Thông tin về nhà đầu tư dự án nhà máy cán thép 5.500 tỷ đồng ở Nghi Sơn


Thứ 6, 03/03/2023 | 14:34


Cùng sự kiện

UBND tỉnh Thanh Hoá đã cho phép CTCP gang thép DST Nghi Sơn thực hiện dự án nhà máy thép 5.500 tỷ đồng tại khu kinh tế Nghi Sơn.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã ký Quyết định số 611 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.

Theo đó, diện tích đất của dự án dự kiến sử dụng khoảng 51ha thuộc Khu công nghiệp (KCN) số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Nhà máy có công suất sản xuất 980.000 tấn/năm cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu; 30.000 tấn sản phẩm kết cấu thép/năm; 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.

Dự án có tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.000 tỷ đồng; còn lại 4.500 tỷ đồng vốn huy động ngân hàng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất…

Kinh doanh - Thông tin về nhà đầu tư dự án nhà máy cán thép 5.500 tỷ đồng ở Nghi Sơn
Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn đầu tư dự án nhà máy cán thép 5.500 tỷ đồng ở khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hoá. Ảnh minh hoạ

Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn. Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 22/7/2022 do ông Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1981, quê Phú Thọ là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc. Hiện nay ông Nguyễn Mạnh Hùng còn đang là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc cho Tập đoàn DST Group (Công ty Cổ phần Tập đoàn DST Việt Nam).

Hiện, Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: CTCP Tập đoàn DST Việt Nam (30%), Công ty TNHH Thép Cường Phát DST (15%), CTCP Ống thép Thuận Phát (20%), CTCP Tập đoàn VJCO (20%), CTCP Kim khí Quốc tế Việt Nhật (15%).

Được biết, Tập đoàn DST Việt Nam là tập đoàn đa ngành thành lập từ năm 2001 và có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép cán nguội, thép mạ kẽm, ống thép, chế tạo lắp đặt kết cấu thép cho các công trình công nghiệp và dân dụng ở Việt Nam.

Tính đến tháng 3/2022, DST Group có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Mạnh Hùng góp sở hữu 50% vốn điều lệ; bà Phùng Thị Kim Thủy (30%) và bà Lê Thị Ngọc Tú (20%). Đến tháng 7/2022, DST Group tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng.

Theo thông tin trên trang chủ của DST Group, hiện nay Tập đoàn DST Việt Nam có hàng loạt công ty thành viên như: Công ty TNHH Thép Cường Phát DST (trụ sở đóng tại Cụm công nghiệp Hoàng Mai, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); Công ty Cổ phần Ống thép Cường Phát DST (trụ sở đóng Cụm Công nghiệp Hoàng Mai, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Phát DST (đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Hải Long (Điểm Công nghiệp Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội); Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hoàng Phương, Công ty Cổ phần Bất động sản DST; Nhóm các Công ty Năng lượng tái tạo; Nhóm các Công ty Nông Nghiệp công nghệ cao.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-tin-ve-nha-dau-tu-du-an-nha-may-can-thep-5-500-ty-dong-o-nghi-son-a567607.html

  • Thanh Hóa: Khởi tố Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn

    Thanh Hóa: Khởi tố Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn

    Ông Nguyễn Văn Thiệp – Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
  • Nghi Sơn - Thanh Hóa: Kiến nghị dừng Dự án nạo vét hồ Khe Sanh

    Nghi Sơn - Thanh Hóa: Kiến nghị dừng Dự án nạo vét hồ Khe Sanh

    Liên quan đến Dự án nạo vét hồ Khe Sanh (Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có loạt bài phản ánh về thực trạng đang diễn ra tại đây. Trao đổi về những vi phạm, ông Phạm Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: Thông tin mà báo chí đưa tại Dự án nạo vét hồ Khe Sanh là thực tế. Cho đến lúc này, Dự án không còn đáp ứng mục tiêu phục vụ cho việc tưới tiêu mà các công ty đã lợi dụng dự án để thực hiện vịệc khai thác tài nguyên đất cát. Vì thế, tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền cho dừng dự án này.
  • Nghi Sơn - Thanh Hóa: Cần khắc phục các tồn tại đối với dự án nạo vét hồ thủy lợi Khe Sanh

    Nghi Sơn - Thanh Hóa: Cần khắc phục các tồn tại đối với dự án nạo vét hồ thủy lợi Khe Sanh

    Dự án nạo vét lòng hồ thủy lợi Khe Sanh được chấp thuận thi công trong 5 năm nhưng thời gian gia hạn đã được đẩy lên tới hơn 8 năm. Thời gian kéo dài là vậy, tuy nhiên đến nay, người ta chưa thấy có một hiệu quả nào ngoài những bãi tập kết cát khổng lồ cùng các chuyến xe ngày đêm “cõng” cát đi tiêu thụ, gây bức xúc trong dư luận.