+Aa-
    Zalo

    Thông tin mới nhất vụ nhiều cán bộ, giảng viên Trường CĐ Y tế Quảng Nam đồng loạt nghỉ việc

    (ĐS&PL) - Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Trường CĐ Y tế Quảng Nam và những người lao động xin nghỉ việc diễn ra sáng 15/12, 2 bên đã đi đến thống nhất các cán bộ, giảng viên tiếp tục làm việc đến hết ngày 31/12, nhà trường sẽ tìm phương án giải quyết quyền lợi của từng cá nhân.

    Liên quan đến vụ nhiều cán bộ, giảng viên công tác tại khoa Điều dưỡng và khoa Y tế cơ sở của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam vừa thông báo sẽ ngừng việc từ ngày 18/12 đang gây xôn xao dư luận, mới đây lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng về nguyên nhân cụ thể và hướng giải quyết sự việc sao cho thỏa đáng.

    Theo báo VietNamnet, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam - ông Huỳnh Tấn Tuấn, cho biết, sáng nay (15/12), lãnh đạo nhà trường đã có buổi họp cùng những người lao động gửi thông báo ngừng việc. Ông Tuấn thừa nhận việc chậm lương khiến cán bộ, giảng viên trường bức xúc.

    "Sau cuộc họp, hai bên thống nhất cán bộ, giảng viên tiếp tục làm việc đến hết ngày 31/12. Ngày 12/12, nhà trường đã làm việc với UBND tỉnh cùng các cấp đề xuất phương án xử lý, tạm hoãn khấu trừ dự toán hàng năm của nhà trường trong năm 2023 và giai đoạn 2023 – 2025", ông Tuấn thông tin.

    thong tin moi nhat vu nhieu can bo giang vien truong cd y te quang nam dong loat nghi viec
    Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam thông tin về thực trạng sự việc đang diễn ra trong nhà trường. Ảnh: VTC News.

    Nhắc đến việc nợ hơn 5,7 tỷ tiền lương của 114 cán bộ, giảng viên, ông Tuấn nêu lý do dự toán kinh phí đầu năm của đơn vị đã thấy không hợp lý, UBND tỉnh giao chỉ tiêu bình quân sinh viên. Cụ thể, dự toán kinh phí tại trường cả năm 8,5 tỷ đồng, thu tiền từ gần 500 sinh viên 3 tỷ đồng, tổng hơn 11 tỷ đồng. Giảm trừ dự toán 3,8 tỷ đồng, số tiền còn lại không đủ cho chi phí trả tiền lương.

    Về hướng giải quyết sự việc trong thời gian tới, ông Tuấn thông tin, nhà trường đề xuất lên Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam để có phương án hỗ trợ. Cùng với đó, trong những năm tới, đề xuất đối với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam với đặc thù khó tuyển sinh nên xin hỗ trợ đảm bảo quỹ lương để cán bộ, giảng viên yên tâm công tác.

    Theo Báo Tin tức, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cũng đưa ra lý giải thêm về tình trạng nợ lương của cán bộ giảng viên trong thời gian qua. Theo ông Huỳnh Tấn Tuấn, từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, đội ngũ y tế phải hỗ trợ công tác phòng, chống dịch nên bị đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng khiến phụ huynh, học sinh không mặn mà học ngành y.

    Lương nhân viên y tế nhìn chung thấp hơn so với các ngành học khác khi ra trường. Học sinh cũng như phụ huynh đều ưu tiên vào học ở các trường đại học Y nên số sinh viên của trường có xu hướng giảm. Trong khi, tỉnh bố trí ngân sách theo chỉ tiêu sinh viên nên dẫn đến tình trạng chậm trả lương như hiện nay.

    "Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam có 9 khoa, phòng và một Bệnh viện đa khoa. Những năm trước khi COVID-19 bùng phát, số sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam có năm lên đến trên 3.000 em nhưng hiện nay trường chỉ có gần 500 sinh viên đang theo học", ông Huỳnh Tấn Tuấn cho biết.

    Cũng theo ông Huỳnh Tấn Tuấn, bình quân trường phải có từ 800 - 1.000 sinh viên theo học thì nguồn ngân sách của tỉnh bố trí mới đủ trả lương cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường.

    Theo nhà trường, ngoài những đề xuất hỗ trợ gửi lên các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà trường cũng sẽ chủ động tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo ngắn hạn, tinh giản biên chế… để có thể giải quyết vấn đề về lâu dài.

    Như đã đưa tin, loạt cán bộ, giảng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nghỉ việc là do nhà trường đã không thanh toán tiền lương và phụ cấp cho họ trong thời gian 6 tháng (tính từ tháng 7/2023 đến nay). Chia sẻ trên báo Quảng Nam, một giảng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, họ đã phải cầm cố sổ đỏ hơn 100 triệu đồng để chi tiêu trong gia đình vì bị nhà trường nợ 6 tháng lương khiến gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, không có tiền chi tiêu sinh hoạt.

    “Gia đình đã cầm cố sổ đỏ hơn 100 triệu đồng chỉ để sinh hoạt, lo cho con học Đại học tại TP.HCM mỗi tháng 8 triệu đồng. Gia đình cũng phải vét hết tiền tiết kiệm để lo đủ thứ. Tôi không dám mượn thêm tiền của ai. Nhà trường hứa liên tục nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy gì” - giảng viên này chia sẻ.

    Giảng viên cho biết, vì thương sinh viên, tập thể cán bộ và giảng viên "cắn răng, buộc bụng" đi dạy. Cứ nghĩ đến cảnh sinh viên không có người dạy, hướng dẫn, thầy cô không nỡ bỏ, nên mọi người động viên nhau đến tận hôm nay. Nghĩ rằng, trường sẽ sắp xếp chuyển lương cho cán bộ, nhân viên nhưng đến hiện tại vẫn chỉ là "lời hứa".

    Rơi vào cảnh cùng đường, họ mới phải đi đến quyết định ngừng việc tập thể chứ không thể nào đi làm không lương mãi, thậm chí ngay cả khi ốm đau cũng không thể khám bệnh được chỉ vì bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên thẻ bảo hiểm y tế cũng không có hiệu lực. 

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-tin-moi-nhat-vu-nhieu-can-bo-giang-vien-truong-cd-y-te-quang-nam-dong-loat-nghi-viec-a603670.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan