Thầy cúng ác tâm có thể cũng tự rước họa vào thân


Thứ 5, 25/12/2014 | 11:39


(ĐSPL) - Theo GS. TS Trần Trí Dõi, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi, khi đồng bào dân tộc thiểu số gặp một “đồ” bị nhiễm độc, yểm

(ĐSPL) - Theo GS. TS Trần Trí Dõi, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi, khi đồng bào dân tộc thiểu số gặp một “đồ” bị nhiễm độc, yểm độc, họ không lý giải được nên sẽ dễ dàng quy cho đó là do lực lượng siêu nhiên tạo nên.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, GS.TS Trần Trí Dõi cho biết, “ma thuốc độc” là một khái niệm tồn tại trong đời sống của các dân tộc thiểu số ở các vùng miền Trung và miền Nam. Trong suy nghĩ của mình, họ có nhận thức về chuyện đó. Người ta suy nghĩ rằng, “ma” là một lực lượng không giải thích được và coi đó là một lực lượng “siêu nhiên”. Khi gặp một đồ bị nhiễm độc, yểm độc, họ không lý giải được nên sẽ dễ dàng quy cho đó là “ma thuốc độc”...

GS.TS Trần Trí Dõi (ảnh: USSH).

Tuy nhiên có một thực tế là, trong môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường tự nhiên thời xưa, có rất nhiều thứ cực độc. Chẳng hạn các loại nấm độc, lá độc và các loại rắn rết... Nếu bị nhiễm các loại đó thì rất dễ nguy hại đến tính mạng. Việc tác động không tốt đến cá nhân hoặc một nhóm người nào đó là điều đương nhiên chứ không phải do tính siêu hình. Khi đồng bào dân tộc gặp những trường hợp như thế, người ta không giải thích được thì họ sẽ thấy sợ và khó chịu. Dù không biết thật giả thế nào, họ vẫn sẽ sợ. Thầy cúng, khi gặp những đồ độc như thế cũng sợ chứ không nằm vào ngoại lệ. Thầy cúng nếu bị tác động bởi các “đồ độc”, nếu không biết cách xử lý thì cũng có thể bị nguy hại chứ không phải họ nhờ có “phép thần kỳ” mà tránh được.

Vị này nhấn mạnh: “Tôi đã từng nghe chuyện về việc có những người lấy độc từ lá cây rừng thả xuống suối khiến cá bị say. Chất độc đó nếu cô đặc lại và thả vào đồ ăn thức uống của người hay động vật thì rất có thể đối tượng nhiễm độc cũng sẽ bị nguy hiểm. Và rồi tất nhiên, khi thấy người ta sợ như vậy thì sẽ có những người đứng ra giải cứu và ứng xử theo nhiều cách khác nhau. Có những người muốn tốt cho đồng bào thì họ không tính đến việc lợi dụng, vòi tiền. Còn những người không tốt sẽ coi đây là cơ hội để lợi dụng lòng tin người khác, kiếm lợi cho mình”.

Theo GS. Dõi, trong nhiều bản làng, có những người biết chế ra thuốc độc. Những người đó biết cách lấy những chất độc trong cây cỏ, con vật... để chế ra hoặc yểm thành các loại “đồ độc”. Và tùy theo mục đích, có người sẽ đem đi hại người. Và rồi có thể, những người đó lại đứng ra giải độc để người khác tin rằng họ có khả năng siêu nhiên. Đồng bào ta thấy thế là cứ mù quáng tin theo rồi đi cúng lễ, đi đến thầy cúng xin “thuốc giải”. Cúng ma là quan niệm về lực lượng thiên nhiên siêu hình. Vì người ta coi “ma thuốc độc” là lực lượng siêu hình nên sẽ đến thầy cúng xin cúng, xin thuốc giải. Nhiều người thiếu hiểu biết đã chuốc họa vào thân, thậm chí khiến bản thân hoặc người nhà tử vong. Chính vì vậy, chúng ta cần tích cực tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn về “ma thuốc độc”, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-cung-ac-tam-co-the-cung-tu-ruoc-hoa-vao-than-a76012.html