+Aa-
    Zalo

    "Thầy cô, cha mẹ được nghỉ ngơi, sao lại bắt con trẻ học ngày Tết?"

    • DSPL
    ĐS&PL Quan điểm không nên giao bài tập về nhà dịp Tết, nhất là với học sinh nhỏ tuổi được nhiều giáo viên ủng hộ.

    Quan điểm không nên giao bài tập về nhà dịp Tết, nhất là với học sinh nhỏ tuổi được nhiều giáo viên ủng hộ.

    Mỗi khi đến Tết Nguyên đán, nên hay không nên giao bài tập Tết cho học sinh luôn là vấn đề có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng để các em không quên kiến thức và không bị trạng thái uể oải sau những ngày nghỉ dài, cần giao bài tập để củng cố lại, không bị hổng kiến thức khi quay lại trường học. Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng kì nghỉ Tết là thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình để gắn kết tình thân, vun đắp những bài học thực tế về ý nghĩa cuộc sống mà không sách vở nào dạy được. Vậy câu hỏi đặt ra: Nên củng cố lý thuyết hay trải nghiệm thực tế?

    Mới đây, nhiều địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Quảng Bình, Lâm Đồng đã chỉ đạo các trường không giao bài tập về nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái. 

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An - Hà Nội) khẳng định quan điểm "không giao bài tập Tết" là hoàn toàn hợp lý. Dù vậy, nếu đem ra phân tích, việc này phải được xem xét trên nhiều phương diện, khía cạnh.

    Cụ thể, theo TS Thu Tuyết, giáo viên có thể cho học sinh 1, 2 bài tập để làm trong thời gian nghỉ Tết, tránh gián đoạn kiến thức quá lâu, ảnh hưởng tâm thế học tập đã vào nếp trong cả năm. Đây cũng là điều cần thiết để duy trì một nét đẹp văn hoá truyền thống từ lâu đời, đó là phong tục "Khai bút đầu năm".

    "Tuy nhiên, việc này chỉ nên thực hiện với tính chất ước lệ của phong tục, không tạo sức ép về số lượng bài tập ở tất cả các môn. Do đó, có thể thống nhất chọn một môn nào đó thuộc khoa học xã hội, ví dụ môn Ngữ văn hoặc Giáo dục công dân..., giúp trò có tinh thần nhẹ nhàng, phấn chấn khi không bị áp lực số lượng bài tập, lại có cảm giác nối tiếp và giữ gìn nét đẹp văn hoá của dân tộc", TS Tuyết nhấn mạnh.

    TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

    Là người có nhiều năm giảng dạy bộ môn Ngữ Văn ở cấp THPT, TS Trịnh Thu Tuyết đặt giả thiết nếu giáo viên cho học sinh quá nhiều bài tập Tết thì đó sẽ là một áp lực cho các em, làm học sinh mất đi sự phấn chấn, chỉ lo lắng hoàn thành khối lượng bài tập mà hết Tết.

    "Niềm vui ngày Tết mất đi đã đành, kể cả niềm vui học tập cũng bị huỷ hoại, các em chỉ còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Và đó cũng là sự không công bằng với con trẻ khi người lớn, từ thầy cô tới cha mẹ được tận hưởng kì nghỉ Tết, được thanh thản đón xuân, còn con trẻ, với khối lượng “bài tập Tết” nặng nề, các em sẽ chỉ còn “bài tập” mà mất “Tết". 

    Nói về quan điểm "không giao bài tập Tết thì học sinh sẽ quên kiến thức", TS Thu Tuyết nhận định đây chỉ là cách nghĩ một chiều. Bởi lẽ, với học sinh ý thức học chưa cao, dù có cho bài tập đủ làm trong suốt kì “nghỉ Tết”, liệu các em có đủ tự giác mà nhớ kiến thức? Và ngược lại, một tuần nghỉ Tết không làm quên kiến thức của những học sinh có ý thức học tập tốt!

    Thêm vào đó, TS Thu Tuyết cho rằng việc đến bây giờ các tỉnh, thành phố mới xem xét đến vấn đề này do nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ một trong số những lý do chính là chúng ta thiếu niềm tin vào khả năng kích hoạt trở lại tâm thế học tập của học trò sau một kì nghỉ tương đối dài, nhất là khi các em được tham gia những hoạt động vui chơi, du lịch quá thoải mái.

    Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Bảo Ngọc (Giáo viên Ngữ Văn trường THCS Nam Trung Yên) cho rằng với học sinh, việc học tập là rất quan trọng, tuy nhiên cần chú trọng tới cả các hoạt động khác trong dịp Tết.

    "Thực tế cho thấy, giao một núi bài tập cho học sinh không cải thiện được điều gì cả, thậm chí dễ tác dụng ngược như tạo tâm lý đối phó: học tủ, chép bài bạn, nói dối,….Nếu là như vậy thì liệu rằng mục đích ban đầu của việc giao bài tập tết có còn tác dụng nữa không?", cô Bảo Ngọc cho hay.

    Theo cô Bảo Ngọc, thay vì giao rất nhiều những lý thuyết trong sách vở, các thầy cô nên giao những bài tập thực tế để học sinh được trải nghiệm trong dịp Tết: giúp cha mẹ dọn dẹp sửa sang nhà cửa, gói bánh chưng, bánh dày, tự tay cuẩn bị món ăn, thăm thầy cô giáo cũ, chúc Tết ông bà, hàng xóm, tham gia vào những hoạt động xã hội,….

    "Có thể yêu cầu các em chụp ảnh lại những sinh hoạt của gia đình và bản thân, của quê hương mình, lưu thành nhật ký, viết cảm nhận và khi đi học chia sẻ cùng thầy cô và các bạn. Những bài học nhỏ nhưng góp phần hình thành nhân cách sống tốt đẹp ở các em, giúp các em hiểu được giá trị của lao động, của tình yêu gia đình. Đó là cách đưa những lý thuyết khô khan từ sách vở ra thực tế cuộc sống, để học sinh không chỉ học mà phải hành", cô Bảo Ngọc nhắn nhủ.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-co-cha-me-duoc-nghi-ngoi-sao-lai-bat-con-tre-hoc-ngay-tet-a355572.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan