+Aa-
    Zalo

    Thông tư 20 về nhập khẩu xe: Doanh nghiệp hồi hộp chờ "phán quyết"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liên quan đến việc Thông tư 20 gây nhiều tranh cãi liên quan đến điều kiện kinh doanh nhập ô tô, Thủ tướng sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo cụ thể...

    (ĐSPL) - Liên quan đến việc Thông tư 20 gây nhiều tranh cãi liên quan đến điều kiện kinh doanh nhập ô tô, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo... 

    Theo tin tức trên báo Zing.vn, thông tin tại buổi họp báo thường kỳ ngày 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm của Chính phủ về Thông tư 20 đang gây tranh cãi.

    Ông Mai Tiến Dũng cho hay, trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư, quy định về nhập khẩu ôtô tại Thông tư 20 đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ.

    Đây là vấn đề được các cơ quan liên quan, doanh nghiệp (DN) đầu tư, sản xuất ôtô trong nước và DN kinh doanh nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống rất quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau đối với việc duy trì hay bãi bỏ quy định này tại Thông tư 20.

    “Do còn nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề này, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

    Cũng theo ông Dũng, trên cơ sở báo cáo tổng hợp và đề xuất của Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, hiệp hội, DN liên quan, Thủ tướng sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ôtô tại Việt Nam.

    Thông tin trên Infonet, trước đó, vào ngày 15/7, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương trả lời về việc Thông tư 20 quy định về việc bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống được Bộ Công thương ban hành từ năm 2011 có còn hiệu lực hay không để có cơ sở hướng dẫn hải quan các địa phương thống nhất thực hiện chính sách hải quan cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ tháng 7/2016.

    Có nhiều ý kiến khác nhau đối với việc duy trì hay bãi bỏ quy định này tại Thông tư 20. (Ảnh minh họa).

    Theo Tổng cục Hải quan, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư (ban hành ngày 26/11/2014) việc nhập khẩu xe ô tô chở người loại 9 chỗ trở xuống không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

    Tuy nhiên, trong 6 năm qua từ 2011 đến nay, Thông tư số 20/2011/TT-BCT vẫn có hiệu lực thi hành. Trong đó quy định, thương nhân khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp bổ sung 2 chứng từ là: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó.

    Thứ hai là giấy chứng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

    Đối chiếu quy định của Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua và Thông tư 20 (Bộ Công Thương ban hành năm 2011), Tổng cục Hải quan khẳng định: Nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 20/2011/TT - BCT không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư.

    Chính vì vây, Tổng cục Hải quan mong muốn Bộ Công Thương sớm trả lời về việc Thông tư 20/2011/TT-BCT hiện còn hiệu lực hay không để có cơ sở hướng dẫn hải quan các địa phương thống nhất thực hiện chính sách hải quan cho các DN nhập khẩu ô tô từ tháng 7/2016.

    Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, các DN nhập khẩu ôtô nhỏ vừa cho biết, việc duy trì điều kiện của Thông tư 20 hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và không chính đáng, vì kinh doanh ôtô nhập khẩu là ngành nghề không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

    Bên cạnh đó, các điều kiện tại Thông tư 20 được các DN này đánh giá không khuyến khích cạnh tranh bình đẳng và vi phạm Luật Cạnh tranh 2004, không hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trái với Nghị quyết 35 của Chính phủ cùng nhiều chính sách khác đang hỗ trợ khu vực kinh tế này.

    Các DN nhập khẩu ôtô nhỏ và vừa cũng nhấn mạnh tác động của Thông tư 20 đối với xe con Trung Quốc tràn vào Việt Nam, vì chỉ cần 1 giấy ủy quyền chính hãng là đã nhập được xe, trong khi các hãng xe Trung Quốc sẵn sàng cấp giấy ủy quyền cho các DN Việt Nam rất đơn giản, miễn sao bán được hàng cho họ mà không có bất kỳ một ràng buộc khắt khe nào.

    Theo các DN nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa tại Việt Nam, việc loại bỏ Thông tư 20 sẽ làm môi trường kinh doanh lành mạnh, không phân biệt DN lớn hay vừa và nhỏ, cùng cạnh tranh dưới sự quản lý của Nhà nước.

    Hồi hộp chờ phán quyết

    Thông tin trên báo Zing.vn, cũng liên quan đến việc giữ hay bỏ Thông tư 20, ngoài ý kiến của các nhà nhập khẩu chính hãng và các đơn vị kinh doanh xe nhập tư nhân, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và một số doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đã lên tiếng ủng hộ việc gia hạn hoặc nâng Thông tư lên thành Nghị định. Trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng và các Bộ, ban, ngành liên quan, VAMA bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực tới thị trường ôtô nếu Thông tư 20 không được gia hạn hoặc thay thế.

    Kiến nghị của VAMA nêu rõ: "Khi Thông tư 20 hết hiệu lực và không được thay thế, chúng tôi lo ngại về việc ai sẽ đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ nếu những nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ dừng hoạt động kinh doanh sau đó vì những lý do nào đó". Ngoài ra, VAMA cũng lo ngại sẽ tái diễn tình trạng trốn thuế bằng việc khai giá mua bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như trước khi Thông tư 20 được ban hành. Trên thực tế, đã từng có trường hợp một chiếc xe Rolls-Royce được khai giá chỉ 50.000 USD, hoặc một chiếc xe sang 11 tỷ được khai giá chỉ 6,5 tỷ đồng, gây thất thu một lượng tiền thuế lớn cho nhà nước.

    Trong khi đó, trình bày tham luận tại cuộc họp với Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp liên quan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương cũng nêu lên những lo ngại về việc tình hình sản xuất kinh doanh ôtô sẽ trở lại như giai đoạn trước 2011 nếu Thông tư 20 không được duy trì hoặc thay thế.

    Cụ thể, ông Dương cho rằng nếu gỡ bỏ thông tư 20 sẽ rất khó kiểm soát chất lượng xe, việc bảo hành, sửa chữa, triệu hồi khắc phục lỗi sẽ gặp nhiều bất cập. Ngoài ra, để có lợi nhuận, các đơn vị nhập khẩu không chính ngạch có thể khai giá trên hợp đồng và tờ khai hải quan thấp để nghĩa vụ đóng thuế được giảm xuống, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp này cũng sẽ phải mua ngoại tệ từ thị trường chợ đen và chuyển ngân lậu ra nước ngoài để thanh toán, do đó có thể tạo ra gian lận thương mại và gây bất ổn thị trường ngoại tệ Việt Nam.

    Việc nhập khẩu ồ ạt, không có kiểm soát sẽ dẫn đến lượng xe tồn kho cao, lượng nhập siêu khổng lồ, sau đó có thể phải bán dưới giá nhập do không kiểm soát được lượng cung cầu, gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trên hết, việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ tạo ra sự bất ổn đối với thị trường ôtô trong nước, gây ra tâm lý bất an, băn khoăn, lo lắng đối với các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư.

    Viễn cảnh về một bãi xe khổng lồ, với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia nhập khẩu, có năm nhập về tổng lượng xe lên tới 100.000 chiếc trong khi quy mô thị trường còn nhỏ, sẽ gây ra những bất cập trong công tác quản lý cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Đó đang là lý do chính khiến hiệp hội các nhà sản xuất ôtô trong nước và các nhà nhập khẩu xe hơi chính hãng có lần hiếm hoi nói chung một tiếng nói.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-tu-20-ve-nhap-khau-xe-doanh-nghiep-hoi-hop-cho-phan-quyet-a142250.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan