+Aa-
    Zalo

    Thời tiết phức tạp, Quảng Ninh lo lũ lớn quay trở lại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Chiều ngày 30/7, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp đi thị sát tại sông Mông Dương nhằm chỉ đạo khắc phục hậu quả.

    (ĐSPL)- Chiều ngày 30/7, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp đi thị sát tại sông Mông Dương và tại Công ty CP Than Mông Dương – Vinacomin để chỉ đạo khắc phục sự cố ngập nước tại đây.

    Diễn biến phức tạp

    Tin tức từ Tiền Phong, theo ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tình hình mưa lũ rất phức tạp. Công ty than Mông Dương bị nước ngập mặt bằng giếng phụ, ngập trạm bơm -250 khu Đông bắc Mông Dương, đồng thời nước chảy nhiều làm 2 lò chợ bị đổ.

    Nước lũ chảy về với cường độ rất lớn, 7.100m3/h khiến nước dâng lên rất nhanh. Công ty than Mông Dương đã phải cầu viện 2 máy bơm công suất 1.200m3/h của Than Mạo Khê để chống ngập hầm lò. Cùng đó công ty đang tính tới phương án xả nước ra sông Mông Dương.

    Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tình hình mưa lũ rất phức tạp.

    “Theo thông tin chúng tôi nhận được, hiện nước sông Mông Dương đang dâng rất nhanh. Triều cường cũng đang đạt đỉnh 4m. Nay cộng với nước xả từ than Mông Dương thì tình hình sẽ rất khó lường. Chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến tình hình, nếu cần thiết sẽ di dời toàn bộ các hộ dân sinh sống dọc sông Mông Dương để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Hậu cho biết.

    Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, đến nay, do mưa lũ, tỉnh đã phải cho di dời hơn 1.700 hộ dân. Tại khu vực Mông Dương, chính quyền địa phương đã trưng dụng nhà văn hóa của Công ty CP Than Mông Dương làm nơi cư trú cho hơn 200 người sống gần khu vực tổ 4 phải di dời do nước lũ làm tràn bãi đổ xỉ.

    Mưa lớn trở lại toàn vùng Quảng Ninh

    Từ trưa 30/7, mưa như trút nước đổ xuống thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Mông Dương, Vân Đồn kéo theo nước dâng nhanh và rất cao tại sông Mông Dương. Nước lũ cuồn cuộn chảy kéo theo những cây tre, gỗ lớn trôi dọc sông. Hiện mực nước chỉ cách bờ khoảng trên 1m và tăng rất nhanh.

    Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, trong thời gian từ 30/7 đến 4/8, sẽ có mưa lớn, lũ trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ . Cụ thể khu vực Đông Bắc tiếp tục có mưa to đến rất to Cửa Ông (Quảng Ninh): 200mm; Chi Lăng (Lạng Sơn) 220mm;...

    Trên sông Kỳ Cùng và Lục Nam đã xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 3-4m; đỉnh lũ trên sông Kỳ Cùng (tại Lạng Sơn) vào 3 giờ ngày 30/7 ở mức 253 m (trên báo động 1 là 1 m), trên sông Lục Nam (tại Lục Nam) vào 8 giờ ngày 30/7 ở mức 3,5m (dưới báo động 1 là 0,80 m).

    Dự báo từ 30/7-03/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm cả đợt, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm). Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc trong các ngày 30-31/7, sau đó có khả năng mở rộng thêm ra các tỉnh vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc từ 1/8.

    Trên vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2.0-3.0m, biển động mạnh. Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình từ ngày 31/7 đến 04/08 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thái Bình có khả năng lên mức báo động 2-3, sông Kỳ Cùng có khả năng lên lại mức báo động 2.

    Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3.

    Khắc phục hậu quả chuẩn bị đối phó với mưa lớn tiếp theo

    Tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lũ với các đơn vị liên quan, các tỉnh thành phố từ Hà Tĩnh trở ra chiều nay, báo cáo về tình hình thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả chuẩn bị đối phó với mưa lớn tiếp theo, ông Nguyễn Đức Long- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: ngày hôm qua (29/7), UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng cho một ngôi nhà sập; đồng thời tính toán vị trí tạm cư, tái định cư cho các hộ dân; đến thời điểm này tỉnh cũng đã nhận được ủng hộ hơn 28 tỷ đồng của các doanh nghiệp và các địa phương.

    Theo ông Nguyễn Đức Long, về phương án lâu dài, sau đợt mưa lũ này tỉnh sẽ có đánh giá toàn diện liên quan đến công tác phòng chống mưa lũ bất thường, nhất là với đô thị rà soát lại các quy hoạch thoát nước trong trường hợp đột biến, bất thường như trận mưa vừa qua là hết sức khó khăn; Quy hoạch lại một số khu dân cư cần thiết phải di dời dân.

    Liên quan đến bãi thải than, ông Nguyễn Đức Long cũng cho biết, cũng cần phải nghiên cứu bố trí lại vì hiện nay toàn bộ cốt bãi thải than đạt 300m. Nhưng đối với nguy cơ như hiện nay thì phải xem xét lại nếu như tiếp tục mưa nữa chắc chắn bãi thải này sẽ vỡ, toàn bộ 300 hộ dân sẽ nằm trong bùn than”, ông Long nói.

    UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị được hỗ trợ kinh phí khắc phục giao thông di dân cũng như công tác quy hoạch.

    UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao sự trợ giúp của lực lượng quân đội, công an trong việc tham gia ứng phó với trận mưa lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa qua.

    Mặc dù phương án tại chỗ đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng thực tế nhiều nơi bị chia cắt, muốn tiếp cận phải có phương tiện, trong khi xuống máy không thể hoạt động thì các phương tiện xuồng cao su của quân đội, công an đã cho phép tiếp cận nhanh với nơi bị nước lũ cô lập, chia cắt.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]Q2i93lGnXC[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-tiet-phuc-tap-quang-ninh-lo-lu-lon-quay-tro-lai-a104156.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.