+Aa-
    Zalo

    Thanh tra, kiểm tra bảo đảm quyền lợi BHXH của người lao động

    • DSPL
    ĐS&PL Trong 5 tháng đầu của năm 2019, toàn ngành BHXH đã triển khai thực hiện, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại 6.427 đơn vị.

    Trong 5 tháng đầu của năm 2019, toàn ngành BHXH đã triển khai thực hiện, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại 6.427 đơn vị sử dụng lao động.

    Thanh tra chuyên ngành, bảo đảm quyền lợi BHXH cho người lao động. Ảnh: Báo Thanh Tra 

    Thực hiện Quyết định số 1458/QĐ-BHXH ngày 02/11/2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2019, cơ quan BHXH các cấp đã tích cực triển khai thực hiện công tác này.

    Tính đến ngày 15/5/2019, toàn ngành BHXH đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 6.427 đơn vị sử dụng lao động (trong đó thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 2.589 đơn vị; kiểm tra tại 2.938 đơn vị và thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 900 đơn vị).

    Chỉ tính riêng công tác thanh tra chuyên ngành, trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN là hơn 934,1 tỷ đồng; sau thanh tra các đơn vị đã nộp hơn 583,2 tỷ đồng (đạt 62,4% tổng số nợ).

    Các đoàn thanh tra cũng ban hành 161 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền xử phạt hơn 5,7 tỷ đồng và số tiền xử phạt đã thu được gần 2,7 tỷ đồng.

    Đồng thời, qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện khoảng 7.291 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BHYT, BHTN với số tiền phải truy đóng là 29,1 tỷ đồng; phát hiện 898 lao động đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền thoái thu, hoàn trả hơn 1,1 tỷ đồng. Về mức đóng, phát hiện 7.577 lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền truy đóng hơn 7,2 tỷ đồng.

    Từ những con số trên đã thể hiện rằng, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đã được cơ quan BHXH thực hiện quyết liệt và mang lại những hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

    Thông tin trên báo Thanh Tra, ông Nguyễn Đức Hoà, Giám đốc BHXH TP Hà Nội nhấn mạnh, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, tỉ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN giảm hàng năm.

    Cụ thể, trên địa bàn TP Hà Nội, tỉ lệ nợ năm 2016 là 7,99%; năm 2017, tỉ lệ nợ còn 3,9%; năm 2018 là 2,53%. Tính đến tháng 6/2019, có 33.593 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 486.867 lao động; số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 1.928,3 tỉ đồng (giảm 208 tỉ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018)…

    Việc chấp hành quy định về BHXH, BHYT tại TP Hà Nội của nhiều chủ sử dụng lao động không nghiêm túc, chưa có trách nhiệm chăm lo cho người lao động mà tìm cách trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến quyền lợi người lao động không được bảo đảm.

    Công tác đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH của một số nơi chưa sâu sát, quyết liệt, chưa thường xuyên, liên tục.

    Ông Hòa cho rằng, cần đổi mới các hình thức, biện pháp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT hiệu quả tới doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

    Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan, chủ động triển khai thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

    Nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi an sinh của người lao động, tạp chí Tài Chính cho hay, BHXH Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung triển khai một số định hướng cụ thể như: Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành ở trung ương và địa phương về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động. Việc phối hợp phải được cụ thể hóa từ khâu chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đến tổ chức thực hiện.

    Trong đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp với cơ quan công an tại địa phương trong công tác thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo Quy chế phối hợp số 3461 ngày 16/8/2017 giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát về phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các điều luật hình sự về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

    Đồng thời, BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra viên chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. 

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-tra-kiem-tra-bao-dam-quyen-loi-bhxh-cua-nguoi-lao-dong-a287195.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan