Thâu tóm Hương Giang Tourist, 'ông lớn' Bitexco là ai?


Thứ 4, 06/06/2018 | 11:05


Sau những lùm xùm quanh việc Bitexco thâu tóm Hương Giang Tourist, 'ôm trọn' các khách sạn trên đất vàng đắc địa nhất Huế, nhiều người không khỏi tò mò về 'ông lớn' này.

Sau những lùm xùm xoay quanh việc Bitexco thâu tóm Hương Giang Tourist, 'ôm trọn' các khách sạn trên đất vàng đắc địa nhất TP Huế, nhiều người không khỏi tò mò về 'ông lớn' kín tiếng này.

Liên tục thua lỗ, Công ty Hương Giang 'về tay' Bitexco

Công ty CP Du lịch Hương Giang (gọi tắt là Công ty Hương Giang), trụ sở tại số 2 Nguyễn Công Trứ, TP Huế, là doanh nghiệp được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập từ năm 1996, được biết đến là đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn lớn hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên-Huế khi sở hữu khối khách sạn ở trung tâm TP Huế, như khách sạn 4 sao Hương Giang Resort&Spa (51 Lê Lợi, TP Huế).

Ngoài ra, Công ty còn có một số công ty trực thuộc như Công ty TNHH lữ hành Hương Giang (11 Lê Lợi, TP Huế); Công ty CP Du lịch Mỹ An (xã Phú Dương, huyện Phú Vang).

Đồng thời, Công ty còn liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp khác, như liên doanh với Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế (khách sạn 4 sao Saigon Morin, 30 Lê Lợi, Huế, có tỷ lệ góp vốn 50%); liên doanh với Công ty Liên doanh khách sạn Kinh Thành để chi phối hoạt động khách sạn 5 sao La Residence, số 5 Lê Lợi, Huế…

Trong giai đoạn 2007 đến 2013, Công ty Hương Giang đã thực hiện xong cổ phần hóa, vốn Nhà nước chỉ còn 62,86%. Theo giấy chứng nhận đầu tư, vốn điều lệ của Công ty Hương Giang là 200 tỷ đồng và 200 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/1 cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo báo cáo, liên tiếp nhiều năm từ 2014 đến 2016, hoạt động kinh doanh của Công ty Hương Giang bị thua lỗ nặng. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2016 Hương Giang Tourist lại ghi nhận số lỗ lần lượt là 13,7 tỉ đồng, 3,7 tỉ đồng và 7,7 tỉ đồng (đây cũng là thời điểm Bitexco thâu tóm Hương Giang), đến 2017 thì đơn vị này đặt kế hoạch lãi 12,3 tỉ đồng.

Ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra Quyết định số 624 về việc phê duyệt nhà đầu tư là Bitexco nhằm thực hiện thoái vốn Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty Hương Giang; đồng ý thoái vốn trọn lô cho Bitexco với tổng số cổ phần chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, mức giá chuyển nhượng 12.600 đồng/cổ phần, tương đương khoảng 158 tỷ đồng.

Với số tiền bỏ ra chỉ 158 tỷ đồng để mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng với hơn 7,5% cổ phần có trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang và thâu tóm được chuỗi khách sạn có vị trí đắc địa nhất ở thành phố Huế.

Bitexco đã chiếm giữ hơn 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang

Bitexco 'ôm trọn' các khách sạn trên đất vàng đắc địa nhất TP Huế

Chiếm giữ hơn 70% cổ phần của Công ty Hương Giang, Bitexco đã “thâu tóm” được các khách sạn có vị trí đắc địa tại các khu “đất vàng” ở Huế gồm khách sạn Saigon Morin, La Residence, Hương Giang, Trung tâm dịch vụ Festival...

Saigon Morin có địa chỉ tại Số 30 Lê Lợi, Thành phố Huế nằm ngay đầu cầu Trường Tiền, bên bờ sông Hương với bốn mặt tiền đường lớn, góc đường ngã tư Lê Lợi và Hùng Vương. Đây là khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, xây dựng trên khu đất rộng khoảng 7.000m2 với 183 phòng. Hương Giang sở hữu 50% (tính đến 4/2016).

Khách sạn La Residence tại số 5 Lê Lợi, TP Huế, đây là khách sạn 5 sao đầu tiên tại Tp Huế đang được mở rộng ra bờ sông Hương với quy mô khoảng 1,7ha. Hương Giang sở hữu 49% (tính đến 4/2016).

Khu du lịch Lăng Cô Beach resort ở biển Lăng Cô với quy mô 124 phòng nghỉ, trong đó 97 phòng trong các villa. Hương Giang sở hữu 40% (tính đến 4/2016).

