+Aa-
    Zalo

    Thu hồi tài sản tham nhũng: Tài sản giấu đi, tình “phô” ra?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều chuyên gia thẳng thắn đặt vấn đề: Tham nhũng tình dục, thu hồi tài sản thế nào?

    (ĐSPL) - Câu chuyện luật hóa hành vi tham nhũng phi vật chất một lần nữa lại hâm nóng dư luận khi tại hội thảo Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, do Ban Nội chính Trung ương tổ chức, nhiều chuyên gia thẳng thắn đặt vấn đề: Tham nhũng tình dục, thu hồi tài sản thế nào?
    Một câu hỏi không dễ trả lời, bởi trên thực tế, không riêng chuyện hối lộ tình dục mà những hành vi vô hình như việc công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về; xin - cho chức vụ; nâng đỡ trên đường quan lộ... cũng đều là tham nhũng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong cuộc chiến chống tham nhũng, phải thu hồi tất cả lợi ích từ các hành vi trên mà có được chứ không chỉ là tài sản.
    Tham nhũng tinh thần?
    Hiểu một cách thông thường, tội phạm tham nhũng là tội phạm kinh tế, xâm phạm đến sở hữu Nhà nước, sở hữu hợp pháp của xã hội, tổ chức, cá nhân. Tài sản tham nhũng là tài sản do người có chức vụ quyền hạn lợi dụng chức quyền của mình mà chiếm đoạt. Ngoài ra, tài sản tham nhũng còn được hiểu là tài sản có được do nhận hối lộ hoặc phát sinh từ hành vi tham nhũng.

    Nhiều khi tư lợi tinh thần còn lớn hơn cả vật chất (ảnh minh họa).

    Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, tội phạm tham nhũng cũng biến đổi với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hành vi tham nhũng không chỉ đơn thuần là lợi ích vật chất, tiền bạc hữu hình mà thể hiện ở nhiều góc độ, từ chuyện “chạy chức, chạy quyền”, “ăn cắp” thời gian, hối lộ lợi ích để thăng tiến, đến mua chuộc bằng tình dục...
    Đó cũng là lý do khiến việc xử lý, đặc biệt là thu hồi tài sản liên quan đến hoạt động “tham nhũng vô hình” đang trở nên vô cùng khó khăn. Từ thực tế đó, giới chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật cần kịp thời thay đổi để theo kịp sự biến đổi này.
    Theo GS. TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Pháp lý (bộ Tư pháp), khái niệm “thu hồi tài sản” hiện nay cần phải hiểu một cách rộng hơn, phù hợp với thực tế. Vị này lấy ví dụ về trường hợp một ông quan chức nào đó không cần tiền mà chỉ cần nhận “những giây phút vui vẻ”.
    Ông ấy sẵn sàng bố trí việc làm cho cô gái đó để đổi lấy điều mình mong muốn. “Trường hợp này thì thu hồi như thế nào, thu hồi cái gì? Người ta không cần tài sản, không cần tiền, người ta chỉ cần ăn chơi trác táng thì sao?”, GS. Hạnh đặt câu hỏi. Chuyên gia này cũng cho rằng, thu hồi là phải thu hồi tất cả các lợi ích, chứ không chỉ là tài sản như vẫn hiểu.
    Xem thêm video: "Mua" tin tố giác tham nhũng đến 10 triệu đồng.

    Quan điểm của GS. Lê Hồng Hạnh đang nhận được nhiều sự đồng thuận của dư luận. Khi PV tham vấn, nhiều chuyên gia pháp lý cho biết, pháp luật cần thay đổi để kịp thời lấp những khoảng trống trong việc xử lý tội phạm tham nhũng.
    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân tích: “Hiện nay, những hành vi tham nhũng khá tinh vi, phức tạp như: Hối lộ bằng lợi ích (khen thưởng, đề bạt, cất nhắc hay nâng đỡ...). Có những hành vi tư lợi (có lợi cho riêng cá nhân) và vụ lợi (có lợi cho người thân, gia đình, ê-kíp làm việc...). Nhưng có một điều đặt ra tư lợi về mặt vật chất và tư lợi về mặt tinh thần. Có những tư lợi về mặt tinh thần còn lớn hơn vật chất rất nhiều”.
    Cần luật hóa, khó cũng phải làm
    Cách đây ít lâu, cũng tại một buổi hội thảo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức, đại diện cơ quan này đã khẳng định, chắc chắn có chuyện hối lộ bằng tình dục ở Việt Nam, vì thế, nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự để ngăn chặn, xử lý. Thời điểm đó đã nảy ra nhiều tranh luận xung quanh đề xuất trên.
    Nhiều ý kiến cho rằng, việc luật hóa hối lộ tình dục sẽ rất khó bởi chúng ta không thể xác định chính xác được hành vi cũng như lượng hóa những lợi ích vô hình từ hành vi này. Tuy nhiên, không ít ý kiến đồng tình, bởi đây là một thực trạng xã hội, nếu không đưa vào luật, sẽ càng khó xử lý.
    Theo ông Ngô Văn Sửu, lâu nay, ở Việt Nam vẫn tồn tại lối suy nghĩ chỉ có dân thường hối lộ quan chức, cấp dưới hối lộ cấp trên chứ ít ai nghĩ cấp trên “hối lộ” cấp dưới bằng lợi ích trong công việc. Rõ ràng, đây không phải là hành vi hối lộ bằng tiền bạc, của cải.
    “Đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, tạo thành những nhóm lợi ích. Thế nên, việc xác định “hối lộ bằng lợi ích” rất khó, đòi hỏi phải có bằng chứng hoặc bắt quả tang... Thế nhưng, chúng ta phải có giải pháp với những chế tài cụ thể để điều tra, thu hồi bằng được”, vị cựu cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.
    Trong khi đó, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận định, vấn đề hối lộ trong xã hội hiện nay đã không còn là cá biệt mà tồn tại khá phổ biến. Việc xử lý bất cứ vấn đề gì cũng khó, xử lý hối lộ cũng như vậy. “Xử lý hối lộ bằng vật chất đã khó rồi, xử lý hối lộ bằng tình dục chắc chắn còn khó hơn rất nhiều lần. Nhưng vì đó là thực trạng xã hội, nên dù có khó cũng vẫn phải làm”, ông Hương nói.
    Cũng theo ông Nguyễn Đình Hương, điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi tư duy. Theo thống kê năm 2014, việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ dừng lại ở mốc trên 20\%, thấp hơn nhiều so với tổng giá trị tài sản thiệt hại trên thực tế. Bởi có những tài sản được “giấu” qua rất nhiều kênh khác nhau, thậm chí tài sản đó không hiện hữu trên thực tế, biểu hiện qua lợi ích tinh thần...
    Theo ông Hương, cần nghiên cứu và qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, chúng ta sẽ sửa đổi và hoàn thiện dần về luật.    

    Không phải chờ bản án mới xử lý tài sản tham nhũng

    Để tạo bước đột phá trong thu hồi tài sản tham nhũng, theo GS. TS Lê Hồng Hạnh, việc thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ chờ đến quyết định của tòa án, qua thủ tục hành chính, qua văn bản. “Chúng ta cần phải có giải pháp đột phá. Đột phá ở đây là không cần chờ tới khi có bản án thì mới xử lý tài sản tham nhũng. Bởi thực tế cho thấy, có những vụ án tham nhũng kéo dài cả 10 năm thì làm sao thu hồi được. Thu nhập của anh như thế này mà tài sản anh nhiều thế kia nhưng anh không chứng minh được đó là tài sản hợp pháp thì khối tài sản đó là bất hợp pháp. Chúng ta có thể làm được dựa trên những mối liên kết với thuế, chứng khoán để chứng minh được nguồn gốc tài sản thuộc thu nhập bất hợp pháp và thu hồi được”, ông Hạnh nói.

    LAN ĐỨC

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-tai-san-giau-di-tinh-pho-ra-a88039.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan