+Aa-
    Zalo

    Thống đốc nói gì về những sai phạm trong ngành ngân hàng?

    • DSPL
    ĐS&PL Tình hình tham nhũng và tội phạm ngày càng tinh vi trong khi đó việc hoàn thiện thể chế pháp luật còn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động ngân hàng.

    Tình hình tham nhũng và tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi đó việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý còn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

    Thống đốc nói gì về những sai phạm trong ngành ngân hàng?

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

    Thị trường những ngày qua đang theo dõi phiên phúc thẩm đối với vụ kiện bầu Kiên và những thành phần có liên quan về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng. Phiên phúc thẩm vẫn chưa kết thúc và không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn về tình trạng sai phạm trong hoạt động ngân hàng.

    Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn, tỉnh Tiền Giang, rất băn khoăn đến những sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

    Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ việc tham nhũng, sai phạm trong ngành Ngân hàng thời gian vừa qua là do kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ với một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho TCTD.

    Theo Thống đốc Bình, do thời kỳ trước năm 2011, các TCTD chạy theo mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư lớn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, đầu tư tài chính, vi phạm các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng và các quy định an toàn hoạt động ngân hàng.

    “Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc thừa nhận.

    Thời gian qua, đối với những cá nhân có sai phạm trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý và yêu cầu các TCTD có biện pháp xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.

    “Những vụ việc có dấu hiệu hình sự được Ngân hàng Nhà nước kịp thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý các vụ việc vi phạm là tuân thủ nguyên tắc bảo đảm thu hồi tối đa tài sản cho TCTD, Nhà nước và nhân dân. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm từ những vụ việc đã xảy ra, đề xuất việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để có những biện pháp hiệu quả và kịp thời hơn nữa trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng”, Thống đốc cho biết thêm.

    Thống đốc Bình còn cho biết do phát triển quá nhanh trong thời gian trước năm 2011 nên hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD còn yếu, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

    “Một số TCTD hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan. Các khoản cho vay, đầu tư đối với cổ đông lớn và người có liên quan thường rất lớn (vượt giới hạn an toàn) và rủi ro cao cho TCTD”, Thống đốc thừa nhận.

    Thống đốc cũng xác nhận có những sai phạm xảy ra ở một số TCTD còn do hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, lãnh đạo của TCTD buông lỏng quản lý, các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ ngân hàng có nhiều bất cập, sơ hở, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền,...

    Phương tiện chống lại tội phạm tấn công từ ngoài vào của các ngân hàng còn hạn chế do hệ thống công nghệ, năng lực quản trị rủi ro và trình độ cán bộ của một số TCTD hiện nay còn nhiều bất cập, trong khi đó các loại tội phạm mới, nhất là tội phạm công nghệ cao chưa được cảnh báo kịp thời.

    “Hoạt động ngân hàng phát triển nhanh, đa dạng và phức tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hiện đại hóa công nghệ, tình hình tham nhũng và tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi đó việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý còn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Công tác thanh tra, giám sát còn nhiều bất cập, hạn chế”, Thống đốc giải thích.

    Tuy vậy, từ năm 2012, nhiều vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng được phát hiện và xử lý nghiêm minh, điển hình như các vụ việc xảy ra tại Công ty tài chính II - Agribank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, OceanBank... đã thực sự có tác dụng trong việc răn đe, từng bước làm trong sạch hệ thống ngân hàng và lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trong 3 năm qua.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-doc-noi-gi-ve-nhung-sai-pham-trong-nganh-ngan-hang-a72675.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan