+Aa-
    Zalo

    Thiết bị trúng thầu cao gần gấp đôi giá tỉnh phê duyệt

    • DSPL
    ĐS&PL

    Gói thầu mua sắm thuộc dự án Mua đồ dùng dạy học lớp 1 (năm học 2020-2021) của một huyện không những làm chênh giá thiết bị so với Quyết định của UBND tỉnh mà còn có dấu hiệu thực hiện sai hàng loạt các bước đấu thầu.

    Theo đó, Gói thầu số 04: “Cung cấp, vận chuyển và lắp đặt thiết bị” thuộc dự án “Mua đồ dùng dạy học lớp 1 tối thiểu thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện” của Ban Quản lý dự án xây dựng huyện làm chủ đầu tư (Ban QLDA) có giá trị trên 1 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn sự nghiệp giáo dục trong dự toán năm 2020.

    Ngày 8/10/2020, Giám đốc Ban QLDA ký Quyết định số 466/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Công ty Hữu Hưng có địa chỉ tại Nam Định với giá trúng thầu là 800.400.000đ  thời gian thực hiện hợp đồng là 30 ngày.

    Ảnh minh họa

    Trong quá trình triển khai gói thầu, có hai nhà thầu tham gia, trong đó Công ty TNHH Tiến Đông có giá dự thầu chỉ ở mức 618.000.000đ, thấp hơn Công ty Hà Giang gần 100 triệu đồng. Công ty TNHH Hòa Hưng cũng phản ánh rằng dù Công ty Hà Giang không đạt về đánh giá kỹ thuật và có giá dự thầu quá cao nhưng vẫn được chủ đầu tư phê duyệt lựa chọn làm nhà thầu trúng thầu.

    “Lỗi đánh máy” từ bước lập Hồ sơ mời thầu (HSMT)

    Tại gói thầu nêu trên có 2 đơn vị với vai trò thay mặt chủ đầu tư mời thầu và thẩm định HSDT: Công ty Nam Anh và Công ty CP công nghệ xây dựng và thương mại Anh Tuấn. Tuy nhiên, ngay từ bước xây dựng HSMT các đơn vị này đã chỉ định nhãn mác sản phẩm, xuất xứ hàng hoá làm mất đi tính cạnh tranh công bằng giữa các nhà thầu và làm sai lệch hẳn mục đích của đấu thầu: Công khai, minh bạch, bình đẳng.

    Cụ thể, tại Chương V (HSMT), phần 2: YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT đã chỉ định nhãn hiệu hàng hóa như: Hạng mục 6: Đàn phím điện tử chỉ định Model CASIO CT-X5000, Mục số 10 chỉ định Model Đầu đĩa Arirang AR 36.

    Căn cứ điểm i, khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 có quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu như sau: 

    “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”.

    Bên cạnh đó, tại khoản 7 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về lập hồ sơ mời thầu có quy định:

    “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô ...”.

    Như vậy, hành vi nêu những yêu cầu cụ thể về xuất xứ hàng hóa, về nhãn hiệu hàng hóa trong HSMT đối với các gói thầu xây lắp, hỗn hợp, mua sắm hàng hóa khi áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế là hành vi bị cấm. Không rõ Ban QLDA có hiểu các quy định của Luật hay cố tình làm sai để tạo ưu thế cho 1 nhà thầu.

    Phê duyệt giá cao gần gấp đôi so với quy định

    Ngày 18/12/2019, UBND tỉnh ký Quyết định số 6754/QĐ-UBND trong đó phê duyệt giá tối đa cho một số chủng loại tài sản mua sắm. Trong đó, máy tính xách tay Acer Travelmate P214-52 xuất xứ Trung Quốc có đơn giá tối đa là 13.500.000đ/máy. Tuy nhiên, tại Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 10/9/2020, hạng mục máy tính xách tay này được phê duyệt giá trúng thầu lên tới 7.540.000đ. Về vấn đề này, Ban QLDA cho biết, giá máy tính đã được UBND huyện phê duyệt nhưng không giải thích được lý do vì sao lại có giá quá cao so với Quyết định của UBND tỉnh.

    Với mức giá xây dựng cao gần gấp đôi so với giá tối đa được UBND tỉnh quy định, Ban QLDA huyện đã làm thiệt hại ngân sách gần 10 triệu đồng chỉ tính riêng cho hạng mục Máy tính xách tay.

    Về mục giá thiết bị cao, BQL cho biết: “Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 9/8/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt cấu hình,  thông số kỹ thuật và mức giá dự toán tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp tỉnh năm 2020 chỉ áp dụng cho các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp tỉnh trong năm 2020” còn gói thầu tại đây không thuộc nội dung này nên không áp dụng.

    Một lần nữa, Ban QLDA tiếp tục bao biện cho hành vi nâng giá thiết bị tại gói thầu này. Quy định mức giá tối đa được UBND tỉnh đưa ra là một kênh so sánh có sự tham vấn của Sở Tài chính tỉnh cũng như các đơn vị thẩm định giá uy tín. Việc phủ nhận mức giá do UBND tỉnh đưa ra khác gì “trên bảo dưới không nghe”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?

    Một trong những điểm bất thường nữa là, hàng hóa Công ty Anh Tuấn cung cấp không đạt kỹ thuật so với HSMT?

    Cụ thể, mục hàng hóa số 34 Máy chiếu đa năng kỹ thuật số Model Viewsonic PA503XB là hàng hóa trúng thầu. Theo thông số kỹ thuật từ nhà sản xuất Viewsonic PA503XB có Hệ thấu kính: F=2.56:2.68 và có độ phân giải 1024x768.

    Tuy nhiên, HSMT lại yêu cầu máy chiếu phải có độ phân giải tương thích đạt UXGA (1600x1200), 60Hz. WUXGA for WXGA(16:10).

    So sánh thông số từ nhà sản xuất và yêu cầu từ HSMT có thể thấy Model Viewsonic PA503XB là không phù hợp do có độ phân giải thấp hơn!?

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thiet-bi-trung-thau-cao-gan-gap-doi-gia-tinh-phe-duyet-a342572.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan