+Aa-
    Zalo

    Thí sinh Vua đầu bếp chia sẻ về bữa cơm gia đình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Với các thí sinh của MasterChef Vietnam, việc tham gia chương trình còn là cơ hội họ có thêm cơ hội kiểm nghiệm lại những gì đã tích lũy sau những năm quản bếp.

    (ĐSPL) - Với các thí sinh của Vua đầu bếp - MasterChef Vietnam, việc tham gia chương trình không chỉ đơn thuần để thỏa mãn niềm đam mê nấu nướng, mà ở sân chơi này, họ có thêm cơ hội được kiểm nghiệm lại những gì đã tích lũy sau những năm cai quản căn bếp gia đình.

    Dù là những ứng viên trẻ tuổi như Quốc Thịnh, Khánh Phương, Thanh Dương, Minh Nhật, hay những người làm chủ gian bếp gia đình như chị Lê Chi, Thu Thuỷ, Ngọc Ái, Xuân Huy, đôi vợ chồng Thanh Tùng – Ngọc Thuý, và đặc biệt là cô Thanh Ngân với 30 năm kinh nghiệm nội trợ, thì những bữa cơm gia đình với các món ăn truyền thống Việt Nam là điều không thể nào thay thế được, đặc biệt là trong những dịp lễ tết. Một bữa cơm cùng với những người thân yêu luôn là nơi ấm áp nhất mà mỗi thí sinh MasterChef Vietnam muốn quay về dẫu cho cuộc sống có tất bật đến đâu.

     Những ứng cử viên xuất sắc của Vua đầu bếp mùa thứ 2.

    Khánh Phương: “Sắp đi du học nên tôi tập nấu càng nhiều món ăn truyền thống càng tốt.”

     

    Là ứng viên trẻ tuổi nhất trong Top 11 của MasterChef Vietnam mùa thứ hai, nhưng Khánh Phương phải khiến các “đối thủ” của mình khá e ngại bởi sự am hiểu cùng khả năng nấu các món ăn truyền thống của mình. Biết nấu ăn từ khi còn nhỏ, cô cho biết dù phải đi học hay đi làm thêm, nhưng nhiệm vụ nấu ăn mỗi ngày phải luôn được đảm bảo, đó có thể những bữa cơm thông thường hàng ngày hay ngay cả những dịp đặc biệt trong năm.

    Khánh Phương chia sẻ, lúc đầu vào bếp là “nghĩa vụ”, nhưng càng về sau thì chuyện bếp núc lại trở thành “quyền lợi” vì với không gian này, cô được thoả sức sáng tạo nên những món ăn mới để bố mẹ và em trai thưởng thức. Sắp đi du học, Khánh Phương lại càng thấm thía giá trị của mỗi bữa cơm gia đình và đây là khoảng thời gian mà cô gái trẻ tranh thủ tìm hiểu và trau dồi thêm những món ăn mới, nhất là các món truyền thống của Việt Nam để có thể “giữ trọn những tinh hoa trong tâm hồn mình thông qua những món ăn Việt khi chuyển đến sống nơi đất khách.”

    Thanh Dương: “Những ngày lễ tôi chỉ mong được về nhà ăn cơm cùng gia đình.”

     

    Bắt đầu qua Úc học tập từ năm 16 tuổi, chàng du học sinh Thanh Dương luôn trân trọng những giây phút được về với Việt Nam và ăn những món quê nhà, anh cho biết:“Khá cách trở về khoảng cách địa lí nên tôi hiếm có cơ hội về quê. Chính vì vậy, những dịp nghỉ lễ hay bất cứ khi nào có thời gian, tôi đều muốn trở về nhà bên gia đình. Chỉ là những giây phút cùng nhau thưởng thức những món ăn Việt Nam với tôi đã quá hạnh phúc rồi.”

    Tự lập nơi đất khách quê người cũng khiến “tay nghề” vào bếp của anh chàng ngày càng tiến bộ hơn. Chính vì vậy, mỗi khi có dịp về Việt Nam, Thanh Dương đều “giành quyền” vào bếp và trổ tài nấu những món ăn dân dã, nhưng lại khiến cho các thành viên trong gia đình phải “trầm trồ” vì khả năng biến tấu, làm mới món ăn và tài trang trí của mình. Anh chia sẻ: “Thay vì những món Á – Âu, thì tôi luôn chọn những món Việt để nấu cho gia đình mình. Đối với tôi, dù có cơ hội được tiếp xúc với nhiều món ăn ngon của nhiều nước trên thế giới, nhưng mỗi khi về Việt Nam thì tôi chỉ muốn cùng gia đình ăn những món ăn truyền thống vì chính nó đã tắm mát tâm hồn tôi ngày bé và nuôi lớn tôi trưởng thành”.

