+Aa-
    Zalo

    Tài liệu TQ về chủ quyền Hoàng Sa không có căn cứ

    ĐS&PL Việt Nam đã công bố nhiều bằng chứng chính thống thể hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và những tài liệu lịch sử của Trung Quốc là không có căn cứ.
    Trong bài viết trên tờ Yomiuri Shimbun số ra ngày 17/6, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng nêu rõ Việt Nam đã công bố nhiều bằng chứng chính thống thể hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và những tài liệu lịch sử của Trung Quốc là không có căn cứ.
    Tài liệu TQ về chủ quyền  Hoàng Sa không có căn cứ

    Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng: Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

    Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, ít nhất từ thế kỷ 17, Việt Nam đã khai thác sản vật trên quần đảo Hoàng Sa và bảo đảm an toàn cho tàu thuyền của các nước khác qua lại khu vực. Các hoạt động này đều được ghi lại trong các văn bản chính thức của nhà nước thời kỳ này.
    Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định có chủ quyền từ thời kỳ Bắc Tống, nhưng tư liệu lịch sử của Trung Quốc không có căn cứ rõ ràng. Trong các tài liệu cũng không có sự nhất quán về tên quần đảo và cách giải thích, cũng như không chứng minh được chủ quyền của Trung Quốc.
    Trong bài viết, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định sau Chiến tranh thế giới thứ 2, không có nước nào công nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Postdam và Hiệp định San Francisco đã liệt kê tất cả các vùng lãnh thổ được hoàn trả cho Trung Quốc nhưng không bao gồm quần đảo Hoàng Sa.
    Chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tham gia vào quá trình thảo luận để đưa ra hai tuyên bố này nhưng cũng không đề cập gì đến quần đảo Hoàng Sa.
    Năm 1974, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực từ chính quyền miền Nam Việt Nam và đây là hành động chiếm lãnh thổ nước khác bằng vũ lực vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
    Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
    Đại sứ nhấn mạnh dư luận quốc tế hết sức bất bình khi chứng kiến các hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Ông nêu rõ việc Trung Quốc vu cáo Việt Nam đâm tàu của Trung Quốc hơn 1.500 lần và cản trở các hoạt động của Trung Quốc là những cáo buộc xuyên tạc.
    Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định Chính phủ Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ kiên quyết áp dụng mọi biện pháp hòa bình mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và công lý.
    Việt Nam mong muốn nhân nhân thế giới, trong đó có nhân dân Nhật Bản, tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-lieu-tq-ve-chu-quyen-hoang-sa-khong-co-can-cu-a38006.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan