Thấy gì từ “tuyên ngôn hành động” của tư lệnh ngành dịp đầu Xuân?


Thứ 6, 27/02/2015 | 13:43


(ĐSPL) - Một tín hiệu vui ngày đầu năm là việc các tư lệnh ngành đã lần lượt đưa ra những tuyên ngôn như là mệnh lệnh hành động cho ngành mình trong năm. Bộ trưởng bộ Kế

(ĐSPL) - Một tín hiệu vui ngày đầu năm là việc các tư lệnh ngành đã lần lượt đưa ra những tuyên ngôn như là mệnh lệnh hành động cho ngành mình trong năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Đổi mới không cần bao tỉ đô la mà cần con người” hay người đứng đầu ngành giáo dục tuyên bố: “Đổi mới giáo dục như một mệnh lệnh cuộc sống” và đặc biệt nhất là tư lệnh ngành giao thông đã nhấn mạnh: “Sau lưng tôi không còn khoảng trống để lùi”...

Mệnh lệnh từ cuộc sống

Điển hình trong những vị tư lệnh ngành có tinh thần đấu tranh quyết liệt chống lại thói trì trệ, yếu kém, có lẽ không thể bỏ qua Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ông là vị Bộ trưởng đầu tiên tuyên bố “không chấp nhận trì trệ, dây dưa, đổ lỗi”, đặc biệt là khi căn bệnh yếu kém xảy ra với ngành giao thông. Ông cũng là vị tư lệnh đi đầu trong việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo Bộ, được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc thay máu thực sự trong công tác tổ chức cán bộ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

Đầu xuân Ất Mùi, giữa bộn bề công việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã đưa ra mệnh lệnh như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho hành động của mình trong năm. Khi được hỏi về thành tựu ấn tượng năm 2014, ông Thăng chia sẻ: “Thực sự thì tôi không có thời gian và hứng thú để xếp hạng những nhiệm vụ mà ngành giao thông đã thực hiện, trong đó có nhiều việc được dư luận đánh giá là ấn tượng và chưa từng có. Hãy ở vào vị trí của tôi, bạn sẽ hiểu và thông cảm. Việc này chưa xong, sự kiện này còn đang nóng thì đã có việc khác, sự kiện khác phải quan tâm. Nó giống như một vòng quay không có điểm dừng”.

Cũng như Bộ trưởng Đinh La Thăng, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh nổi tiếng là vị tư lệnh hành động. Với tính quyết liệt, thẳng thắn, sẵn sàng đương đầu với thử thách, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn được ví như “lấy đá ghè chân mình”. Trước những vận hội và thách thức đang chờ đợi phía trước, ngay từ khi đất nước bước sang thềm năm mới, Bộ trưởng Vinh đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người cán bộ. Ông khẳng định: “Việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế của Việt Nam là cần thiết. Điều này không cần dùng nhiều tiền bạc, không cần bao nhiêu tỉ đô la mà cần sự đổi mới ở mỗi cán bộ, vị trí công tác, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao”.

Một nhân vật khác cũng để lại ấn tượng ngay từ những ngày đầu năm mới chính là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Vị tư lệnh từng ghi dấu ấn với tuyên bố “sẽ can thiệp để công chức có nhà ở” đã xông đất chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời bằng một tín hiệu vui khi nhấn mạnh: Năm 2015, thêm cơ hội để ước mơ có nhà của người dân thành hiện thực. Quyết tâm của Bộ trưởng Dũng sẽ là nguồn động viên đối với người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp đang tha thiết muốn có một mái nhà theo đúng nghĩa để ổn định cuộc sống.

Nhìn lại năm qua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đề xuất, ban hành nhiều chính sách có lợi cho người dân, khơi thông thị trường và giải quyết nhiều tình huống nhanh chóng, kịp thời. Đúng như nhận định của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: “Có chuyên môn vững, bản lĩnh tốt, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Trong những ngày đầu xuân, chia sẻ với PV, vị lãnh đạo ngành xây dựng nhấn mạnh, thị trường bất động sản đã được hồi phục và nguồn cung nhà ở ngày càng nhiều hơn. “Thời điểm hiện tại giá cả nhà ở cũng đã ổn định hơn. Nhà ở xã hội đang được đặc biệt đẩy mạnh với sự hỗ trợ của Nhà nước, do đó, đây cũng là cơ hội để người dân biến ước mơ có một căn nhà mới trở thành hiện thực”, Bộ trưởng Dũng nói.

Những luồng gió mới

Năm 2015 được đánh giá là năm của nhiều vận hội cũng như thách thức. Người xưa có câu “đầu xuôi đuôi lọt”. Thế nên, những phát ngôn thể hiện quyết tâm của các vị Bộ trưởng nhân dịp năm mới được dư luận đánh giá cao. Người dân đang kỳ vọng, với trách nhiệm của những người điều hành ghế nóng, quyết tâm trên sẽ được cụ thể hóa.

Vẫn biết rằng, từ phát ngôn ấn tượng đến hành động ấn tượng cũng còn cần rất nhiều sự kiểm chứng của thực tiễn. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng: Các Bộ trưởng đã thể hiện được quan điểm riêng của mình về những vấn đề bức xúc mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với PV, GS.TS Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá cao những mệnh lệnh hành động của các Bộ trưởng ngày đầu năm mới. Theo GS. Đào, đây không chỉ là phát ngôn mà còn là lời hứa, quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo đối với ngành trong năm.

Nhìn nhận về ngành giao thông trong năm qua, GS. Đào đặc biệt đề cao những chuyển biến tích cực từ nội tại. Theo đó, từ chỗ những tiêu cực là chuyện nội bộ, xử lý nội bộ, thì nay mọi thứ công khai, minh bạch trước dư luận, quy trách nhiệm rõ đối với các bên liên quan...

Cũng theo vị chuyên gia đến từ ĐH Kinh tế Quốc dân, dù Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo quyết liệt đổi mới ngành đường sắt, thế nhưng tại một số nơi vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực.

“Tôi quê ở Quảng Bình. Mọi năm người dân than phiền nhiều về chuyện giá cả “nhảy múa” dịp Tết, thế nhưng năm nay, tôi đặc biệt hài lòng, giá cả được kiềm chế và tương đối ổn định. Thế nhưng, tôi vô cùng bức xúc trước tiêu cực tại một số ga tàu. Ngành đường sắt có chủ trương không bán vé tiễn 2.000 đồng, bởi số tiền trên đã bao hàm cả trong giá vé. Thế nhưng, có một điều lạ, năm nay, do không bán được vé đó, họ đã bắt chẹt người dân bằng cách không cho ra tiễn, không cho ra đón, muốn ra phải thuê xe đẩy. Thậm chí, nếu muốn qua cửa phải “lót tay” 50.000 đồng (!?)... Tôi hy vọng Bộ trưởng Thăng sẽ chỉ đạo làm rõ và giải quyết dứt điểm những tiêu cực này”, GS. Đào cũng gửi tới Bộ trưởng Đinh La Thăng lời nhắn về những hạt sạn vẫn còn tồn tại trong ngành và hy vọng Bộ trưởng sẽ xử lý dứt điểm trong năm mới.

Khi được PV báo Đời sống và Pháp luật tham vấn quan điểm về lời hứa của các Bộ trưởng, nhiều ý kiến thẳng thắn đánh giá, trong bối cảnh xã hội hiện nay, trách nhiệm cá nhân của những tư lệnh ngành ngày càng đòi hỏi rõ ràng và minh bạch hơn. Có thể tư lệnh ngành này được nhiều người yêu quý vì đã quyết liệt làm được nhiều việc mà tư lệnh ngành khác chưa làm được. Vẫn biết rằng, có thể là còn quá sớm để khẳng định điều gì nhưng với những phát ngôn và hành động bước đầu của các Bộ trưởng, người dân có quyền hy vọng sẽ có những luồng gió mới, mang lại một diện mạo mới cho từng lĩnh vực nói riêng và chính sách nói chung.

Chờ đợi những cái “bắt tay” của các tư lệnh

Đánh giá cao quyết tâm của cá nhân các vị Bộ trưởng nhưng GS. Đặng Đình Đào cũng mong muốn trong năm mới, các vị tư lệnh cần “bắt tay” chặt hơn, tạo mối liên kết để phát triển kinh tế, hướng đến người dân. “Chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là vô cùng đúng đắn. Tuy nhiên, theo tôi, ngành này cần tối ưu hóa hơn nữa, tiết kiệm chi phí hơn nữa để những người lao động thực sự tiếp cận được với căn nhà mơ ước. Để làm được việc này cần sự “bắt tay” của tư lệnh nhiều ngành, cả tài chính, ngân hàng, giao thông… chứ không riêng ngành xây dựng”, GS. Đào nhấn mạnh.

Năm 2015, nhiều ngân hàng sẽ bị mua lại với giá 0 đồng

Cũng nhân ngày đầu xuân, trao đổi với báo giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chính thức tuyên bố: Trong thời gian tới sẽ có 6 – 8 NH yếu kém sẽ bị NHNN mua lại với giá 0 đồng/cổ phần như với trường hợp của Ngân hàng Xây dựng (VNBC). Theo Thống đốc Bình, đây là điều phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Một khi các cổ đông làm mất hết vốn thì bắt buộc phải ra đi, và trong trường hợp đó NHNN sẽ tiếp quản lại để giữ ổn định hệ thống và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong hệ thống đó. Ngoài ra, sẽ có nhiều ngân hàng sẽ hợp nhất, sáp nhập, kể cả các ngân hàng đang khỏe mạnh cũng có thể sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô hơn, hoạt động tốt hơn.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-gi-tu-tuyen-ngon-hanh-dong-cua-tu-lenh-nganh-dip-dau-xuan-a85329.html