    Ngọc Ái: “Không chỉ gia đình, mà những người chủ của tôi cũng yêu thích những món ăn truyền thống Việt Nam.”

     

    Vẫn còn lâng lâng cảm giác hạnh phúc vì được bước tiếp vào vòng trong, với chị Ngọc Ái đây là thành công bước đầu của chị trên con đường chinh phục giấc mơ ẩm thực của mình. Hiện đang giúp việc cho 4 gia đình người nước ngoài khác nhau, chị Ái cho biết dù công việc đòi hỏi về sắp xếp thời gian rất khắt khe nhưng vào những ngày lễ đặc biệt, “tôi lại sắp xếp và báo trước với chủ của mình để về đoàn tụ với gia đình.” Khoảng thời gian quý giá đó, tự tay chị lại chuẩn bị những món ăn đặc biệt và cùng chồng và các con tận hưởng không khí đầm ấm bên mâm cơm gia đình.

    Có một điều thú vị là những người chủ của chị tuy là người nước ngoài, nhưng lại đặc biệt yêu thích các món ăn Việt và thường xuyên yêu cầu chị chuẩn bị những món này để họ thưởng thức như phở, xôi gấc, bún riêu cua… Đó cũng là lý do khiến chị Ngọc Ái rất yêu công việc hiện tại của mình bởi, không chỉ có cơ hội giới thiệu những nét văn hoá và tập quán con người Việt Nam từ những món ăn chị nấu, mà qua công việc, chị Ái lại có hiểu thêm về nền ẩm thực đa dạng của nhiều nước trên thế giới.

    Xuân Huy: “Còn gì hạnh phúc hơn khi được quây quần bên mâm cơm cùng gia đình.”

     

    Rời Thanh Hoá lên Hà Nội lập nghiệp, Xuân Huy chia sẻ, dịp nghỉ lễ luôn là thời gian anh dành trọn vẹn cho gia đình. Những ngày này, có khi anh sẽ cùng gia đình nhỏ của mình về quê thăm bố mẹ và chuẩn bị những món ăn ngon cho ngày đoàn tụ, trong đó không thể thiếu những món ăn dân dã truyền thống, hợp với khẩu vị của từng thành viên.

    Anh chia sẻ: “Còn gì hạnh phúc hơn khi được quây quần bên mâm cơm cùng gia đình. Được nấu những món ăn ngon cho người thân yêu của mình thưởng thức. Đó là cảm giác mà mỗi người con xa quê luôn mong chờ cho ngày đoàn tụ. Không khí gia đình yên bình, những món ăn truyền thống, những câu chuyện vui được chia sẻ, đó là tất cả những gì tôi mong đợi, để rồi lại cảm thấy háo hức được trở về nhà sau những ngày làm việc mệt mỏi.”

    Minh Nhật: “Món ăn Việt là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương”

     

    Đối với cô gái trẻ Minh Nhật, mặc dù khá bận rộn với công việc tại một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, thế nên những dịp nghỉ lễ hay ngày tết cổ truyền, cô luôn chọn gia đình là nơi quay về thay cho những chuyến đi xa.

    “Dù công việc có bận đến đâu thì tôi luôn cố gắng thu xếp để về đoàn tụ với gia đình và người yêu trong những ngày lễ đặc biệt. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 thế hệ, thế nên gia đình tôi luôn chọn những bữa ăn ấm cúng thay vì đi chơi xa. Canh măng, canh bóng, nem, xôi,.. là những món ăn không thể thiếu được, vì từ bé ông bà đã dạy tôi biết rằng món ăn Việt là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương. Đối với tôi, những dịp lễ là giây phút mong chờ được trở về nhà của những người làm ăn xa quê, là đôi mắt ánh lên niềm vui khi con cháu tề tựu đông đủ của ông bà.”

    Là đại diện cho một thế hệ trẻ, hiện đại và tài năng, thế nhưng Minh Nhật vẫn luôn tôn trọng và giữ vững những giá trị truyền thống của gia đình. Được bà dạy nấu ăn từ những ngày còn bé, thế nên, không khí đầm ấm của những bữa cơm gia đình là điều mà cô mong chờ nhất, vì nơi đó cô được giải tỏa những căng thẳng trong công việc và cuộc sống hằng ngày.

    Quốc Thịnh: “Món ăn truyền thống đã lấp đầy những khoảng cách về địa lí trong tôi”

     

    Phải xa Việt Nam từ nhỏ và ở nhiều nước khác nhau do tính chất công việc của bố mẹ, vì vậy, những bữa cơm gia đình với các món ăn truyền thống Việt Nam luôn khiến anh và các thành viên trong gia đình ấm lòng và nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ hay Tết cổ truyền của Việt Nam.

    “Xa Việt Nam từ nhỏ, điều tôi nhớ nhất là mỗi lần lễ hay Tết cả đại gia đình đoàn tụ với nhau, cùng nhau làm mâm cỗ cúng ông bà rồi quây quần họp mặt. Hiểu được tính chất công việc của bố mẹ nên tôi luôn nấu những món ăn đậm đà hương vị Việt để cả gia đình có thể thấy ấm áp hơn nơi đất khách. Có những lúc xa bố mẹ 2 đến 3 năm, chính những món ăn truyền thống đã lấp đầy những khoảng cách về địa lí trong tôi”.

    Thu Thủy: “Tình thương của tôi đến các con cũng từ chính những món Việt thân quen”

     

    Kinh doanh trong lĩnh vực cầu đường, nữ giám đốc Thu Thuỷ cho biết công việc khiến chị thường xuyên di chuyển khắp nơi theo các tuyến đường trong Nam ngoài Bắc. Đó cũng là cơ hội để chị thưởng thức nhiều món ăn vùng miền độc đáo và thử nghiệm nấu những món này tại nhà.

    Bận rộn là thế, nên những lúc có thời gian rảnh rỗi hoặc những dịp đặc biệt trong năm, chị Thu Thuỷ luôn muốn dành trọn thời gian này cho gia đình, đặc biệt là hai người con của chị.

    “Sau những bận rộn với công ty thì hai con là điều tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng cho tôi. Con tôi không thích ăn những món ăn ngoài hay thức ăn nhanh nên vào bếp để nấu ăn luôn là phần thưởng mà tôi dành tặng cho chúng. Mỗi bữa ăn gia đình của tôi không cầu kì hay phức tạp, tôi luôn nấu những món ăn truyền thống Việt ở mỗi bữa cơm, tôi được nuôi lớn từ đó và tôi nghĩ các con trân trọng điều đó. Tình thương của tôi đến các con cũng từ chính những món Việt thân quen”.

    Vợ chồng Thanh Tùng - Ngọc Thúy: “Yêu thương được chắt chiu từ bữa cơm gia đình”

     

    Là đôi vợ chồng duy nhất có mặt trong Top 11 của MasterChef Vietnam mùa thứ hai, anh Thanh Tùng và chị Ngọc Thuý không chỉ mang đến niềm đam mê ẩm thực chảy bỏng, mà hơn hết, là những món ăn mang đầy tình yêu thương từ căn bếp của gia đình để giới thiệu đến chương trình. Đều bận rộn với công việc ngoài xã hội, nhưng duy trì những bữa cơm gia đình luôn là ưu tiên hàng đầu của đôi vợ chồng hạnh phúc này. Với anh chị, đó cũng là cách để giữ lửa và hạnh phúc của gia đình mình.

    Chị Ngọc Thúy chia sẻ: “Dù cùng chồng quản lí công ty nhưng tôi không bao giờ để các con phải ăn ngoài vì bất cứ lí do nào. Những dịp lễ đặc biệt thì gia đình tôi lại càng muốn quây quần bên nhau hơn. Thương con thương chồng nên những món ăn tôi giành trọn tâm huyết của mình, vì thế những yêu thương từ đó cũng được chắt chiu từ bữa cơm gia đình. Hạnh phúc của tôi đơn giản lắm, chỉ cần nhìn con và chồng ăn ngon miệng là tôi thấy ấm áp rồi. Bật mí là sắp tới 2/9, chồng tôi sẽ giành tặng cho tôi và 2 con món ăn mới, hồi hộp lắm (Cười).”

    Lê Chi: “Những món ăn Việt Nam làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.”

     

    Sinh sống nhiều năm ở nước ngoài, chị Lê Chi cho biết những dịp lễ tết cũng là lúc mà người Việt càng thấy nhớ quê hương, và chính lúc đó, món ăn truyền thống Việt Nam sẽ giúp chị phần nào nguôi ngoai được nỗi nhớ quê hương. Bận rộn với vai trò của một người quản lý tại công ty, nhưng chị Lê Chi luôn tự tay chuẩn bị bữa ăn cho gia đình mình.

    Chị cho biết: “Tôi là người yêu thích nấu nướng và luôn muốn chuẩn bị những món ăn ngon nhất cho chồng và các con của mình. Đó là cách tôi thoả mãn sở thích của mình, nhưng đồng thời cũng là cách tôi thể hiện tình yêu của mình với gia đình. Để có những món ăn ngon, tôi thường xuyên lên mạng tìm hiểu những công thức mới, thử nấu đi nấu lại nhiều lần đến khi nào vừa ý mới thôi. Trong đó không thể nào thiếu các món ăn truyền thống của Việt Nam.” Những thử nghiệm thành công của chị sau đó không chỉ được áp dụng ngay trong mâm cơm gia đình hàng ngày, mà còn được chồng con chị hưởng ứng nhiệt liệt trong bữa ăn đặc biệt vào những ngày nghỉ của gia đình, hay những dịp lễ tết cổ truyền của Việt Nam.

    Thanh Ngân: “Hạnh phúc của người nội trợ khi thấy mọi thành viên trở về nhà bên mâm cơm ấm áp.”

     

    Xuất sắc có mặt trong Top 11 của Vua đầu bếp Việt Nam mùa thứ hai, những món ăn của cô Thanh Ngân mang đến chương trình cũng chính là những món được những thành viên trong gia đình cô vô cùng yêu thích và gắn liền với nhiều kỷ niệm khó quên.

    Là người chịu trách nhiệm chính với những bữa ăn trong gia đình, thế nhưng, điều thú vị mà cô chia sẻ:“Trong năm, có 2 dịp đặc biệt thường là ngày sinh nhật và mùng 8/3 thì chồng và các con dành tặng cho riêng tôi. Những ngày như vậy, các thành viên còn lại sẽ cùng vào bếp thay tôi nấu những món ngon để cả nhà cùng chia vui và thưởng thức.”

    Và những ngày lễ đặc biệt trong năm, cô Ngân luôn dành thời gian bên gia đình, có khi sẽ cùng nhau đi thăm họ hàng hoặc du lịch ngắn ngày, có khi tất cả các thành viên sẽ cùng tụ hội lại để thưởng thức những món ăn ngon do cô tự tay chuẩn bị.

    Đó có thể là những món ăn dân dã phù hợp với khẩu vị của từng người như xôi gà quay, bánh đa cua Hải Phòng, bún chả… hay món giò xào, thịt gà, thịt ngan nấu đông, chả nem, canh bóng, canh măng, xôi gấc, gà luộc lá chanh… trong những dịp lễ Tết, với ước nguyện may mắn và sung túc cho những người thân yêu. Với cô, “người nội trợ trong gia đình luôn mong muốn tạo ra những món ăn ngon, đổi món cho lạ miệng và quan tâm đến sở thích từng thanh viên trong gia đình, để mỗi thành viên luôn cảm thấy ấm áp khi trở về nhà bên mâm cơm. Đó chính là niềm vui và hạnh phúc không tả xiết của người nội trợ gia đình.”

    Gia đình luôn là nơi tìm về sau những bộn bề của cuộc sống và những món ăn Việt giản dị luôn là niềm cảm hứng, cũng là tình thương mà mỗi đầu bếp tại gia thổi vào những bữa cơm ấm cúng. Giá trị của bữa cơm gia đình và những món ăn từ căn bếp của gia đình chính là nguồn cảm hứng và động lực để 11 ứng viên xuất sắc nhất sáng tạo và thể hiện tài năng nấu nướng của mình trong căn bếp của MasterChef Vietnam.

    Những món ăn hấp dẫn, những câu chuyện đầy cảm xúc trong hành trình chinh phục ngôi vị Vua đầu bếp Việt Nam sẽ tiếp tục gửi đến khán giả trong Tập 6, được phát sóng vào lúc 20h thứ 7 ngày 23/8 trên kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-sinh-vua-dau-bep-chia-se-ve-bua-com-gia-dinh-a47283.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan