+Aa-
    Zalo

    Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất

    • DSPL
    ĐS&PL Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020, thí sinh chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp thay vì chọn cả hai bài thi như năm trước.

    Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020, thí sinh chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp thay vì chọn cả hai bài thi như năm trước.

    Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 có một số thay đổi đáng chú ý về bài thi tổ hợp. Ảnh minh họa

    Ngày 30/6 là hạn cuối cùng thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020. 

    Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, tính đến cuối ngày 30/6, đã có hơn 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; trong đó, có hơn 636.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Số lượng này tương đối ổn định so với năm 2019. 

    Sắp tới, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi vào ngày 8/8. Trong ngày 9/8, thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn vào buổi sáng (120 phút), Toán vào buổi chiều (90 phút). Môn Ngoại ngữ được tổ chức thi vào chiều 10/8, thời gian làm bài là 60 phút.

    Đáng lưu ý, khác với năm 2019, năm 2020, hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD) cùng diễn ra sáng 10/8.

    Như vậy, thí sinh năm nay chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp thay vì chọn cả hai bài thi như năm ngoái.

    Thực tế cho thấy, trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, tỉ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội luôn nhỉnh hơn so với bài thi Khoa học tự nhiên và có xu hướng tăng dần. Cụ thể, nếu như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 43% số thí sinh dự thi chọn bài thi Khoa học xã hội thì năm 2018, tỉ lệ này là 48%; năm 2019 là gần 53%, áp đảo so với 34,07% thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên.

    Theo lý giải của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội luôn ở mức cao là do học sinh ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp trước nên các em có xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội nhiều hơn.

    “Nếu chọn các môn Khoa học xã hội, ôn thi thêm 1 tháng có thể thêm được kiến thức, cơ hội chống điểm liệt rất cao. Còn môn tự nhiên luyện thêm thời gian ngắn cũng không thể tăng điểm được. Vì vậy em chọn tổ hợp Khoa học xã hội để có nhiều cơ hội đỗ đại học hơn” - Nguyễn Yến Nhi (học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, Yên Bái) chia sẻ.

    Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đã được tinh giản phù hợp với bối cảnh học sinh phải nghỉ học thời gian dài vì dịch Covid-19.

    Dù vậy, đề thi vẫn có sự phân hoá để đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và bảo đảm cơ hội cho các thí sinh khi có nguyện vọng tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

    Năm nay, công thức tính điểm xét tốt nghiệp giữ nguyên như năm ngoái. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp chiếm 70% và kết quả học 3 năm cấp 3 chiếm 30%. Những thí sinh không đủ điểm để công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.

    Một lưu ý trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là sau ngày 30/6, thí sinh không được thay các thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT vào tháng 8, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 1 lần duy nhất (có thể tăng hoặc giảm số nguyện vọng).

    Mộc Miên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-thi-sinh-dieu-chinh-nguyen-vong-mot-lan-duy-nhat-a329199.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan