Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Tiềm ẩn nguy cơ thất thoát


Thứ 2, 24/03/2014 | 08:25


(ĐSPL) - Nếu quản lý không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thoái vốn, sẽ có nguy cơ xuất hiện lỗ hổng làm thất thoát tài sản nhà nước.

(ĐSPL) - Nếu quản lý không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thoái vốn, sẽ có nguy cơ xuất hiện lỗ hổng làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nhà nước chấp nhận lỗ
Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến nay, các doanh nghiệp nhà nước mà chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty mới thoái được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng (tương đương 19\%) đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính.
Một phần nguyên nhân dẫn đến quá trình thoái vốn diễn ra chậm là do thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm mạnh thời gian qua đã khiến việc thoái vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các tập đoàn, tổng công ty không thể thoái vốn tại các công ty có giá cổ phiếu trên thị trường thấp hơn mệnh giá ban đầu bởi vì sợ trách nhiệm “gây thất thoát vốn nhà nước”.
 - Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Tiềm ẩn nguy cơ thất thoát
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trực thuộc thực hiện ráo riết.
Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa được ban hành cho thấy quyết tâm rất lớn của cơ quan quản lý trong việc giải quyết những hậu quả do một thời gian dài, các tập đoàn, tổng công ty đầu tư tràn lan gây ra.
Tại khoản 1 điều 3 của Nghị định này có quy định rõ: “Thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định”.
Đây chính là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thoái vốn ngoài ngành khỏi các công ty đang gặp khủng hoảng, làm ăn kém hiệu quả; được đánh giá như là một biện pháp “giải phóng trách nhiệm” cho doanh nghiệp trong việc thoái vốn mà không “gây thất thoát vốn nhà nước”.
Nghị quyết của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Bởi việc cho phép thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, về bản chất là tuân thủ nguyên tắc thị trường trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Với những khoản đầu tư không hiệu quả, bị lỗ, thì theo nguyên tắc thị trường, đương nhiên phải thoái vốn dưới mệnh giá, chấp nhận cắt lỗ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải làm sao để việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá không làm thất thoát thêm tài sản nhà nước mới thực sự là đang quan tâm.
Nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát
Để thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, được biết Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo quyết định về đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015 để áp dụng trên thực tế, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Trong khi cơ quan quản lý đang hoàn chỉnh văn bản pháp lý để chính thức hóa việc triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, nhiều chuyên gia nhận định, nếu văn bản pháp lý này không quy định chặt chẽ quy trình thoái vốn, trách nhiệm của lãnh đạo DN bán vốn, các đơn vị tổ chức định giá, bán đấu giá cổ phần, cũng như không tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thoái vốn, sẽ có nguy cơ xuất hiện lỗ hổng làm thất thoát tài sản Nhà nước.
 - Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Tiềm ẩn nguy cơ thất thoát (Hình 2).
Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí VN (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí VN cũng đang tích cực thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tổ chức thoái vốn ngoài ngành dưới mệnh giá phải minh bạch từ khâu phê duyệt kế hoạch, tổ chức đấu giá, đến công khai thông tin về giá bán, bán cho ai, ai đăng ký mua, mua với khối lượng bao nhiêu…nếu không minh bạch, không tuân thủ nguyên tắc thị trường, quá trình triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá có nguy cơ khiến tài sản nhà nước lại thêm một lần thất thoát.
Được biết, để ngăn chặn nguy cơ trên, với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định về đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc, quy trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.
Trong đó yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo DN thuộc phạm vi quản lý xây dựng chi tiết kế hoạch, tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai theo hướng đảm bảo nguyên tắc thị trường và minh bạch. Trong đó, việc xác định giá khởi điểm đối với các khoản đầu tư ngoài ngành được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá, đảm bảo nguyên tắc xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn đầu tư ra ngoài ngành.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo quyết định nêu trên sẽ được Bộ hoàn tất, lấy ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan. Dự kiến, trong tháng 4 tới, dự thảo Quyết định sẽ được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Thành Vũ
Xem thêm video clip: Thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoai-von-dau-tu-ngoai-nganh-tiem-an-nguy-co-that-thoat-a25988.html