+Aa-
    Zalo

    Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Phần Lan và Thuỵ Điển trước khi quyết định gia nhập NATO

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù Phần Lan và Thuỵ Điển quyết định nộp đơn gia nhập NATO, họ cũng chưa thể được hưởng lợi ngay lập tức từ điều khoản phòng thủ tập thể của khổi.

    Ngày 6/5 (giờ địa phương), Phần Lan đã báo cáo về một máy bay quân sự Nga tiến vào không phận nước này. Theo Finanical Times, dù máy bay Nga chỉ tiến vào không phận Phần Lan trong thời gian ngắn nhưng đây được xem là một lời cảnh báo trong thời điểm nước này đã cân nhắc việc nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

    Được biết, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Phần Lan và Thuỵ Điển từ 2 nước trung lập hiện đang thay đổi thái độ và cân nhắc sự lựa chọn mới là gia nhập NATO. Nếu 2 quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên NATO, họ sẽ là một phần cam kết phòng thủ tập thể theo Điều 5 của khối. Điều này có nghĩa nếu có một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên NATO, cả khối sẽ có phản ứng đáp trả.

    Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi trở thành thành viên chính thức, Phần Lan và Thuỵ Điển chưa được hưởng lợi từ điều khoản này. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo về "những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng" nếu hai quốc gia Bắc Âu xin gia nhập NATO, một viễn cảnh ngày càng có khả năng xảy ra.

    Do đó, Phần Lan hiện đang tập trung xem xét cách 30 quốc gia thành viên NATO có thể làm để giúp họ vượt qua giai đoạn chuyển tiếp dễ bị tổn thương này, có thể kéo dài vài tháng hoặc lên đến hơn 1 năm. Nhận xét về các động thái này của 2 quốc gia Bắc Âu, một nhà ngoại giao châu Âu đã nói: "Gia nhập NATO sẽ là một sự khiêu khích lớn".

    screen shot 2022 05 12 at 094809
    Xe tăng Thụy Điển và Phần Lan tham gia một cuộc tập trận ở Evenes, Na Uy vào tháng 3/2022. Ảnh: Reuters 

    Hiện nay, cả Phần Lan và Thuỵ Điển đều đang chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc tấn công mạng hoặc các hình thức nào khác có thể đến từ Nga, tuy nhiên, nhiều người cho rằng khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp cũng không cao. 

    Kỳ vọng của họ về sự hỗ trợ từ các đồng minh cũng đã thay đổi trong 2 tháng qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, làm rung chuyển trật tự an ninh của châu Âu và khiến cả hai nước Bắc Âu phải suy nghĩ lại về tình trạng trung lập. 

    Vấn đề hiện nay không chỉ là về đảm bảo an ninh, mà là một sự hỗ trợ và tuyên bố hỗ trợ từ các nước như Mỹ, Anh và NATO khi Phần Lan, Thuỵ Điển quyết định nộp đơn gia nhập. 

    Ông Henri Vanhanen, cố vấn chính sách đối ngoại của đảng Liên minh Quốc gia, phe đối lập chính của Phần Lan, cho biết: "Mọi người đều hiểu các đảm bảo của Điều 5 không được đưa ra trên bàn đàn phán nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể cải thiện an ninh khu vực theo những cách khác. Có thể có các tuyên bố chính trị, trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác quốc phòng như các cuộc tập trận ở Biển Baltic". 

    Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö từng hứa ông sẽ đưa ra quan điểm về việc gia nhập NATO trước ngày 12/5, với kỳ vọng Helsinki sẽ nhanh chóng nộp đơn gia nhập. Đáp lại động thái này, Nga đã đe dọa chuyển vũ khí hạt nhân tới vùng Baltic ở Kaliningrad. Tuy nhiên, Lithuania cho rằng Moscow có thể đã làm điều này vào năm 2018.

    Ông Robert Nurick, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định các phương án hỗ trợ an ninh khả thi cho Thụy Điển và Phần Lan là một chủ đề "rất được các quan chức chính phủ Mỹ và cộng đồng chính sách quan tâm".

    Ông nói: "Một trong những điều chính sẽ là những gì Thụy Điển và Phần Lan muốn - những gì họ nghĩ họ cần, những gì họ nghĩ sẽ hữu ích mà không làm phức tạp thêm các cuộc tranh luận nội bộ".

    Các quan chức Phần Lan chia sẻ họ muốn tránh suy nghĩ rằng họ đang gửi cho Nga một thông điệp gì đó về việc này, thay vào đó, Helsinki khẳng định mục tiêu của họ chỉ là tăng cường an ninh bằng cách gia nhập tổ chức quốc phòng của phương Tây.

    Do đó, nhiều khả năng sẽ có một tổ hợp các biện pháp, một số được công bố, một số khác được giấu kín, về vấn đề an ninh của các nước này trong giai đoạn chuyển tiếp. Các tuyên bố chính trị từ các đồng minh chính cũng như NATO sẽ được công khai. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của NATO nói thêm, các thỏa thuận phòng thủ cụ thể hơn sẽ vẫn được giữ kín. 

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kỳ vọng việc xử lý đơn xin gia nhập của 2 nước này sẽ diễn ra "nhanh chóng".

    Tuy nhiên, việc chấp thuận và kết nạp thành viên mới sẽ mất nhiều thời gian hơn. Quá trình phê duyệt tư cách thành viên cho Bắc Macedonia, sự kết nạp gần đây nhất của NATO, đã mất tới 9 tháng. 

    Bà Anna Wieslander, giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương khu vực Bắc Âu, cho biết bà mong muốn NATO và các đồng minh tổ chức huấn luyện và tập trận ở các nước, trong khi Phần Lan và Thụy Điển có thể tham gia vào sứ mệnh kiểm soát không quân của liên minh ở Baltics.

    Bà cũng chỉ ra Lực lượng Viễn chinh, một nhóm gồm 10 quốc gia do Vương quốc Anh dẫn đầu, bao gồm Thụy Điển và Phần Lan, cũng có thể góp phần đảm bảo an ninh cho các nước trong giai đoạn chờ kết nạp. 

    Bà nhận xét: "Thông qua nhiều bước và tuyên bố không chính thức trong giai đoạn này giữa các đồng minh lớn và làm việc với NATO, tôi tin chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn này".

    Ông Vanhanen, cố vấn chính sách đối ngoại, nói thêm rằng việc gia nhập cũng có thể sẽ diễn ra suôn sẻ cũng vì lợi ích của NATO, lặp lại quan điểm của Phần Lan rằng uy tín của liên minh được đặt lên hàng đầu nếu có bất cứ điều gì xảy ra. Ông nhận định sự hỗ trợ mà Phần Lan và Thụy Điển nhận được sẽ là một thông điệp được cân nhắc cẩn thận.

    Minh Hạnh (Theo Financial Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/the-tien-thoai-luong-nan-cua-phan-lan-va-thuy-dien-truoc-khi-quyet-dinh-gia-nhap-nato-a537288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan