Ngọn rau bí "tắm" chất kích thích: Phân biệt dễ dàng


Thứ 5, 30/06/2016 | 05:11


(ĐSPL) - Người tiêu dùng nên cảnh giác trước những ngọn rau bí non mơn mởn hết cả đoạn dài được cắt thành bó, các lóng xa nhau, tay cuốn mập và ngắn, ít lông tơ.

(ĐSPL) -  Người tiêu dùng nên cảnh giác trước những ngọn rau bí non mơn mởn hết cả đoạn dài được cắt thành bó, các lóng xa nhau, tay cuốn mập và ngắn, ít lông tơ.

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để tăng trưởng cho rau cũng như sử dụng hóa chất bảo quản hiện nay ngày càng gia tăng là mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng. Để đem lại lợi nhuận cao, nhiều người sản xuất bất chấp sử dụng các loại thuốc kích thích để nhanh thu hoạch khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm ngày một tăng.

Theo nghiên cứu, trong số gần 5.000 ca ngộ độc thực phẩm mỗi năm, nguyên nhân chủ yếu chính là do ăn phải rau, củ, quả còn chứa thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng.

Trong các loại rau xanh thì rau bí vốn là món ăn yêu thích của người Việt trong bữa cơm hằng ngày. Tuy nhiên, rau này lại được xếp vào loại bị tắm nhiều hóa chất, thuốc kích thích.

Để tránh mua phải loại rau bí "tắm" nhiều hóa chất, thuốc kích thích, các bà nội trợ nên có cách nhận biết, phân biệt.

Theo chủ một cửa hàng chuyên cung cấp rau sạch, để rau bí vươn dài bắt mắt, người trồng thường bón thật nhiều đạm và phun thuốc kích. Chính vì vậy, loại rau bí này thường rất dài và non. Có khi, đoạn rau, thẳng tuột, dài cả mét mà vẫn non từ gốc đến ngọn.

Với loại rau này, các đốt rau rất dài, phần cuống lá cũng rất dài, mềm và dễ bị dập nát, phần tay cuốn mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen hoặc xanh nhạt không tự nhiên. Đây chính là những loại rau bí bón thừa đạm, phun nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.

Loại rau bí này do ăn nhiều đạm và chất kích thích nên tốt cực nhanh, do đó phần vỏ ngoài giữa các đốt, cuống và gân lá rất mỏng vì thế rất khó tước, thậm chí là không tước được.

Còn loại rau bí sạch, thường chỉ có 3 đến 4 lá trên ngọn có màu lá non, thân rắn chắc, nhiều lồng tơ, lá bánh tẻ có màu xanh tự nhiên, phần tay cuốn thường gầy và dài. Nếu đoạn rau dài, phần gần gốc sẽ thường bị già, nhiều xơ chứ không non sợt từ gốc đến ngọn như loại rau bí "tắm" chất kích thích.

Rau bí "tắm" thuốc kích thích (ảnh trái), rau bí ngon (ảnh phải).

"Khi đi mua rau bí thì chị em đừng cứ thấy rau non, ngọn dài tuột mà lao vào mua, cần phải xem xét, chọn lựa kĩ càng trước khi mua. Ngoài việc nhìn bề ngoài của rau, xem độ dài ngắn, màu sắc như thế nào thì khi chế biến chị em cũng cần để ý. Loại rau có nhiều thuốc kích thích, lân đạm, khi rửa rau, rất dễ bị nát, không cần vò mạnh phần lá cũng bị nát vụn ra, phần cuống và phần thân dễ bị gãy, dập.

Khi xào nấu, rau dễ bị nhũn, nát, ăn thấy nhớt, bột bột, không có mùi thơm tự nhiên và vị ngọt đậm đà của rau bí sạch. Để lâu, nước rau sẽ chuyển sang màu xanh đen rất đáng sợ. Còn rau bí sạch, thường có lớp vở dày, phần gân lá cũng dày nên tước dễ. Lá rau rất ráp nên khi vò khó nát, phần thân với phần cuống lá không bị dập nát.

Khi nấu, dù đảo nhiều, rau bí cũng không bí nát, nấu lâu mềm hơn loại rau bí nhiều thuốc. Rau bí sạch, ăn sẽ thấy vị ngọt đậm đà và vị bùi của rau bí tự nhiên", vị chủ cửa hàng rau sạch cho biết.

Theo các chuyên gia thực phẩm, với các loại rau lấy ngọn không nên chọn mua những bó rau vươn quá dài, khoảng cách giữa các lóng cách xa nhau. Rau xanh mướt, non mơn mỡn tuyệt đối không mua vì đã được phun nhiều thuốc kích thích, thuốc diệt sâu bọ, phân đạm…

Bác sĩ dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo để chọn được mua được rau sạch cần chú ý tới hình dáng bên ngoài như các loại rau củ, quả còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, không héo úa…Không chọn các loại rau, quả có màu xanh bất thường.

Các loại rau, củ, quả chứa nhiều hóa chất bảo vệ thực vật ngửi thấy mùi hắc, nồng tuyệt đối không ăn. Khi chế biến cần phải rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước hoặc rửa nhiều lần bằng chậu.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngon-rau-bi-tam-chat-kich-thich-phan-biet-de-dang-a137475.html