Phương Tây "gieo gió, gặt bão" ở Trung Đông


Thứ 5, 04/09/2014 | 06:45


(ĐSPL) - Theo cây viết người Mỹ Ben Reynolds, thay vì đổ lỗi cho Iran về sự trỗi dậy của ISIS, phương Tây và các đồng minh phải tự trách mình.

(ĐSPL) - Theo cây viết người Mỹ Ben Reynolds, thay vì đổ lỗi cho Iran về sự trỗi dậy của ISIS, phương Tây và các đồng minh phải tự trách mình.
 - Phương Tây 'gieo gió, gặt bão' ở Trung Đông

Phương Tây và các đồng minh khu vực "gieo gió, gặt bão" ở Iraq và Syria.

Trong một bài đăng trên tạp chí The Diplomat, cây viết người Mỹ Ben Reynolds (bang Virginia) cho rằng trên thực tế, Mỹ, Tây Âu và các đồng minh khu vực chịu phần lớn trách nhiệm về sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan như “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS).
Thảm họa chiến lược ở Iraq
Cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 quả là một thảm họa chiến lược. Trái với mọi dự đoán vào thời điểm đó, chế độ thế tục của Saddam Hussein đã ngăn chặn al-Qaeda hoạt động ở trong và ngoài  Iraq. Cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu đã làm thay đổi tất cả.
Chiến tranh xâm lược Iraq đã lật đổ Saddam, làm cho đất nước này mất ổn định và dẫn đến tình trạng “nồi da, xáo thịt” “huynh đệ tương tàn”. Nó cũng làm cho Iraq trở thành một nơi trú ẩn và một mảnh đất màu mỡ cho các chi nhánh al-Qaeda. Al Qaeda tại Iraq (AQI) - tiền thân của ISIS - được thành lập vào tháng 4/2004. AQI tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào thường dân và nhà thờ Hồi giáo Shi’ite, với hy vọng làm dấy lên một cuộc xung đột giáo phái rộng lớn. Trước tình hình đó, đương nhiên là Iran phải hỗ trợ lực lượng dân quân Shi’ite, những người cùng giáo hệ và chiến đấu chống các lực lượng cực đoan như AQI. Iran gây dựng quan hệ với chính phủ Maliki là nhằm nắm bắt cơ hội để biến Iraq từ một đối thủ chiến lược thành một đồng minh chiến lược.
Khi giúp thành lập chính phủ Iraq, Mỹ luôn hỗ trợ Thủ tướng Maliki, thậm chí còn hỗ trợ ông này thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến. ​​Trên thực tế, Mỹ có nhiều công cụ hơn Iran trong việc củng cố thế lực cho Maliki. Thủ tướng Maliki đã bị người Hồi giáo Sunni căm ghét vì đàn áp các đối thủ và theo đuổi chính sách phân biệt đối xử trong chính phủ cũng như trong lực lượng vũ trang.
Châm ngòi bất ổn ở Syria
Câu chuyện Syria thậm chí còn bi kịch hơn. Phong trào phản đối dân sự nhanh chóng biến thành một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ Syria. Trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Syria, Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập và nhìn thấy đây là cơ hội để gây bất ổn cho một đồng minh chủ chốt của Iran và Hezbollah - kẻ thù địa chính trị của họ. Khi cuộc nội chiến trở nên sâu rộng, các nhóm cực đoan gia nhập cuộc chiến chống lại những gì mà họ cho là chế độ thế tục. Các nhóm này cũng thụ hưởng của một lượng lớn vũ khí và tài trợ từ các đồng minh khu vực của Mỹ.
Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ý tài trợ cho nhóm cực đoan Jabhat al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Jabhat al-Nusra nhanh chóng trở thành một trong những nhóm phiến quân chiến đấu có hiệu quả nhất chống lại chính phủ Syria. Khi nhóm “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria” (ISIS) đánh nhau với Jabhat al-Nusra vì những vấn đề giáo lý, nhiều thành viên Jabhat al-Nusra cũng chạy sang hàng ngũ của ISIS. Nhiều nhà phân tích cho rằng một số lượng lớn tiền tài trợ và vũ khí của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã rơi vào tay ISIS.
Sự can dự của Mỹ trong cuộc xung đột Syria cũng là điều đáng nói. Ngay từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, chính quyền Obama đã nói thẳng ra rằng cần phải lật đổ chế độ Bashar al-Assad và điều này không có gì bất ngờ. Mỹ đã cung cấp viện trợ phi sát thương cho quân nổi dậy Syria và cuối cùng ngấm ngầm trang bị vũ khí cho họ. Hơn thế nữa, Mỹ còn thành lập và vận hành một trại huấn luyện cho quân nổi dậy ở miền bắc Jordan.
Khi chính quyền Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ chuẩn chi 500 triệu USD để đào tạo và trang bị cho các nhóm “nổi dậy ôn hòa” ở Syria, Lầu Năm Góc đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các “chiến binh ôn hòa” để đào tạo và trang bị vũ khí. Trong khi đó, lực lượng “chiến binh ôn hòa” không tồn tại trên thực tế ở Syria. Với chiến thắng của ISIS tại Iraq, chiến lược “thúc đẩy ngọn lửa chiến tranh ở Syria mà không cho phép bên nào giành chiến thắng” của Mỹ cuối cùng cũng đã bộc lộ những mâu thuẫn vốn có của nó.
Phương Tây “gieo gió, gặt bão” ở Trung Đông

Hai nhà báo Mỹ đã bị phiến quân ISIS chặt đầu một cách dã man.

Mỹ và các đồng minh đã châm ngòi tình trạng bất ổn ở Iraq và Syria cũng như tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ cực đoan trước đó vốn không tồn tại. Một số nước đồng minh của Mỹ ở khu vực đã cung cấp tiền bạc, vũ khí, hỗ trợ vật chất cho phép “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria” (ISIS) – sau này đổi tên thành “Nhà nước Hồi giáo” (IS) -  trở thành mối đe dọa đối với toàn bộ khu vực. Việc Iran và Hezbollah chiến đấu chống lại các nhóm cực đoan này không có gì đáng ngạc nhiên, khi ISIS giết người tàn bạo và tìm cách nô dịch người Shi’ite thiểu số và tôn giáo khác ở Syria. Iran là lực lượng nước ngoài quan trọng nhất chống ISIS kể từ những ngày đầu của cuộc nội chiến Syria. Quân đội Syria liên tục bị khốn đốn bởi vấn đề thiếu nhân lực và vũ khí. Chính phủ Syria khó có thể trụ vững mà không cần đến sự hỗ trợ của Lực lượng Qods của Iran và Hezbollah - đồng minh của Iran – về người và vũ khí. Iran chính là đối tác khu vực khả thi nhất cho một liên minh thực dụng tạm thời để đối phó với ISIS.
Thay lời kết, cây viết người Mỹ Ben Reynolds cho rằng các nhóm cực đoan như ISIS và Jabhat al-Nusra đã trỗi dậy sau “các cuộc can thiệp quân sự tai hại” của phương Tây và của các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia, Qatar. Khi tìm kiếm những kẻ chịu trách nhiệm về sự phát triển bùng phát của ISIS, phương Tây và các đồng minh của họ chỉ cần nhìn vào gương là thấy rõ.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phuong-tay-gieo-gio-gat-bao-o-trung-dong-a49280.html