+Aa-
    Zalo

    Tháo gỡ "nút thắt" cho nông sản Việt giữa dịch COVID-19

    • DSPL
    ĐS&PL Dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến kinh tế- xã hội trong đó, nông sản Việt đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức về vấn đề kinh doanh và bao tiêu đầu ra.
    giai cuu nong san viet mua covid 19 dspl
    Dịch COVID-19 khiến nhiều nông dân lo lắng về đầu ra nông sản. Ảnh:Thư Lâm

    Khó khăn trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

    Dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó lĩnh vực nông sản Việt cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.

    Một số mặt hàng nông sản đáng chú ý của Việt Nam như: vải, nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng, xoài... bị thương lái từ chối thu mua vì tình hình khó khăn của các chợ đầu mối, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

    Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống& Pháp luật, anh Lâm Hiệp (Cẩm Đàn, Sơn Động, Bắc Giang) cho biết, dịch bệnh khiến anh khá lo lắng về đầu ra cho 500 gốc vải của gia đình.

    "Mọi năm, thương lái nước ngoài thường đặt cọc trước hoặc đánh xe vào tận vườn để thu mua. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh, việc đi lại giao thương bất tiện. Người mua, kể cả thương lái người Việt lẫn nước ngoài tuy vẫn có nhưng vắng hẳn so với các năm trước", anh Hiệp cho biết.

    Không chỉ tại Bắc Giang, hàng trăm tấn nông sản của nhiều tỉnh thành khác cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu.

    Nguyên nhân chính của tình trạng trên trước tiên là do sản xuất hàng hóa nông sản ở Việt Nam ngày một tăng trưởng theo từng mùa vụ. Nguồn cung cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu dồi dào nhưng hệ thống phân phối sự liên kết giữa các vùng miền hạ tầng vận chuyển chưa đủ để đáp ứng, chi phí logistics đã gây thêm những khó khăn cho hàng nông sản Việt.

    Đối với xuất khẩu chính ngạch đã khó, các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 càng khó khăn gấp bội.

    Với thị trường Trung Quốc, khó khăn chủ yếu liên quan đến việc gia tăng kiểm tra các giấy tờ về chất lượng, bảo hiểm phương tiện… Dịch bệnh cũng khiến việc kiểm dịch chất lượng các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ bị ách tắc.

    Việc đối tác nước ngoài không thể nhận hàng như ký kết (do phá sản, tạm thời đóng cửa) đã khiến không ít doanh nghiệp gặp thiệt hại rất nhiều vì đã ký hợp đồng bao tiêu nhà vườn. 

    Xuất khẩu đã khó, tiêu thụ nội địa cũng vướng không ít trở ngại khi mà dịch bệnh bùng phát. Phong trào giải cứu nông sản trong mùa dịch COVID-19 thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ cách cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, một số doanh nghiệp sử dụng nông sản đó tạo ra thêm nhiều sản phẩm mới lạ, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

    Đây là một tín hiệu đáng mừng khi mà các cơ sở chế biến thực phẩm cùng đồng hành với người nông dân thì trong tương lai, các mặt hàng nông nghiệp sẽ có thêm một kênh phân phối hữu hiệu, thúc đẩy phát triển tiêu thụ tại thị trường nội địa. 

    Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể cứ mãi "giải cứu" nông sản. Cần có những kịch bản sẵn cho những tình huống cần giải cứu hàng hóa lúc có dịch hay không có dịch ở các tỉnh thành phố ở nước ta.

    Biến nguy cơ thành cơ hội

    Khó khăn chồng chất khó khăn tuy nhiên, trong mùa dịch COVID-19, việc kinh doanh, xuất khẩu nông sản Việt vẫn có những điểm sáng khi mà hàng thực phẩm thiết yếu có nhiều cơ hội để tăng trưởng.

    Một vài công ty xuất khẩu trái cây đang triển khai nhiều phương án khác để tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu, hạ giá bán, mở rộng thị trường tiêu thụ mới, đẩy mạnh bán tại thị trường nội địa.

    Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, dù dịch bệnh khiến việc sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng đây nhưng cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp nông sản phát triển bởi thực phẩm là thực phẩm là thứ không thể thiếu cho cuộc sống sinh hoạt của mọi người. Đặc biệt, mặt hàng gạo là thực phẩm chính trong bữa ăn của người châu Á.

    Trung An vẫn đang trực tiếp xuất khẩu nhiều lô gạo sang thị trường châu Âu và châu Á. Đặc biệt là trong phiến đấu thầu ngày 14/5 vừa qua, Trung An đã trúng 2 lô thầu xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc với sản lượng lên tới 22.000 tấn. Trước đó, hồi đầu năm, doanh nghiệp này cũng trúng thầu xuất khẩu 11.236 tấn gạo sang thị trường khó tính này.

    Ông Bình cho rằng, việc các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến chất lượng gạo, cũng như khâu bảo quản an toàn, đảm bảo các nguyên tác phòng chống dịch là một trong những lý do giúp ngành gạo Việt Nam thu hút các đối tác quốc tế và đứng vững trong mùa dịch.

    Dù vậy, cũng theo ông Bình, ngành gạo đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là ở khâu logistics như container, vận tải tàu biển,…

    “Chúng tôi đang đóng lô gạo để cuối tháng 6 phải có mặt ở Hàn Quốc nhưng đến hiện tại vẫn chưa thể thuê được tàu. Ngay cả giá container hiện nay cũng đã tăng lên gấp 4-5 lần nhưng doanh nghiệp vẫn phải thuê để giao sản phẩm cho khách hàng đúng hạn”, ông Bình chia sẻ.

    Trước việc chi phí vận chuyển tăng cao, phía Trung An cho biết đã tiết giảm chi phí sản xuất để sản phẩm không bị "đội giá" nhằm mục đích "giữ chân" khách hàng: “Chúng tôi phải tiết giảm chi phí ngay tại công ty, ở các khâu sản xuất chế biến để bù đắp chi phí vận tải chứ không thể để mất khách hàng”, ông Bình nói thêm.

    Không chỉ đối với mặt hàng gạo, để biến nguy cơ thành cơ hội trong mùa dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm nông sản Việt khác cũng cần linh hoạt trong việc sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mục tiêu kép vừa sản xuất vừa phát triển kinh tế, tìm kiếm nhiều nguồn khách hàng tại các thị trường mới phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp.

    Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

    Tại thời điểm dịch bệnh, một vài hộ kinh doanh nông sản nhỏ lẻ, thậm chí ngay cả doanh nghiệp vừa và nhỏ có đội ngũ tiếp thị nhiều nơi trong và ngoài tỉnh cũng tham gia bán hàng tìm cách bán hàng online hoặc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

    Phương thức này ở thời điểm hiện tại chưa đạt hiệu quả cao khi mà việc đi lại, vận chuyển bị hạn chế. Ngoài ra, mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi rất khó để bảo quản và vận chuyển đường dài, dẫn đến khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm không còn đảm bảo về chất lượng.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đưa nông sản Việt lên sàn Thương mại điện tử vẫn là giải pháp mang tính chiến lược và bền vững nhưng cần được thực hiện đồng bộ. Ngoài ra, sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử cần đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

    Việc cải tiến cách thức bảo quản, vận chuyển nông sản tươi cũng là vấn đề quan trọng cần chú ý để đảm bảo về chất lượng, tạo niềm tin đối với khách hàng. 

    Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, chế biến nông sản, giúp nâng cao hơn nữa giá trị nông sản Việt.

    Ngoài ra, sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật, để tránh việc dịch bệnh có thể lây lan giữa các địa phương.

    Hoạt động vận tải ở các vùng, khu vực có dịch phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải đối với các phương tiện vận chuyển, lái xe, áp tải, mua- bán hàng, bốc vác, hậu cần,… và các quy định hiện hành khác.  

    (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

    Bạch Hiền- Hoa Vũ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thao-go-nut-that-cho-nong-san-viet-giua-dich-covid-19-a503964.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đắng đót được mùa nông sản

    Đắng đót được mùa nông sản

    Không chỉ Hải Dương, Hải Phòng ùn ứ nông sản mà hàng trăm tấn nông sản trên địa bàn TP.Hà Nội và nhiều tỉnh, thành như Nghệ An, Đắk Lắk cũng đang trong tình trạng vậy.