Khu du lịch Lăng Cô Beach resort ở biển Lăng Cô với quy mô 124 phòng nghỉ

Trước khi Bitexco nắm quyền kiểm soát, ngay trong năm 2015, Hương Giang và Bitexco đã bắt tay thành lập một liên doanh mang tên Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành để triển khai khu nghỉ dưỡng cao cấp trên khu đất có diện tích 6.300m2 tại số 85 Nguyễn Chí Diễu, ngay cạnh Đại nội Huế.

Bên cạnh đó, Hương Giang Tourist còn sở hữu 2 công ty con cũng đang nắm giữ nhiều khu đất vàng tại TP Huế. Trong đó:

Công ty TNHH lữ hành Hương Giang nắm giữ khu đất ở 11 Lê Lợi (Trung tâm dịch vụ Festival) cùng nhà hàng Bình Minh ở đường Hùng Vương.

Công ty cổ phần du lịch Mỹ An với diện tích 2,2ha và hệ thống mỏ nước khoáng nóng.

Ngoài ra, công ty này còn có khách sạn Morin Bạch Mã và biệt thự Nguyễn Văn Lễ trên núi Bạch Mã hiện đang bỏ hoang.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Huế năm 2016, Công ty CP Du lịch Mỹ An đã nhận Quyết định Chủ trương đầu tư cho Dự án Khu Nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An Huế với tổng vốn đăng ký đầu tư 544,8 tỷ đồng.

Ông chủ Bitexco – Đại gia kín tiếng là ai?

Người xây lên những công trình nhà ở, trung tâm thương mại, cao ốc đẹp long lanh có vốn đầu tư lên tới nghìn tỉ đồng là ông Vũ Quang Hội – chủ tịch HĐQT Công ty Bitexco.

Ông Vũ Quang Hội sinh năm 1963 tại làng Mẹo, tức làng Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh. Cha ông Hội, ông Vũ Quang Huy, bắt đầu với nghề dệt, rồi chuyển sang kinh doanh nước khoáng. Ông Huy chính là người khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu nước khoáng Vital khá nổi tiếng của tỉnh Thái Bình. Ông Huy cũng thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh, tức tập đoàn Bitexco. Năm 70 tuổi, ông Huy về hưu và để lại công ty cho các con, trong đó ông Hội đóng vai trò chủ chốt.

Năm 1984, 21 tuổi, ông Hội theo học ở Đại học Nông nghiệp 1, Hà Nội. Ông ra trường năm 1988 với bằng kỹ sư cơ khí, sau đó về làm việc cho công ty gia đình. Giai đoạn từ 1989 tới 1998, ông là phó giám đốc công ty Bình Minh.

Ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch Bitexco. (Ảnh internet)

Từ năm 1998 tới nay, ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Bình Minh. Ngoài ra, từ năm 2010 tới nay, ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây lắp và đầu tư Sông Đà.

Tập đoàn do ông Vũ Quang Hội làm chủ tịch, Bitexco, tên chính thức là Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh, được bắt đầu từ một doanh nghiệp dệt nhỏ ở tỉnh Thái Bình năm 1985.

Tính tới nay, Bitexco đã trở thành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất nước khoáng, bất động sản, thủy điện, hạ tầng giao thông, tài chính, khoáng sản… Tập đoàn hiện có hàng nghìn nhân công với trụ sở tại Hà Nội và các văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Bình.

Trong ngành kinh doanh nước khoáng, thương hiệu hàng đầu của Bitexco là nước khoáng Vital. Với lĩnh vực bất động sản, Bitexco là chủ đầu tư các dự án Tòa nhà văn phòng Bitexco, Bitexco Financial, các khu dân cư The Manor I và II ở Thành phố Hồ Chí Minh; khu dân cư The Manor, Tòa nhà The Garden, khách sạn J.W. Marriott, khu đô thị The Manora Park City ở Hà Nội…

Tổng doanh thu của tập đoàn Bitexco trong năm 2010 là 1.826 tỷ đồng.

Tạp chí Forbes Việt Nam đã có bài viết về ông Vũ Quang Hội, trong đó Forbes đã gọi ông là một “người xây biểu tượng”. Trả lời Forbes, ông Hội cho biết quan điểm kinh doanh của mình là “lúc nghịch thì phải tính thuận, và lúc thuận thì phải tính nghịch”.

Tâm niệm về cuộc đời, ông Hội chia sẻ: “Tôi dạy các con tôi rằng, ai cũng đi một chuyến tàu cuộc đời và cũng xuống ga cuối cùng. Cuối cùng, anh để lại giá trị gì cho đời?”

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thau-tom-huong-giang-tourist-ong-lon-bitexco-la-ai-a232068.html