+Aa-
    Zalo

    Học giả thế giới: Trung Quốc “bắt nạt” ở Biển Đông

    ĐS&PL (ĐSPL) - Nhiều học giả quốc tế cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong EEZ của Việt Nam là “hết sức nguy hiểm”, “lấy sức mạnh đặt điều kiện quan hệ”.
    (ĐSPL) - Nhiều học giả quốc tế cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong EEZ của Việt Nam là “hết sức nguy hiểm”, “lấy sức mạnh đặt điều kiện quan hệ”.
    Học giả thế giới: Trung Quốc “bắt nạt” ở Biển Đông

    Tàu Trung Quốc dùng vòi rống tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam.

    Giới chuyên gia Nga, theo Vietnam+, hết sức quan tâm tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.
    Ông Dmitry Mosyakov, chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu phương Đông đánh giá hành động của Trung Quốc hết sức nguy hiểm. Các kế hoạch của Trung Quốc còn nguy hại ở chỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể mối quan hệ với Việt Nam nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng.
    Ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng đối ngoại Nga, cho rằng Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng và kiểm tra ngưỡng chịu đựng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ, mặc dù giữa Việt Nam và Mỹ không có thỏa thuận hợp tác quân sự.
    Trung Quốc muốn dò xem có thể tiến được bao xa nữa trong cuộc chơi “cơ bắp” và qua đó đánh giá tính hiệu quả của hệ thống an ninh khu vực.
    Trên thực tế, mỗi cuộc đụng độ là một lần kiểm tra của Trung Quốc. Trong đó có cả mục đích kiểm tra cấu trúc an ninh khu vực được xây dựng trên hệ thống quan hệ của Mỹ với các đồng minh và các thiết chế đa phương khác trong ASEAN.
    Còn theo ông Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông… gây ra căng thẳng, làm phương hại lòng tin và khiến các quốc gia liên quan phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới. Hành động của Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng tình hình, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch đã tuyên bố về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị.
    Trong khi đó, theo BBC, nhà nghiên cứu Jonathan London của Đại học Thành thị Hong Kong cho rằng  Trung Quốc đã bộc lộ rõ “tham vọng” và  “có thể sẽ lặp đi lặp lại lối ứng xử sử dụng sức mạnh, đe dọa sử dụng sức mạnh và lấy sức mạnh đặt điều kiện quan hệ”.
    Ông London nói: "Qua các diễn biến và động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông mà nay là vụ giàn khoan HD-981, người ta càng thấy rõ dường như Trung Quốc đang tiến hành một sách lược khác và đó là sự 'bất trắc chiến lược'. Vụ giàn khoan (HD-981) là một thử nghiệm chiến lược bất trắc này và chưa biết bao giờ Trung Quốc sẽ rút giàn khoan. Hay sẽ rút từ chỗ này, đưa sang chỗ khác và gây tranh chấp, xung đột tương tự, hoặc rút đi, rồi lại trở lại”.
    Nhà nghiên cứu London cho rằng Việt Nam cần phải có đối sách mới,  trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có xu thế “lấn lướt”, “hung hăng” và “khó lường” hơn trong khu vực.
    Một nhà nghiên cứu quốc tế khác là Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực tranh chấp ở Hoàng Sa là một phép thử đối với các quốc gia trong khu vực và các đối thủ cường quốc ngoài khu vực.
    Giáo sư Carl Thayer nói: "Động thái này dường như… để đối đầu với chuyến đi của ông Obama tới bốn nước ở Châu Á và Trung Quốc đã lựa chọn một quốc gia không là đồng minh của Mỹ là Việt Nam để thử thái độ của Mỹ”. Ông nói thêm: “Người Mỹ chỉ có thể bày tỏ sự quan ngại và phát biểu rằng đây là hành động có tính ‘khiêu khích' của Trung Quốc, mà khó có thể làm được gì hơn”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-gia-the-gioi-trung-quoc-bat-nat-o-bien-dong-a32629.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan