tiếp lái chiếc bè tre Sầm Sơn cách đây 26 năm vượt Thái Bình Dương.

    Ông Lương Viết Lợi (SN 1959), trú tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là người Việt Nam duy nhất trực tiếp lái chiếc bè tre Sầm Sơn cách đây 26 năm vượt Thái Bình Dương cùng với đoàn thám hiểm do ông Tim Severin, người Anh làm thuyền trưởng cùng với 4 cộng sự. Cuộc gặp gỡ giữa ông Lợi và Tim Severin là cuộc hội ngộ lịch sử của những con người quả cảm và đã đi vào huyền thoại các cuộc thám hiểm của thế giới.

    Nhà thám hiểm lừng danh dày công tìm người đóng bè

    Một ngày cuối tháng Ba, trong cái lạnh còn rơi rớt lại, chúng tôi tìm về Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi gia đình “phượt thủ” Lương Viết Lợi – người Việt Nam duy nhất lái chiếc bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương 26 năm về trước. Khi bước chân tới Sầm Sơn, nhắc tới ông Lương Viết Lợi, hầu hết người dân nơi đây đều biết rõ chỗ ở của gia đình “phượt thủ”. Bà con ở đây vẫn gọi ông là Lợi “tre”.

    Họ giải thích, ở Sầm Sơn có nhiều ngư dân tên Lợi, gọi như vậy để dễ phân biệt với những ông Lợi khác. Lợi “tre” là cách gọi nôm na của người dân vùng biển xứ Thanh để ghi nhớ việc ông Lương Viết Lợi lái chiếc bè tre Sầm Sơn cùng đoàn thám hiểm quốc tế vượt Thái Bình Dương ngày đó. Ngôi nhà của ông Lợi nằm cuối con ngõ nhỏ thuộc phường Trường Sơn, TP.Sầm Sơn.

    Khi chúng tôi tới, trong nhà chỉ có một người đàn ông trung niên, cởi trần, với nước da đen sạm đặc trưng của người dân vùng biển đang cưa cây luồng để gia cố lại chiếc bè tre đi biển. Người đàn ông đó là anh Lương Viết Tài (SN 1986), con trai đầu của vợ chồng ông Lợi. Anh Tài cho hay, bố mình đã đi Hà Nội hội ngộ với mấy người bạn cách đó ít hôm. Sau khi gọi điện cho bố hỏi về lịch trình và dự kiến thời gian trở về nhà, anh Tài đã hẹn chúng tôi quay trở lại vào mấy ngày sau.

    Chiếc bè tre mang tên “Từ Phúc” sau 4 tháng đóng đã được hạ thủy chạy thí nghiệm.

    Ba hôm sau, đúng hẹn chúng tôi tiếp tục quay trở lại ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm ở TP. Sầm Sơn để gặp và tiếp kiến “phượt thủ” từng lái chiếc bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương. Khi thấy có khách tới thăm, ông Lợi vui vẻ, hồ hởi ra mở cổng đón chúng tôi vào nhà. Dù năm nay tròn 60 tuổi, nhưng ông Lợi còn khá trẻ, ánh mắt, cử chỉ rất nhanh nhẹn. Đặc biệt, “phượt thủ” có giọng nói hào sảng, nước da ngăm đen và rắn rỏi của người dân miền biển.

    Khi được chúng tôi đề nghị kể lại câu chuyện của 26 năm về trước, khi “phượt thủ” điều khiển chiếc bè tre cùng với đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương tới Mỹ thì ông Lợi bỗng như “lên đồng”. Ánh mắt sáng lên, mặt mày hồ hởi, tay lật giở những trang sách trong đó có nhiều bức ảnh ông Lợi chụp cùng đoàn thám hiểm.

    “Thánh phượt” đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc gặp gỡ huyền thoại giữa ông và Tim Severin, người Thuyền trưởng chỉ huy cuộc hành trình. Được biết, Tim Severin là nhà thám hiểm sử học nổi tiếng người Anh. Ông nổi tiếng với việc tìm lại các hành trình huyền thoại của các nhân vật lịch sử. Ông Lợi kể, khoảng cuối năm 1988, Tim Severin cùng với một vài người bạn đã lên ý tưởng thám hiểm vượt Thái Bình Dương bằng thuyền buồm. Khoảng 1 năm sau, Tim Severin đã tới Đài Loan tìm hiểu cách đóng bè tre của ngư dân nơi đây để “đặt hàng” cho họ làm bè vượt biển.

    Tuy nhiên, khi tới nơi, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới phải thất vọng quay về vì ngư dân Đài Loan đã không còn dùng loại bè này. Được một người bạn làm ở viện bảo tàng mách nước, năm 1990, Tim Severin từ nước Anh tới Hà Nội để liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam xin làm thủ tục vào Sầm Sơn khảo sát, đóng bè tre vượt Thái Bình Dương. Một năm sau đó, Tim Severin vào Sầm Sơn liên hệ với lãnh đạo thị xã (TP. Sầm Sơn lúc đó là thị xã) để đóng bè tre thí nghiệm.

    Bố con ông Lợi và hàng chục người dân vùng biển Sầm Sơn được thuê đóng bè tre cho nhà thám hiểm Tim Severin. Lúc này, ông Lợi phụ trách công tác thợ mộc (đục đẽo cây luồng, làm cột buồm và buộc dây kết bè...). Trong quá trình làm việc, dù chưa thông hiểu ngôn ngữ của nhau, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ giữa ông Lợi và Tim Severin ngày càng thân thiết và hiểu nhau hơn. Khi chiếc bè thí nghiệm được đóng xong, nhiều ngư dân lớn tuổi có kinh nghiệm được giao trọng trách lái thử lúc sóng mạnh, thậm chí lúc bão đổ bộ vào bờ để nhà thám hiểm kiểm chứng sức chịu đựng của bè tre.

    Trái với kỳ vọng, các ngư dân lão luyện, nhiều kinh nghiệm sóng gió do tuổi cao, sức yếu nên điều khiển bè không được như ý muốn. Thông qua người phiên dịch, Tim Severin đã đề nghị ông Lợi lái thử. Dù sóng to, gió lớn, nhưng chiếc bè tre do ông Lợi cầm lái chạy phăng phăng đưa nhà thám hiểm di chuyển theo ý mình.

    Ông Lợi cùng với gần 30 ngư dân Sầm Sơn được đoàn thám hiểm thuê làm việc trong 4 tháng để hoàn thành chiếc bè tre huyền thoại.

    Cái ôm của người đồng hành

    Sau khi chiếc bè tre thí nghiệm được ông Lợi điều khiển đưa Tim Severin vượt sóng giữ theo ý muốn tại biển Sầm Sơn, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới bất ngờ hỏi “Lợi có muốn vượt Thái Bình Dương tới Mỹ với Tim Severin không?”.

    Sau một phút suy nghĩ, ông Lợi đáp “Tim Severin đi được thì Lợi cũng đi được”. Sau câu trả lời đó, hai con người ở hai thế giới khác đã ôm lấy nhau, coi nhau là người bạn, người đồng hành trong chuyển vượt biển đi vào huyền thoại. “Sau khi tôi đồng ý vượt biển, Tim Severin rất vui. Hàng ngày, Tim Severin cùng ăn, ngủ và bi bô nói chuyện với tôi vài câu vừa học được. Nhiều người lúc đó cho rằng tôi đi theo họ là liều lĩnh, là đánh cược tính mạng, nhưng qua quá trình làm việc với Tim Severin tôi cảm nhận được đây là con người rất giỏi, làm việc khoa học và rất đáng tin cậy. Hơn nữa, với kinh nghiệm của một ngư dân, tôi tin chiếc bè tre Sầm Sơn sẽ an toàn vượt Thái Bình Dương tới Mỹ”, ông Lợi với giọng nói hào hùng kể lại.

    Chiếc bè thí nghiệm ngoài mong đợi, Tim Severin và cộng sự lại bắt tay vào việc thiết kế, tìm nguyên vật liệu, thuê nhân công để đóng con bè tre mang tên “Từ Phúc” chuẩn bị cho chuyến vượt biển. Được ông Lợi và ngư dân Sầm Sơn tư vấn, Tim Severin cùng với lãnh đạo địa phương ngược huyện Quan Hóa tìm mua luồng (họ nhà tre) để về kết bè. Chiếc bè tre “Từ Phúc” có chiều dài 18,3m, rộng 4,6m, cao 1m, xếp 3 lớp, được làm từ gần 500 cây luồng (mỗi cây có đường kính trung bình từ 0,13m). Để hoàn thành được chiếc bè tre huyền thoại này, hơn 30 người thợ lành nghề phải làm việc hơn 4 tháng liên tục. Mỗi ngày làm việc, thời điểm đó được ông Tim Severin trả công cho thợ 2 USD.

    Ngoài ra, để hoàn chỉnh chiếc bè, những người thợ đã sử dụng gần 100km dây mây, dây tre để buộc, kết nối những cây luồng với nhau tạo thành bè mà không sử dụng đinh hay thiết bị nào khác. Khi chiếc bè hoàn thành cũng là lúc ông Tim Severin đưa ra đề nghị ngư dân Lương Viết Lợi cùng với mình và đoàn thám hiểm vượt biển. Từ đề nghị này đã biến ông Lợi trở thành người Việt Nam duy nhất đến thời điểm hiện tại bằng chiếc bè tre gắn buồm vải vượt Thái Bình Dương.

    (Còn nữa)

    Xuân Chinh
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 53
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-phuot-nguoi-viet-dau-tien-can-dam-vuot-thai-binh-duong-bang-be-tre-a269878.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan