Hoa khôi áo dài Việt Nam: 1 đêm – 3 hoa hậu và "lò đào tạo" siêu tốc


Thứ 3, 06/01/2015 | 14:00


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Có lẽ lịch sử Việt Nam sẽ ghi danh cuộc thi Hoa khôi áo dài với những kỷ lục chưa từng có trong các cuộc thi nhan sắc Việt từ trước đến nay.

(ĐSPL) - Có lẽ lịch sử Việt Nam sẽ ghi danh cuộc thi Hoa khôi áo dài hay nói đúng hơn là chương trình truyền hình thực tế Hoa khôi áo dài – Đường đến vương miện Hoa hậu Thế giới với những kỷ lục chưa từng có trong các cuộc thi nhan sắc Việt từ trước đến nay.

Cuộc thi “dài hơi” và cú hattrick - “1 ăn 3” lịch sử

Nếu như hằng năm các nhà chuyên môn, các chuyên gia sắc đẹp, các đơn vị tổ chức phải tốn kém rất nhiều chi phí làm nên các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi để tìm ra đại diện nhan sắc Việt trong các cuộc thi quốc tế thì với Hoa khôi áo dài, ban tổ chức là đã làm cú hattrick chưa từng có trong lịch sử.

Lịch sử các cuộc thi nhan sắc đã tổ chức tại Việt Nam cho thấy, những cuộc thi Hoa hậu, hoa khôi đều có vòng chung kết kéo dài trong khoảng hơn 1 tháng nhưng với Hoa khôi áo dài, 18 thí sinh phải sống, học tập và rèn luyện theo chuẩn mực trong suốt hơn 2 tháng. Đây có lẽ là cuộc thi dài nhất từ trước đến nay.

Chỉ với một hành trình dài 75 ngày và đêm gala đăng quang hoành tráng, 3 đại diện nhan sắc Việt ở đấu trường Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Siêu quốc gia đã được tìm ra nhanh chóng theo một cách khá tiết kiệm và không đau đầu.

Trải qua 75 ngày sống gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài và thử sức ở các thử thách đặc biệt về thể hình lẫn tâm hồn, trí tuệ, từ 18 thí sinh, ban tổ chức đã lựa chọn được 12 nhan sắc nổi bật nhất tham gia tranh tài trong đêm chung kết tối 5/1 vừa qua.

Với thời lượng dài và “dai” như Hoa khôi áo dài Việt Nam, đây quả là một thử thách không nhỏ đối với đơn vị tổ chức, thí sinh và cả người xem chương trình.

"Một chương trình phát liên tục trong 75 ngày là một thử thách cho nhà sản xuất trong bất kể lĩnh vực nào. Và để lôi cuốn người xem thì nhà sản xuất sẽ phải dùng những tình tiết kịch tính để lôi cuốn người xem, thậm chí gây scandal" - chia sẻ của bà Thúy Nga - đơn vị đang nắm bản quyền của hơn 30 cuộc thi Hoa hậu và người mẫu lớn nhất thế giới.

Video tham khảo:

Hành trình tới vương miện Hoa khôi áo dài của Lan Khuê

Cuộc thi “chuẩn” hoa hậu - đầu tư nhiều chuyên gia nhất

Với những ai theo dõi chương trình này thì Hoa khôi áo dài Việt Nam 2014 - Đường tới Vương miện hoa hậu Thế giới là một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức với qui mô lớn. Đây là lần đầu tiên những người đẹp đại diện cho quốc gia được tìm kiếm thông qua một chương trình truyền hình thực tế.

Những cuộc thi sắc đẹp quốc tế hiện nay không chỉ yêu cầu thí sinh đẹp về hình thể, kỹ năng trình diễn tốt, ứng xử thông minh, mà còn phải dấn thân vào các hoạt động xã hội, cộng đồng, kèm theo đó là tài năng, thể lực tốt và nhân cách tốt.

Chính vì vậy, ban tổ chức đã đầu tư một số lượng lớn các chuyên gia tham gia giúp đỡ, chỉ dạy cho các thí sinh đến từ trong nước lẫn nước ngoài. Nếu như thầy Henri Hubert (người Guyana) dạy các bước cơ bản của người mẫu, thì chuyên gia Anjo Santos (Philippines) lại truyền lửa cho các thí sinh bằng những bước đi tạo nên tên tuổi cho các á hậu hoàn vũ ở quê nhà. Hay chuyên gia Rene Arambulo (Philippines) với 15 năm kinh nghiệm với trường người mẫu ở Venezuela và từng làm việc với Osmel Sousa đã chỉ dạy lại những cách đi, tạo dáng, làm duyên trước ống kính...

Hoa hậu thế giới 2011 Ivian Sarcos.

BTC mời các chuyên gia, người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để truyền dạy cho các thí sinh về kinh nghiệm trả lời phỏng vấn các câu hỏi thi hoa hậu, phát biểu trước công chúng. Với sự tham dự của những khách mời danh dự như Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc - Ngô Quang Xuân, Đại sứ Pháp - Jean-Noël Poirier, nhà báo Nguyễn Công Khế, đạo diễn Lê Hoàng. Những vị khách quý này không chỉ là chia sẻ kinh nghiệm quý báu, nhân sinh quan sâu sắc, mà còn là những vị giám khảo có cái nhìn khách quan trong việc chấm điểm cho các thí sinh. Và ngoài những thành viên ban giám khảo cố định, mỗi tuần đều có thêm các giám khảo khách mời khác nhau phù hợp với chủ đề giảng dạy của tuần đó.

 “Đây là cuộc thi các thí sinh được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, nhưng việc đào tạo thí sinh trong 75 ngày mới chỉ là những kỹ năng, những bước cơ bản chứ chưa thể nói là đã chuyên sâu so với công nghệ đào tạo và huấn luyện của Venezuela hay Philippines. Ở các nước này, việc đào tạo kéo dài hàng năm với nhiều kỹ năng chuyên sâu, từ cách ăn uống, ngồi, để chân, giao tiếp, thể hiện ánh mắt hay các giác quan khác, đến kỹ năng catwalk, kỹ năng tỏa sáng, hay phát triển tài năng” - chia sẻ của bà Thúy Nga - đơn vị đang nắm bản quyền của hơn 30 cuộc thi Hoa hậu và người mẫu lớn nhất thế giới.

Thí sinh ít nhất nhưng đồng đều nhất

Nói về chuyện số lượng thí sinh tham gia vòng chung kết thì Hoa khôi áo dài là cuộc thi có ít thí sinh được lọt vào vòng chung kết nhất. Nếu như Hoa hậu Việt Nam 2014 có tổng thể 38 thí sinh tham gia trong vòng chung kết tại Phú Quốc vừa rồi, Hoa hậu Đại dương có 32 thí sinh thì Hoa khôi áo dài với quy mô “1 ăn 3” thì chỉ có vỏn vẹn 18 thí sinh bước vào quá trình đào tạo và tranh tài trong đêm chung kết là 12 thí sinh. Như vậy, tỉ lệ chọi của Hoa khôi áo dài là ít nhất nhưng cơ hội “xuất ngoại” lại cao nhất và gần như tuyệt đối.

Tuy ít thí sinh nhưng Hoa khôi áo dài lại có dàn thí sinh đồng đều. Sở dĩ có được điều này là một phần nhờ quá trình đào tạo, rèn luyện trong suốt hơn 70 ngày dưới bàn tay chỉ dạy của các vị chuyên gia uy tín. Trong đêm chung kết, các thí sinh này đã cho thấy sự tự tin và khả năng trình diễn chuyên nghiệp của mình. Đây là điều không thể chối cãi!

Xin trả lời ứng xử bằng tiếng Anh

Một điểm đáng chú ý trong đêm chung kết Hoa khôi áo dài Việt Nam khiến khán giả nhớ mãi đó là việc Á khôi Thúy Vân xin được trả lời phần thi ứng xử bằng tiếng Anh đầy tự tin và bản lĩnh. Ngoại ngữ là một trong những khó khăn đối với các thí sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế chính vì vậy việc một thí sinh xin được trả lời ứng xử bằng tiếng Anh đã khiến không chỉ giám khảo mà giới truyền thông khá bất ngờ.

Nói về lựa chọn mạo hiểm này, á khôi Thúy Vân chia sẻ: “Đầu tiên vì đây là một cuộc thi để tìm ra đại diện Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế và quan trọng người nói với tôi là giám khảo Henry. Việc người khác hỏi mình bằng tiếng Anh thì đây là một phép lịch sự khi mình cũng dùng thứ ngôn ngữ trả lời mà họ có thể hiểu được. Tôi cũng đã dịch lại phần trả lời của mình bằng tiếng Việt để cho các quý vị khán giả hiểu được”.

“Lò đào tạo” siêu tốc: 1 đêm - 3 hoa hậu

Dẫu cuộc thi còn nhiều vấn đề cần phải sửa chữa, khắc phục nhưng với việc thâu tóm 3 quyền đại diện Việt Nam tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế như Hoa khôi áo dài thì có lẽ, trong những năm về sau, sẽ có rất đông người đẹp đăng ký tham gia chương trình này nếu muốn “xuất ngoại” thay vì tham gia các cuộc thi nhan sắc truyền thống ở Việt Nam.

1 đêm - 3 hoa hậu và cái kết nhanh – gọn – lẹ và không thể chối cãi cho 3 vị trí của Việt Nam ở đấu trường nhan sắc quốc tế trong năm tới.

Hi vọng với sự đào tạo bài bản, đúng như lời đại diện BTC chia sẻ đó là “chuẩn mực quốc tế” thì bộ 3 hoa hậu của cuộc thi sẽ gặt hái được nhiều thành công, thể hiện được sự vượt trội của mình so với mô – típ đào tạo cũ và quan trọng hơn hết là giúp nhan sắc Việt “tỏa sáng” hay trên bản đồ nhan sắc thế giới.

Nói như một độc giả từng chia sẻ trên trang cá nhân sau đêm chung kết Hoa khôi áo dài tối 5/1: “Các bạn ấy đều xứng đáng nhưng tỏa sáng hay không thì phải chờ mới biết!”.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoa-khoi-ao-dai-viet-nam-1-dem-3-hoa-hau-va-lo-dao-tao-sieu-toc-a77962.html