+Aa-
    Zalo

    Thế giới ngầm “chế” bằng giả: Đâu là "điểm cốt tử”?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Quan trọng là phải xử lý nghiêm các tổ chức “để lọt” bằng giả đó. Vì họ có trách nhiệm phải kiểm tra năng lực, bằng cấp của nhân sự khi tuyển dụng vào.
    (ĐSPL) - Có hay không chuyện các đối tượng này có tay chân trong tại ĐHQG TP.HCM và được “bảo kê”? Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời. Có một thực tế, bằng giả “lọt” mắt nhà tuyển dụng vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, các đối tượng buôn bán bằng giả ngày càng tinh vi, trong khi các chế tài để xử lý lại còn nhiều hạn chế.
    Giải mã nguồn gốc “cơn cuồng phong bằng giả”
    Trao đổi với chúng tôi về việc một số đối tượng cho rằng, có tay chân để lấy phôi từ các trường thuộc ĐHQG TP.HCM để làm bằng giả... “như thật”, ông Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học và Sau đại học, ĐHQG TP.HCM cho biết: “Các đối tượng rao bán bằng giả thì bao giờ cũng phải quảng cáo là làm bằng như thật và lấy được phôi từ chính trường mà khách có nhu cầu làm bằng. Đó là chuyện của họ, còn thật bao nhiêu phần trăm thì chưa ai biết được. Nhưng điều đó tác động đến tâm lý của mọi người”.
    Thế giới ngầm “chế” bằng giả: Đâu là
    Thế giới ngầm “chế” bằng giả: Đâu là "điểm cốt tử”?
    Theo ông Chính, việc quản lý phôi và bằng của các trường là điều rất quan trọng, bài bản, cẩn thận. Ông Chính lý giải: “Tại ĐHQG TP.HCM, có quy trình quản lý, biện pháp an ninh rất chặt chẽ. Việc in phôi bằng chặt chẽ như là in tiền. Công tác làm bằng có nhiều khâu, mọi khâu được giám sát đầy đủ và có biên bản ghi lại toàn bộ công việc trong quá trình làm bằng tốt nghiệp. Mỗi cái phôi bằng đều được qua những công đoạn riêng để kiểm tra chéo lẫn nhau và có in seri, gống như seri tiền. Do đó, khả năng có tay trong lấy phôi bằng từ ĐHQG ra là rất khó. Tôi không dám nói là 100\%, nhưng khả năng rất hẹp”.
    Trước thông tin mà chúng tôi cung cấp về một số đối tượng làm bằng giả nói “có phôi của ĐHQG TP.HCM”, ông Chính chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại quy trình khi nhận được thông tin của báo Đời sống và Pháp luật. Cũng có thể xảy ra tình trạng phôi bằng thật của ĐHQG bị tuồn ra ngoài”.
    Ông Chính cũng cho biết: “Hiện nay, bằng cấp đối với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới không phải là quan trọng, nó cũng chỉ như là một giấy chứng nhận thông thường. Để kiểm tra, họ dựa trên những thông tin: Số seri bằng, tên người được cấp bằng... Những đối tượng sử dụng bằng giả không thể sử dụng được bằng của mình. Bởi bằng nhiều khi là phôi thật, tên thật nhưng không nằm trong sổ lưu của nhà trường. Trong khi, điều đó là quan trọng nhất”.  
    Ông Chính cho biết thêm: “Về công tác này, ĐHQG TP.HCM kiểm tra rất chặt chẽ đầu ra của sinh viên về mọi thông tin. Khi có một đơn vị có yêu cầu xác nhận là sinh viên này có học ở đây hay không, chúng tôi sẽ kiểm tra ra ngay đồng thời có câu trả lời trong vòng ba ngày. Do đó bằng giả dù nó giống như thật nhưng giá trị sử dụng là không có. Những đối tượng sử dụng bằng giả của ĐHQG là không có khả năng đưa vào sử dụng trên thực tế được. Chúng tôi khẳng định thế để cho xã hội yên tâm. Hiện nay, trong hệ thống đại học quốc gia chưa có trường hợp phát hiện người sử dụng bằng giả”.
    Chia sẻ với chúng tôi về việc xử lý các đối tượng làm bằng giả, ông Chính chia sẻ, quan trọng là phải xử lý nghiêm các tổ chức “để lọt” bằng giả đó. Vì họ có trách nhiệm phải kiểm tra năng lực, bằng cấp của nhân sự khi tuyển dụng vào. Biết là bằng giả, nhưng vẫn chấp nhận nên mới có một số người đi tìm làm bằng giả. Bởi có cầu mới có cung, nếu bắt và xử lý người này thì sẽ có người khác nhảy vào làm nên không giải quyết tận gốc vấn đề.
    Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định cho rằng, kỹ thuật in ấn hiện nay đã hỗ trợ nhiều cho các đối tượng xấu làm bậy. Ngay cả tiền họ còn in giả được thì bằng cấp là chuyện nhỏ. Quan trọng là chuyện bằng cấp đang được coi trọng nên dẫn tới những tình trạng trên.
     
    Bằng cấp giả làm trì trệ cả bộ máy hành chính
    Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn buôn bán, sử dụng bằng cấp, học vị giả hiện nay, Đại tá Trần Sơn, lãnh đạo phụ trách hình sự, Công an thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) cho biết: “Tội phạm buôn bán bằng cấp, học vị giả hiện nay ngày càng tinh vi. Các đối tượng này luôn tìm mọi cách để qua mặt các cơ quan chức năng. Thời gian qua, các đối tượng bị công an bắt giữ chỉ là một phần rất nhỏ. Hiện nay, đối tượng tội phạm này khá nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu “cần” trong xã hội. Trong đó, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ giấy phép lái xe ô tô, xe máy ngày càng cao”.
    Đại tá Sơn lý giải: “Nhiều người cho rằng việc sử dụng giấy phép lái xe giả chỉ là việc hết sức bình thường. Tuy nhiên, đằng sau đó là những ẩn họa khôn lường. Bên cạnh đó, việc buôn bán, sử dụng bằng cấp, học vị giả hiện nay đã làm trì trệ cả một bộ máy chính quyền. Bởi những bằng cấp, học vị giả đó chỉ làm đẹp cho hồ sơ xin việc hoặc thăng quan, tiến chức. Vấn nạn đó chỉ có thể sản sinh ra đội ngũ cán bộ đông về “lượng” nhưng thiếu hụt trầm trọng về chất”.
    “Điểm cốt tử” trong cuộc chiến chống bằng giả
    Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng chế tài xử lý các đối tượng buôn bán, sử dụng bằng giả còn quá nhẹ.
    Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho hay: “Theo quy định của pháp luật hiện nay thì các đối tượng buôn bán bằng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 267 của Bộ luật Hình sự có quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng”.
    Xử lý hình sự sẽ triệt tiêu nhu cầu bằng giả?
    Theo luật sư Hậu, các chế tài nói trên là khá nhẹ và không đủ sức răn đe, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả hành vi vi phạm.  Bên cạnh đó, tình trạnh buôn bán bằng giả tràn lan như hiện nay còn có nguyên nhân từ việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan hữu quan, không phát hiện kịp thời các đường dây làm bằng giả.
    Thế giới ngầm “chế” bằng giả: Đâu là
    Tang vật cúa một vụ án làm bằng giả.
    Luật sư Hậu chia sẻ thêm, pháp luật cũng cần xử lý mạnh hơn nữa đối với hành vi sử dụng bằng giả. Cụ thể là như quy định hiện nay thì người sử dụng bằng giả phải có mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì mới phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có hai hình phạt được đặt ra đối với người sử dụng bằng giả là phạt tiền đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù đến ba năm.
    Tuy nhiên, để triệt để vấn nạn mua bán bằng giả ngày càng tràn lan thì các cơ quan chức năng nên xử lý hình sự đối với bất kỳ người nào có hành vi sử dụng bằng giả vào bất kỳ mục đích nào. Đồng thời, cơ quan công an cần hoạt động tích cực hơn nữa trong việc phát hiện, truy tìm những người sử dụng bằng giả.
    Nếu thực hiện được những điều này, người có ý định sử dụng bằng giả sẽ không dám mua bằng giả. Từ đó, các đối tượng buôn bán bằng giả sẽ không còn cơ hội để thực hiện việc buôn bán trái pháp luật của mình nữa.
    Trao đổi với PV về thực trạng quản lý các trang web hiện nay, một cán bộ sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết: “Việc một số cá nhân tự lập các trang website cá nhân để quảng bá, buôn bán không thuộc sự quản lý của sở. Bản thân người đăng ký tên miền của trang web đó phải tự quản lý về nội dung thông tin của trang đó. Sở chỉ quản lý các trang mạng tổng hợp và có đăng ký với sở. Đối với các tin vặt có đăng trên các trang mạng tổng hợp thì sẽ chịu sự quản lý của sở. Đây chính là lý do khiến cho việc quản lý thông tin gặp nhiều khó khăn hơn”.
    Bằng cấp không phản ánh năng lực
    Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, các nhà tuyển dụng thường đòi hỏi, yêu cầu bằng cấp chứng chỉ mà chưa chú ý kiểm tra năng lực, kỹ năng, phẩm chất của người lao động đối với công việc. Bên cạnh đó, hiện nay các đơn vị đào tạo cũng như các đơn vị sử dụng lao động, kể cả các cơ quan Nhà nước ít chú ý tới khâu kiểm tra tính xác thực của văn bằng. Do đó, người mua bằng, chứng chỉ giả vẫn vô tư sử dụng.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/the-gioi-ngam-che-bang-gia-dau-la-diem-cot-tu-a30105.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.