Bí mật thương vụ mua tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên được hé lộ


Thứ 4, 21/01/2015 | 23:44


(ĐPSL) – Tàu sân bay Liêu Ninh vẫn còn 4 động cơ nguyên vẹn khi được một doanh nhân mua về và sau đó chuyển giao cho quân đội Trung Quốc cách đây 17 năm.

(ĐPSL) – Tàu sân bay Liêu Ninh vẫn còn 4 động cơ nguyên vẹn khi được một doanh nhân mua về và sau đó chuyển giao cho quân đội Trung Quốc cách đây 17 năm.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 19/1 đã có bài viết hé lộ danh tính doanh nhân Trung Quốc mua tàu sân bay chưa hoàn thiện của Ukraine về để làm casino. Con tàu này sau đó đã trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Ông Từ Thăng Bình (phải) và cựu phó tư lệnh hải quân Trung Quốc Tô Sỹ Lương trên boong tàu Liêu Ninh. Ảnh: SCMP.

Lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, doanh nhân Xu Zengping (Từ Tăng Bình) đã đưa ra những thông tin tiết lộ chưa từng được biết đến về nhiệm vụ mà ông được giao, rằng từ lâu Trung Quốc đã khát khao với giấc mộng sở hữu hàng không mẫu hạm.
Động cơ của chiếc tàu vẫn trong tình trạng nguyên vẹn khi Ukraine năm 1998 quyết định bán. Đây là một chi tiết nhạy cảm về mặt quân sự và hoàn toàn trái ngược so với những gì Trung Quốc tuyên bố vào thời điểm đó.
Tất cả 4 động cơ của chiếc tàu sân bay lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo đã được niêm phong, bảo quản bằng dầu mỡ trong điều kiện hoàn hảo sau khi công tác chế tạo con tàu này bị Liên Xô trì hoãn vào năm 1992. Một tín hiệu về kỹ thuật khá hấp dẫn đối với những quốc gia đang tìm mọi cách để hiện đại hóa đội ngũ quân sự của mình như Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên một người có liên quan tới thương vụ này công khai xác nhận các động cơ của tàu sân bay vẫn còn khi nó được mua lại. Theo những báo cáo trước đây, hệ thống phát điện, điện tử và vũ khí của tàu đã bị tháo dỡ trước đó tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev của Ukraine trên Biển Đen.
"Khi kỹ sư trưởng của xưởng đóng tàu đưa tôi đến phòng động cơ, tôi phát hiện ra 4 động cơ vẫn còn mới nguyên và được phủ dầu rất cẩn thận. Một động cơ trong số này đã có giá gốc là 20 triệu USD", SCMP dẫn lời ông Từ cho biết.
Ông Từ cho biết xưởng đóng tàu đồng ý bán bởi tình hình bất ổn khiến họ rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. "Phía Trung Quốc cố ý đưa thông tin sai về việc động cơ bị tháo dỡ để giúp ông Từ dễ dàng đàm phán hơn với xưởng đóng tàu", South China Morning Post dẫn lời một nguồn tin thông thạo vấn đề cho hay.

Ông Từ (phải) và kỹ sư trưởng tàu sân bay Ukraine năm 1998.

Truyền thông phương Tây khi đó cũng khẳng định Mỹ đã gây sức ép buộc Ukraine phải tháo rời mọi thiết bị lắp đặt trên chiếc tàu sân bay và chỉ bán duy nhất phần vỏ cho khách hàng.
Một đại tá nghỉ hưu thuộc lực lượng hải quân Trung Quốc nhận định "nhiều khả năng" tàu Liêu Ninh hiện tại vẫn sử dụng các động cơ nguyên bản của Ukraine.
Việc mua lại chiếc tàu sân bay chỉ là bước khởi đầu. Phải đến 4 năm sau người ta mới có thể kéo nó từ Ukraine về tới bến cảng Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, đồng thời mất thêm 10 năm nữa để trùng tu.
Video tham khảo:
Trung Quốc tung MV khoe sức mạnh tàu sân bay Liêu Ninh
Theo, nhà quan sát quân sự tại Macau, Antony Wong Dong nhận định động cơ trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã được cải tiến dựa vào sự giúp đỡ của Ukraine. "Hệ thống đẩy nguyên bản được thiết kế cho tàu Liêu Ninh giống với tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga, vận tốc tối đa đạt 32 hải lý/giờ. Tuy nhiên, tải trọng của tàu Liêu Ninh lại nặng hơn tới 6.000 tấn. Tuy nhiên, những đợt chạy thử trên biển lại cho thấy tốc độ lớn nhất của tàu Liêu Ninh cũng tương đương 32 hải lý/giờ”.
Tàu sân bay được đổi tên thành Liêu Ninh khi chuyển giao cho quân đội Trung Quốc vào tháng 9/2012 và tới nay vẫn đang sử dụng cho mục đích huấn luyện. Số cờ hiệu 16 mang ý nghĩa con tàu đã mất 16 năm để có thể hoàn thiện như ngày nay.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-thuong-vu-mua-tau-san-bay-lieu-ninh-lan-dau-tien-duoc-he-lo-a80055.html